Năm 1986, Jeff Bezos tốt nghiệp thủ khoa Đại học Princeton, Mỹ. Ông không chọn làm cho các doanh nghiệp hàng đầu lúc bấy giờ mà luôn ấp ủ mong muốn tạo dựng “đế chế” riêng. Mới đây, tài sản của Jeff Bezos đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay: 211 tỷ USD.
Một trong những chiến lược kinh doanh của vị tỷ phú này là chuyển đổi từ mô hình bán hàng truyền thống sang trực tuyến. Sự táo bạo, quyết đoán và bản lĩnh của một người có tầm nhìn xa trong việc vận dụng chuyển đổi số đã đưa Amazon trở thành thương hiệu bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.
Hành trình “chuyển đổi số” thành công của ông chủ Amazon được lược kể trong cuốn sách Một phút với Jeff Bezos (Nishimura Katsumi) và Nghệ thuật lãnh đạo (David Rubenstein).
Jeff Bezos bắt đầu gây dựng "đế chế" riêng bằng việc bán sách. Ảnh: Mashable. |
Gây dựng sự nghiệp từ sách
Trong phần trả lời phỏng vấn tỷ phú doanh nhân David Rubenstein trong cuốn Nghệ thuật lãnh đạo, Jeff Bezos hồi tưởng về quá trình thành lập Amazon và cách ông tạo dựng công ty từ việc phát hành sách.
Khi mới lập nghiệp, ông phải tự vận chuyển sách suốt nhiều năm liền đến bưu điện để gửi tới khách hàng. “Tháng đầu tiên, tôi tự tay đóng gói những chiếc hộp và quỳ gối trên nền xi măng cứng. Một người khác cũng quỳ bên cạnh tôi như vậy”, Bezos kể.
Sau nhiều ngày “hủy hoại đầu gối vì đóng sách”, Bezos đã tăng năng suất kinh doanh lên gấp đôi nhờ việc đóng sách trên bàn.
Trong cuốn Một phút với Jeff Bezos, tác giả Nishimura Katsumi cũng kể lại bối cảnh nảy ra ý tưởng kinh doanh sách trực tuyến của Bezos. Đó là khi ông đề ra giả thuyết sẽ có những khách hàng muốn đọc sách khi ra sân bay hoặc muốn tải sách khi đang ngồi sau một phương tiện giao thông.
Amazon với những dịch vụ kết nối giao hàng nhanh, tiện ích ra đời từ đó. Ông chủ hệ thống bán lẻ trực tuyến này luôn trung thành với lý tưởng kinh doanh dựa trên ba tiêu chí: Lựa chọn đa dạng, mức giá thấp và giao hàng nhanh chóng.
Ngay từ khi bị tổng giám đốc phản đối ý tưởng bán sách trên Internet, Bezos đã nghĩ: “Nếu thất bại, tôi sẽ không hối tiếc, nhưng tôi sẽ rất hối tiếc nếu không dám mạo hiểm”.
Hành trình chuyển đổi số trong mô hình bán sách của Jeff Bezos được kể trong một chương của cuốn Nghệ thuật lãnh đạo. Ảnh: T.V. |
Tận dụng thời cơ để chuyển đổi số
Sự thâm nhập của công nghệ thông tin lúc bấy giờ đã thôi thúc ngọn lửa đang nhen nhóm trong lòng ông khi mà Internet đang tạo nên “cơn sốt”. “Tôi nhận ra một thực tế rằng World Wide Web đang phát triển với tốc độ 2.300% mỗi năm. Đó là vào năm 1994. Bất cứ thứ gì phát triển nhanh như vậy sẽ trở nên to lớn”, trích cuốn Nghệ thuật lãnh đạo.
Dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, Bezos vẫn quyết tâm lập ra Amazon. Ông lấy tên con sông dài nhất thế giới đặt cho công ty của mình để thể hiện mong muốn “đưa Amazon trở thành hiệu sách lớn nhất Trái Đất”.
Tôi nhận ra một thực tế rằng World Wide Web đang phát triển với tốc độ 2.300% mỗi năm. Đó là vào năm 1994. Bất cứ thứ gì phát triển nhanh như vậy sẽ trở nên to lớn.
Jeff Bezos
Bezos không phải người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng bán sách qua Internet. Tính đến thời điểm ấy, nhiều người khác cũng làm được điều đó. Song, khó để kiếm được người có tầm nhìn về cách sử dụng phần mềm hiệu quả trong việc bán hàng hơn ông, nhất là khi việc bán qua Internet lúc đó còn khá mới mẻ với giới kinh doanh.
Bezos tâm sự trong cuốn Một phút với Jeff Bezos rằng trong 77 triết lý kinh doanh của ông, xây dựng chiến lược thị trường là điều tối quan trọng. Ông tập trung dịch vụ để xây dựng thương hiệu, sửa chữa trên quan điểm dài hạn, đổi mới không ngừng, cạnh tranh nhưng không coi trọng lợi nhuận, phát triển hàng hóa và duy trì nhóm nhỏ.
Mặt khác, trong cuốn Nghệ thuật lãnh đạo, Bezos cho biết ông đã tận dụng lợi thế phân phối miễn phí qua Internet, coi đó là chiến lược cơ bản của chuyển đổi số.
“Thay vì thu phí cao từ mỗi độc giả trong một nhóm khách hàng nhỏ, chúng tôi quyết định chuyển hướng kinh doanh bằng cách thu ít phí hơn đối với mỗi độc giả của một tập khách hàng lớn”, ông chia sẻ.
Trong danh sách các sản phẩm mà Bezos bán trực tuyến, ông nhận ra sách là một mặt hàng kỳ lạ, bởi “chỉ trong một phân loại mặt hàng sách, có nhiều sản phẩm hơn bất kỳ loại mặt hàng nào khác”. Ý tưởng sáng lập Amazon cũng là để xây dựng một bộ sưu tập sách của thế giới.
Song, nếu chỉ bán sách, Bezos có lẽ không trở thành người giàu nhất thế giới. Hệ thống bán lẻ trực tuyến của ông, sau sách, còn bắt đầu bán đĩa nhạc, video, và rất nhiều mặt hàng sau đó.
“Tôi sáng suốt hơn và gửi email cho một nghìn khách hàng được chọn ngẫu nhiên và hỏi họ: ‘Ngoài những thứ chúng tôi bán hôm nay, bạn có muốn chúng tôi bán gì khác không?’... Về cơ bản, cách họ trả lời câu hỏi là bất cứ thứ gì họ đang tìm kiếm tại thời điểm đó”, ông chủ Amazon kể.