Cuối tháng trước, bà Jyotsna Bandhu, người đại diện chính phủ ở làng Edalpur, bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ đang ngồi họp thì bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại với nội dung kỳ lạ.
"Có bò bị nhốt trong trường học của tôi, và có hàng trăm người bên ngoài, tôi phải làm sao đây?".
Đó là câu hỏi của ông Bani Singh, hiệu trưởng trường trung học làng Edalpur, một ngôi làng với 2000 dân, bao quanh bởi các ruộng khoai tây và lúa mạch.
Ngày hôm sau, bà Bandhu nhận được một cuộc gọi với nội dung tương tự từ một ngôi làng khác dưới sự giám sát của mình và sau đó, như bà nói, mọi thứ diễn ra "như một phản ứng dây chuyền".
Không lâu sau, hiện tượng này xảy ra ở 15 ngôi làng cạnh đó. Những người nông dân giận dữ nhốt hàng trăm con bò hoang vào trường học, biến nơi đây thành chuồng bò và gửi một thông điệp đến chính quyền địa phương: Xử lý tình trạng này đi.
Những con bò hoang được nhốt trong một trại tạm do chính quyền dựng lên trên nền một ngôi chợ cũ ở thị trấn Sadabad. Ảnh: Washington Post. |
Từ con vật linh thiêng...
Ở Ấn Độ, không khó để thấy cảnh những con bò đi lại tự do trên đường ở các thành phố và thị trấn lớn. Nhưng ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất nước, những người nông dân đang ngày càng ức chế vì số lượng bò hoang gia tăng quá mức, đe dọa đến mùa màng của họ.
Tình trạng khó xử này được chính phủ mô tả là một "vấn đề nhức nhối", bắt đầu từ khi Thủ tướng Narendra Modi và đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) coi việc bảo vệ bò - loài vật linh thiêng của người Hindu - là một ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Ông Modi đề cử một thầy tu Hindu bảo thủ có tên Yogi Adityanath làm người đứng đầu bang Uttar Pradesh, khu vực với dân số hơn 200 triệu người. Ông Adityanath ngay lập tức bắt đầu chiến dịch dẹp bỏ các lò mổ không phép và thiết lập các quy định chặt chẽ về vận chuyển và buôn bán gia súc.
Không chỉ vậy, ở bang này còn xuất hiện những người "bảo vệ bò", thường là những tín đồ Hindu bảo thủ, từng đánh đập thậm chí là giết hại những người bị cho là buôn lậu hoặc xẻ thịt con vật linh thiêng của họ.
Điều này dẫn đến một gánh nặng cho người nông dân. Khi bò quá già, con cái sẽ không thể cho sữa và con đực sẽ không thể cho sức kéo hoặc làm giống. Trước đây, những con này sẽ được bán đi cho các thương lái để vận chuyển tới bang khác hoặc tới lò mổ. Bây giờ thì mạng lưới này đã không còn.
Nông dân chỉ có hai lựa chọn: tiếp tục nuôi dưỡng những con vật không còn giá trị kinh tế; hoặc đơn giản là bỏ rơi chúng. Không bất ngờ khi ngày càng nhiều người chọn phương án sau.
Tại Edalpur, những con bò hoang, từ một mối đe dọa hiếm hoi, đã trở thành nỗi lo sợ thường trực của các nông dân. Mùa đông vừa rồi, những người dân làng đã phải chia ca trực suốt đêm trong giá lạnh để canh chừng, không cho những con bò bị bỏ đói đến phá hoại mùa màng.
Theo lời của một người trong làng, đỉnh điểm của mọi việc diễn ra cách đây vài tháng. Một nông dân vung cây gậy xua đuổi bò hoang nhưng vô tình đập vào mặt một người khác, khiến một trận cãi vã nổ ra.
Dân làng từ chối tiết lộ danh tính của người đưa ra ý tưởng nhốt bò vào trường học, nhưng Chhetra Pal, một nông dân 25 tuổi, trồng kê cho biết: "Khi mọi người bị đẩy đến quá giới hạn, họ sẽ làm gì? Họ nghĩ tới một giải pháp. Và cả làng đồng ý với điều này".
Học sinh tập thể dục tại trường học làng Basdatta, Ấn Độ. Cách đây một tháng dân làng đã lùa những con bò hoang vào nhốt trong trường. Ảnh: Washington Post. |
Tại làng Bedai cùng huyện, trường trung học vừa mới được sơn lại một lớp màu vàng tươi, nhưng điều đó không thể ngăn cản dân làng lùa hơn 200 con bò vào đây trong ngày 31/12. Những con vật ở lại trong 4 ngày và khi chúng rời đi, nước tiểu và bùn dính đầy trên các bức tường trường học. Hơn 70 học sinh không thể đến trường và phải đi học tạm ở một ngôi trường tiểu học gần đó cho đến giữa tháng 1.
...đến vấn đề nan giải
Không có con số thống kê chính xác về số lượng bò hoang ở bang Uttar Pradesh. Lần điều tra chính thức cuối cùng vào năm 2012 đưa ra số lượng hơn 1 triệu con. Theo ông Anil Chaudhary, cựu thành viên cơ quan lập pháp khu vực, chính quyền hiện tại đã "làm xáo trộn chu kỳ tự nhiên" và khiến người nông dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ rơi những con bò.
Ông S.P. Singh Baghel, Bộ trưởng Chăn nuôi bang Uttar Pradesh, nhận định: "Đây là vấn đề đã có từ trước, và chính phủ của chúng tôi đang cố gắng tìm cách giải quyết. Chúng tôi chỉ là người thực thi luật lệ".
Với cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ đang chuẩn bị diễn ra, chính quyền bang đang cố gắng giải quyết vấn đề này để tránh khỏi hậu quả chính trị. Thủ hiến Uttar Pradesh, ông Adityanath đã tuyên bố tăng thuế 0,5% cho phí sử dụng đường cao tốc và một số doanh nghiệp nhà nước, để lấy tiền xây dựng chuồng bò và cam kết chi ngân sách cho các huyện để giải quyết vấn nạn bò hoang.
Nhưng quy mô của vấn đề là rất lớn. Bà Bandhu, người đại diện chính phủ quản lý một số làng ở quận Hathras trong đó có Edalpur, cho biết ban đầu khi vấn đề nổ ra, những con bò hoang được chuyển từ trường học đến các trại do chính phủ quản lý. Khi những trại này hết chỗ, các quan chức nhanh chóng mở thêm 2 trại tạm ở cạnh đó. Nhưng các trại tạm này bây giờ cũng quá tải, với khoảng 2.800 con bò.
Kế hoạch hiện tại là sử dụng đất công và ngân sách nhà nước để xây dựng trại tạm trú cho bò hoang ở mỗi ngôi làng. Bà Bandhu cho biết đây là vấn đề cấp bách và nhận định: "Chúng tôi đang làm việc như trên mặt trận".
Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây, khi mặt trời lặn và màn đêm buông xuống, người dân Edalpur vẫn tiếp tục nhiệm vụ canh giữ hoa màu khỏi những con bò hoang. Với một chiếc khăn quấn quanh đầu, Praveen Chaudhary cùng với em họ Jeevan Singho đốt một đống lửa để chuẩn bị cho một đêm dài lạnh lẽo.
Bò hoang đi lại trên cánh đồng ở huyện Hathras, bang Uttar Pradesh. Ảnh: Washington Post. |
Bất chợt có tiếng động ở phía xa và 6 con bò hoang xuất hiện. Khi hai anh em chạy tới để kiểm tra tình hình, 3 con bò khác cũng được nhìn thấy. Chaudhary và Singh đuổi những con vật ra phía đường lớn, nơi có một người dân khác cầm gậy đuổi chúng đi.
Hai người cho rằng tất cả đều là lỗi của Yogi (tên của thủ hiến bang Uttar Pradesh). Anh Singh cho biết trước đây việc đuổi bò "không phải là công việc hàng ngày", và bây giờ thì "những con bò khiến chúng tôi sợ hãi".