Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lần bị 'cắt ngọn' của siêu dự án 102 tầng

Sau 2 lần bị giảm tầng và 2 lần điều chỉnh vốn, dự án tòa nhà cao nhất Việt Nam PVN Tower 102 tầng giờ chỉ còn lại 44 tầng.

Số phận của dự án tòa tháp cao nhất Việt Nam cao 102 tầng luôn nhận được sự quan tâm lớn của thị trường.

Gần đây, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch dự án Golden Palace A trên nền đất của PVN Tower. Theo đó, số tầng cao nhất đối với khối chung cư cao tầng của Golden Palace A trên nền đất này chỉ là 44 tầng - giảm rất nhiều so với "siêu dự án" 102 tầng trước đó.

Tuy nhiên, lần điều chỉnh này không phải lần đầu tiên dự án bị "cắt ngọn" (điều chỉnh chiều cao- PV) và giảm vốn. 

Giữa năm 2010, Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương (OGC) tổ chức lễ ký thoả thuận hợp tác đầu tư xây dựng dự án toà nhà PVN Tower 102 tầng, cao nhất Việt Nam, trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD.

toa nha cao nhat viet nam anh 1
Phối cảnh ban đầu của dự án tháp PVN Tower 102 tầng.

Theo thiết kế, tòa nhà 102 tầng nằm trong tổng thể dự án 25 ha trên trục đường Láng - Hòa Lạc, thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm - cửa ngõ của thành phố công nghệ Hòa Lạc trong tương lai.

PVN Tower bao gồm khu nhà ở, khách sạn cao cấp và văn phòng cho thuê, khu công viên sinh thái và trung tâm văn phòng điều hành tài chính - thương mại và công nghệ quốc tế.

Dự án được đưa ra trong thời kỳ hưng thịnh của ngành dầu khí toàn cầu, cũng đồng thời vào lúc thị trường bất động sản đang rất sôi động nhất tại Việt Nam.

Dự tính, công trình "có một không hai này" sẽ hoàn thành năm 2014, trở thành một biểu tượng tự hào cho ngành dầu khí và thủ đô Hà Nội, tương tự như tòa tháp đôi của Malaysia.

Tháng 3/2011, PVC công bố điều chỉnh PVN Tower từ 102 tầng xuống còn 79 tầng. Kế hoạch điều chỉnh dự án PVN Tower được PVC công bố một ngày sau phiên thảo luận về việc tái đầu tư 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng khoản tái đầu tư 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu công là không hợp lý. Thậm chí một số đại biểu lo ngại về tình trạng đầu tư đa ngành mà tiêu biểu là tòa nhà số một Việt Nam (PVN Tower).

toa nha cao nhat viet nam anh 2
Hình ảnh khu đất dự kiến triển khai dự án tháp PVN Tower 102 tầng. Ảnh: Tiến Tuấn.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy một năm sau khi ra mắt, khi mà dự án còn chưa được khởi công, tòa nhà cao nhất Việt Nam sẽ chỉ còn duy trì 79 tầng thay vì 102 tầng. Số vốn từ hơn 1 tỷ USD theo dự kiến ban đầu giảm xuống còn 600 triệu USD.

Việc hạ thấp số tầng và chiều cao khiến cho PVN Tower không còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam nữa nhưng vẫn là một trong những tòa nhà cao nhất và được thị trường chờ đợi. PVC cũng dự kiến khởi công dự án vào quý I/2012.

Ngày 16/1/2012, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời điểm đó cho biết PetroVietnam đã rút khỏi tòa tháp PVN Tower. Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, PetroVietnam chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.

Sau đó, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư dự án này và giao UBND TP Hà Nội xem xét đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất.

toa nha cao nhat viet nam anh 3
Những lần giảm vốn của dự án tháp 102. Đồ hoạ: Hiếu Công.

Ngày 20/2/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1208/QĐ-UBND chấp thuận Công ty cổ phẩn Đầu tư Mai Linh là nhà đầu tư dự án Công viên giải trí, Trường học và Tổ hợp Nhà ở, Thương mại, Dịch vụ Golden Palace A, tại phường Mễ Trì và Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Công trình cao nhất có chiều cao 44 tầng.

Dự án có tổng vốn đầu tư 4.460 tỷ đồng (khoảng hơn 200 triệu USD) từ vốn góp chủ sở hữu và vốn huy động các nguồn hợp pháp khác.

Như vậy, về chiều cao, PVN Tower đã giảm từ 102 tầng xuống 79 tầng và hiện tại là 44 tầng. Về số vốn, ban đầu là 1 tỷ USD, rồi giảm xuống 600 triệu USD và nay là hơn 200 triệu USD.

Trong một chia sẻ với Zing.vn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng Việt Nam cần nhà chọc trời nhưng không nên chạy theo thế giới. Vị này cho biết nhà chọc trời không đơn thuần là các toà nhà cao nhất mà phải là tổ hợp đa năng tích hợp được nhiều tiện ích. 

"Không phải ai muốn xây cũng xây được mà phải mạnh về kinh tế. Đó có thể là doanh nghiệp bất động sản, đa ngành, nhưng yếu tố tiên quyết là phải có uy tín và tiềm lực", ông nhận định.

 

 





Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm