Tại rìa của khu vực sa mạc Ấn Độ, lão nông Lakshman Raika đun sôi trà và đổ thêm chút sữa tươi lấy từ một con lạc đà của mình, nhẹ nhàng khuấy thức uống mà những người chăn lạc đà trong gia tộc đã sử dụng qua nhiều thế hệ.
Cách đó rất xa tại các siêu thị của những thành phố lớn, nhu cầu chocolate, xà phòng và kem dưỡng da làm từ sữa lạc đà đang gia tăng nhanh chóng, một cơ hội kiếm tiền cho ông Raika và những con lạc đà đang dần biến mất của Ấn Độ.
Ông Raika vắt sữa từ một con lạc đà trong đàn của mình. Ảnh: AFP. |
Con vật hết thời
Từng được mệnh danh là "những con tàu trên sa mạc" và loài vật không thể thiếu đối với cuộc sống ở khu vực khô cằn phía tây Ấn Độ, số lượng lạc đà đã giảm dần khi chúng bị thay thế bởi sự tiến bộ của công nghệ.
Những con đường trải nhựa đã chạy sâu hơn vào sa mạc, khiến những chuyến đi bằng xe cộ trở nên nhanh hơn nhiều. Tỷ lệ cơ giới hóa ngày càng tăng trong nền nông nghiệp khiến cho loài gia súc ngày càng trở nên thừa thãi trong các trang trại.
Ông Raika sống ở làng Rani, một ngôi làng nhỏ hẻo lánh ở bang Rajasthan. Những ngày mà ông cùng họ hàng điều khiển đàn lạc đà hàng trăm con, chở đầy hành khách và đồ đạc, đã ở rất xa trong quá khứ.
"Không lâu trước đây, thứ bậc trong cộng đồng của chúng tôi được xác định bởi quy mô đàn lạc đà của mỗi gia đình. Nhưng không còn như vậy nữa", ông Raika than thở, hút một hơi thuốc từ tẩu rồi nhấp một ngụm trà.
"Những ngày này, cũng giống như những ông già, chẳng ai còn cảm thấy thích thú với chúng nữa", ông Raika cho biết thêm.
Ông Raika đã giảm hơn một nửa đàn lạc đà của mình trong năm ngoái. Không đủ khả năng tiếp tục nuôi dưỡng chúng, ông đã bán rất nhiều con cho những người họ hàng với giá rẻ mạt.
Tại những hội chợ lạc đà nổi tiếng ở bang Rajasthan, nơi những người chăn nuôi xuất hiện với chiếc khăn turban đỏ, tập trung ở các thành phố như Pushkar hay Bikaner với hàng chục nghìn con lạc đà, các hoạt động buôn bán cũng trở nên ít tấp nập hơn so với trước.
Trung tâm Nghiên cứu Lạc đà Quốc gia, một viện nghiên cứu nhà nước tại thành phố Bikaner, cách New Dehli 500 km về phía tây nam, cho biết số lượng lạc đà Ấn Độ đã giảm 30% chỉ trong vòng vài năm.
"Tình hình thật sự đáng lo ngại", gám đốc trung tâm, ông N.V Patil, chia sẻ với AFP.
Dòng sữa được ưa chuộng
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ ngăn chặn sự suy giảm này bằng cách tạo mối liên kết giữa những người chăn gia súc và cộng đồng doanh nhân có nhu cầu dùng sữa lạc đà để phát triển một dòng sản phẩm mới bao gồm chocolate, pho mát, kem và kem dưỡng da.
Các sản phẩm chăm sóc da làm từ sữa lạc đà đang rất được ưa chuộng tại Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Ngay cả xương lạc đà cũng đang được sử dụng để chế tác đồ trang sức và lưu niệm cho khách du lịch.
Sữa lạc đà cũng đang được ưa chuộng và được gọi là "siêu thực phẩm" tại các chuỗi siêu thị ở Mỹ và Anh. Không chỉ vậy, những nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon cũng đang quan tâm đến thị trường mới nổi này.
Ông Hitesh Rathi, một người đã đầu tư vào lĩnh vực này 3 năm trước cho biết doanh nghiệp của ông thu mua tới 7.000 lít sữa lạc đà mỗi tháng.
"Thị trường này cũng như nhu cầu dành cho sữa lạc đà và các sản phẩm liên quan rõ ràng là đang tăng trưởng. Nhưng đó là một khó khăn khi bạn phải đồng thời tạo ra nhận thức về sản phẩm và tiếp thị nó", ông Rathi nói với AFP.
Mặc dù vậy, sữa lạc đà có thể là một mặt hàng khó bán tại những khu vực có đa số dân theo đạo Hindu, nơi những con bò được tôn sùng như một người mẹ và sữa của chúng có liên quan mật thiết đến sức khỏe tâm linh.
Sữa lạc đà cũng béo và mặn hơn, khiến chúng trở thành mặt hàng lạ lẫm ở Ấn Độ, nơi người dân đã quen với hương vị của các loại sữa truyền thống.
Tuy nhiên, không phải là không có những tín hiệu tích cực.
Amul, một trong những công ty sữa lớn nhất Ấn Độ, đã bắt đầu bán sữa lạc đà đóng chai vào tháng qua tại những siêu thị ở bang Gujarat và quảng bá về lợi ích sức khỏe của sản phẩm này. Trước đó, họ cũng đã bán một loại chocolate được làm từ sữa lạc đà.
Những cây kem làm từ sữa lạc đà trong một cửa hàng ở Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Các doanh nghiệp cho rằng việc đảm bảo nguồn cung ổn định và kiểm soát chất lượng là những thách thức lớn nhất khi làm ăn với các cộng đồng chăn nuôi lạc đà sinh sống theo kiểu bán du mục.
Rakesh, con trai ông Raika, thành viên thế hệ thứ chín của gia tộc đã bắt đầu lấy sữa từ đàn lạc đà của gia đình để bán, kiếm một khoản lợi nhuận nhỏ trong khi vẫn giữ được truyền thống.
"Nếu không phải vì ông ấy, chúng tôi đã bán cả đàn rồi", Rakesh nói và hướng về cha anh ngồi gần đó đang nhâm nhi cốc trà sữa lạc đà.
"Chúng tôi thực sự hy vọng thị trường sữa lạc đà sẽ phát triển. Điều đó thực sự hữu ích cho cộng đồng của chúng tôi", Rakesh cho biết.