"The Bookshop" là hiệu sách cổ ở Scotland, do Shaun Bythell làm chủ. Trong 20 năm gắn bó với nơi này, anh đã gặp khá nhiều kiểu khách hàng, từ những người quyến rũ, uyên bác và có túi tiền sâu; đến những kẻ lập dị, bảnh bao và có hoàn cảnh riêng.
Giữa những ngày giãn cách vì dịch bệnh căng thẳng, anh nhận ra mình luôn nhung nhớ những khách hàng từng ghé hiệu sách, như thể những người bạn đã mất liên lạc từ lâu. Từ đó, cuốn tự truyện Bảy kiểu người tôi gặp trong hiệu sách ra đời.
Bythell đã chắt lọc, ghi chép lại trải nghiệm của mình bằng lối viết dí dỏm, ấm áp qua những câu chuyện hài hước nhưng cũng chứa nhiều khoảnh khắc cảm động.
Từ “hiệu sách” trong tiêu đề ám chỉ hiệu sách của riêng Shaun Bythell. Đứng sau quầy thu ngân, anh tiếp xúc nhiều kiểu khách hàng đến mua sản phẩm của mình. Từ đó, anh có góc nhìn thú vị, khác lạ về những cuốn sách và người yêu đọc sách.
Anh nhận ra rằng không phải tất cả khách hàng đến đây đều có mục đích tìm kiếm tri thức. Đôi khi họ muốn tận dụng nơi đây để làm nơi trông trẻ tạm thời hay cũng có thể là nơi để thể hiện bản thân, hoặc do họ không còn nơi nào để đi.
Cuốn tự truyện Bảy kiểu người tôi gặp trong hiệu sách. Ảnh: T.V |
Shaun Bythell đã quan sát và phân loại họ thành 7 nhóm khách hàng khác nhau: Chuyên gia, gia đình trẻ, người thần bí, kẻ lang thang, người đã về hưu có râu, du khách ồn ào và nhà sử học gia đình.
Từ 7 nhóm người thường lang thang trong "The Bookshop", Bythell lại phân chia họ thành những nhóm nhỏ hơn. Chẳng hạn, ở kiểu 1 (chuyên gia), theo anh, gồm những người từ “nhàm chán” cho tới “hữu ích”. Hay như kiểu 2 (gia đình trẻ) gồm “gia đình kiệt sức” và “đầy nhiệt huyết”…
Tác giả kể đôi khi, khách hàng sử dụng hiệu sách như một dịch vụ trông trẻ, hoặc đơn giản là để đưa con họ đi chơi trong một hoặc hai giờ. Kiểu "chuyên gia" thích giáo dục bất kỳ ai đang lắng nghe họ. Một số "người thần bí" thích thuyết âm mưu, ma quái và đọc bài tarot...
Ngoài ra, còn có nhà sử học gia đình, đây là kiểu khách hàng khá kỳ quặc. Họ là những người Mỹ gốc Scotland, đến hiệu sách để tìm hiểu về lịch sử gia đình.
Đặc biệt, cuốn sách cũng đề cập một kiểu người thú vị khác, đó là nhân viên. Họ có thể là sinh viên với kiến thức đa dạng về việc kinh doanh sách hoặc cũng trải qua nhiều khoảnh khắc mệt mỏi vì phải trả lời 12 câu hỏi giống hệt nhau đến từ bạn đọc mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Bythell đã khéo léo cài cắm vào trang tự truyện của mình những yếu tố miêu tả khung cảnh vùng đất Scotland thơ mộng với đàn ngỗng bay ngang qua đầm lầy và dòng sông êm đềm. Ở đó, anh đã tạo ra cả một thế giới hấp dẫn với những nhân vật đa sắc màu.
Tác giả Shaun Bythell (ngồi giữa, hàng đầu tiên) là chủ của hiệu sách cổ "The Bookshop" ở Scotland. Ảnh: BBC. |
Tác phẩm mang đến cho người đọc sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kinh doanh sách nói chung và sách cũ nói riêng. 7 kiểu khách hàng được Bythell mô tả bằng giọng văn hài hước, dí dỏm. Qua đó, người đọc phần nào hiểu được công việc kinh doanh sách.
Với con mắt quan sát độc đáo, Shaun Bythell khiến tác phẩm trở thành cuốn sách thú vị cho bất kỳ ai yêu sách và muốn lang thang ở các hiệu sách.
Cuốn tự truyện này được Shaun Bythell viết như một lời cảm ơn chân thành tới khách hàng của anh, những người có thể giúp cửa hàng sách tồn tại, vượt qua cuộc khủng hoảng bởi đại dịch. Cuốn sách cũng là một món quà thú vị dành cho những người yêu sách.
New York Times đánh giá đây là “cuốn tự truyện của chủ hiệu sách đặc sắc và thú vị nhất thế giới”. Trong khi đó, Publishers Weekly nhận xét Bảy kiểu người tôi gặp trong hiệu sách gồm những câu chuyện thú vị và thường có chút khó hiểu, “khiến người yêu sách thích thú và đôi lúc phải nhăn mặt”.
Bằng văn phong mới lạ, sách của Bythell lọt danh sách best-seller theo bình chọn của tờ Sunday Times. Một số cuốn của anh còn được dịch sang hơn 20 thứ tiếng.