Những 'kỵ sĩ nhí' cưỡi lạc đà đua giữa sa mạc Ai Cập
Thứ năm, 21/3/2019 05:00 (GMT+7)
05:00 21/3/2019
Đua lạc đà là một trong những môn thể thao truyền thống nổi tiếng nhất ở thế giới Arab. Các lễ hội ở Ai Cập vẫn cho ban tổ chức tuyển trẻ em điều khiển lạc đà bất chấp rủi ro.
Các nài lạc đà phần lớn là trẻ em đang tham dự lễ hội Đua Lạc đà Quốc tế lần thứ 18 tại sa mạc Sarabium, ở Ismailia, Ai Cập vào ngày 12/3. Đua lạc đà là một môn thể thao truyền thống của người Bedouin - những người Arab du mục sống tại vùng sa mạc phía bắc châu Phi, bán đảo Arab, Iraq và vùng Levant. Ảnh: Reuters.
Cuộc đua ở Sarabium, vùng Ismailia tuần qua quy tụ gần 150 lạc đà từ nhiều bộ lạc địa phương, được chia làm tám hạng mục thi đấu với độ dài các đoạn đường đua từ 5-15 km. Các nài lạc đà phần lớn rơi vào độ tuổi từ 6-13. Theo ban tổ chức, lễ hội đã thu hút gần 1.000 người đến xem. Ảnh: Reuters
Đua lạc đà là một trong những môn thể thao truyền thống nổi tiếng nhất ở thế giới Arab. Nhiều quốc gia giàu có ở Vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, cũng tổ chức các cuộc đua lạc đà với phần thưởng hậu hĩnh cho các thứ hạng cao. Lạc đà giành phần thắng trong cuộc đua sẽ tăng giá bán đáng kể. Ảnh: Reuters.
Mohamed Mostafa, một người nuôi lạc đà có mặt tại Ismailia tuần qua, nói lạc đà về nhất trong những vòng đua có thể được bán với giá từ 150.000-200.000 bảng Ai Cập (khoảng 8.700-11.600 USD). Những con lạc đà thua cuộc chỉ được bán với giá khoảng 10.000 bảng (gần 580 USD). Ảnh: Reuters.
Một số quốc gia Vùng Vịnh đã cấm tuyển dụng trẻ em làm nài lạc đà. Nhiều nhóm nhân quyền đã cảnh báo tình trạng trẻ em bị chấn thương vì phải điều khiển con vật có kích thước lớn hơn mình gấp nhiều lần. Nhiều nhóm cũng ghi nhận tình trạng trẻ em bị bắt cóc hoặc bị chính gia đình mình bán cho những người tổ chức đua. Ảnh: Reuters.
Lệnh cấm dùng nài trẻ em khiến nhiều người nuôi lạc đà đua chuyên nghiệp không thể đưa đội sang các lễ hội Vùng Vịnh thi đấu. Một số người cho rằng "nài" robot có thể thay đổi tình hình. Ảnh: Reuters.
Abd El Rahman, 8 tuổi, cầm theo yên cưỡi lạc đà để tham gia lễ hội ngày 12/3 trên sa mạc Sarabium của Ai Cập. Ảnh: Reuters.
Phần lớn nài trẻ em tham dự lễ hội tại Ismailia lại ủng hộ việc duy trì truyền thống đua lạc đà. Sayed Mohamed, 11 tuổi, khẳng định chỉ có nài trẻ em mới có thể điều khiển được lạc đà hiệu quả. "Lạc đà thường nghiêng mình đổi hướng. Chúng cháu giỏi hơn robot khi điều khiển những con lạc đà như vậy, chỉnh lại đường đua cho chúng", Sayed nói. Ảnh: Reuters.
"Theo ý chúa trời, trong vòng một năm nữa, lạc đà thi đấu sẽ không còn do người cưỡi, trừ một số trường hợp người trưởng thành vẫn tham gia để giữ gìn truyền thống", Eid Hamdan Hassan, lãnh đạo Liên đoàn Lạc đà Ai cập, trưởng ban tổ chức cuộc đua ở Sarabium, cho biết. Ảnh: Reuters.
Esam el-Din Atiyah, chủ tịch Liên đoàn Đua Lạc đà châu Phi, thừa nhận nhiều trường hợp nài trẻ em bị chấn thương khi thi đấu. "Các tổ chức nhân quyền nói đây là hành động lạm dụng trẻ em", ông muốn Ai Cập chuyển hoàn toàn sang đua lạc đà bằng robot, nhưng quá trình chuyển giao khá tốn kém và cần thời gian. Ảnh: Reuters.
Trong sự kiện tại vùng đông bắc Ai Cập năm nay, trước sức ép của nhiều nhóm nhân quyền, các nhà tổ chức cuộc đua đã bắt đầu thử nghiệm robot thay cho nài trẻ em. Theo Reuters, tại cuộc đua ngày 12/3 ở Ismailia, ban tổ chức đã cho dùng thử 20 robot điều khiển lạc đà đua với những nài trẻ em truyền thống. Ảnh: Reuters.
Lạc đà, loài vật từng phổ biến ở khu vực phía tây khô cằn của Ấn Độ, được giải thoát khỏi nguy cơ biến mất nhờ nhu cầu ngày càng gia tăng cho các sản phẩm làm từ sữa của chúng.
Con tàu nhanh nhất của Ấn Độ đã hỏng ngay trong chuyến đi đầu tiên, chỉ một ngày sau lễ ra mắt với sự có mặt của Thủ tướng Narendra Modi, nhưng không có ai bị thương.