Bà Kathleen Zahavi, nhân chứng sống dưới chế độ tàn bạo của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Ảnh: EPA |
Bà Kathleen Zahavi, 86 tuổi, mất 100 thành viên trong gia đình gồm cha mẹ, các chị gái và nhiều người thân khác trong vụ thảm sát Holocaust do Đức Quốc xã thực hiện. Họ từng bị giam giữ tại các trại tập trung trong thời gian quân phát xít chiếm đóng Ba Lan. Theo ước tính, khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng trong giai đoạn này, theo Daily Mail.
Bà Zahavi hiện sống tại Canada. Theo lời kể của nhân chứng, lòng căm thù quân phát xít Đức đã đeo bám suốt những năm tháng thơ ấu của bà.
"Một ngày nọ, lính Đức Quốc xã tới nhà chúng tôi và ra lệnh mọi người đóng gói đồ đạc để tới một khu ổ chuột. Tôi chỉ có bàn chải và bộ quần áo đang mặc trên người", Zahavi nhớ lại.
Sau 3 tuần sống ở khu ổ chuột, quân lính đưa gia đình bà lên tàu để tới trại tập trung Aushwitz.
"Điều kiện sống trên tàu khủng khiếp tới mức nhiều người già và trẻ em không thể sống sót. Chúng tôi đi vệ sinh vào chiếc thùng duy nhất được đặt ở giữa xe chở súc vật. Chúng tôi có rất ít nước và không có thức ăn. Mọi người phải sống như vậy từ 7 tới 10 ngày. Đó là khoảng thời gian kinh hoàng", nhân chứng nói.
Các tù nhân bên trong trại tập trung Auschwitz. Ảnh: Costaricantimes.com |
Trong chuyến hành trình đó, nhiều người đi cùng bà Zahavi đã chết. Lính Đức Quốc xã dừng tàu một vài lần để ném xác nạn nhân xuống đường. "Chúng tôi giống những con vật. Thực tế, chúng tôi bị đối xử tồi tệ hơn súc vật", bà Zahavi khẳng định.
Sau khi tới trại tập trung Auschwitz, lính Đức Quốc xã mở cửa tàu và tiếp tục ném những xác chết còn lại xuống dưới. "Tôi nhớ rất rõ rằng 10 hay 15 con chó dữ sủa inh ỏi. Cho tới giờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng chúng sủa văng vẳng bên tai", Zahavi kể.
Bất cứ ai chạy trốn, lính Đức lập tức bắn hoặc thả chó đuổi theo họ. Những con vật này được quân đội Đức huấn luyện để trở nên cực kỳ hung dữ. Theo trí nhớ của bà Zahavi, Đức Quốc xã sắp xếp một người có quyền định đoạt số phận của các tù nhân tới trại Auschwitz.
"Chúng tôi xếp hàng dài và ông ta chọn những người trẻ và khỏe rồi xếp sang bên phải. Những người yếu và lớn tuổi bị xếp sang hàng trái. Mẹ và dì của tôi lúc đó khoảng 50 hoặc 60 nên họ bị xếp vào hàng trái. Đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy họ", bà Zahavi nói.