Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứng dụng chuyển đổi số trong phân phối sản phẩm

Chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, đòi hỏi mỗi đơn vị phải bắt kịp xu thế vận hành mới để tạo ra những kênh phân phối, bán hàng hiệu quả.

Năm 1975, kỹ sư của Eastman Kodak (công ty của Mỹ chuyên sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực nhiếp ảnh) phát minh ra máy ảnh số. Nhưng Kodak đã bỏ qua nó vì sợ khách hàng sẽ không còn mua phim và thuốc rửa ảnh nữa. Cứ thế, Kodak tiếp tục để lỡ nhiều cơ hội chuyển đổi số khác chỉ vì tính e ngại, không dám tạo nên đột phá.

Sự xuất hiện lần lượt của iPhone, Instagram và rất nhiều phát minh, phần mềm ứng dụng khác những năm sau đó khiến Kodak chính thức phá sản vào năm 2012.

Có thể thấy rằng chuyển đổi số không chỉ là đột phá về mặt công nghệ, tận dụng máy móc, kỹ thuật tiên tiến để tạo ra sản phẩm; mà nó còn là một cuộc cách mạng về nhận thức của từng cá nhân, doanh nghiệp.

Đặt trong bối cảnh đại dịch, vấn đề chuyển đổi số càng được các cấp lãnh đạo và doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu, nhằm tạo ra sự thuận tiện và lợi nhuận cho từng đơn vị, hướng tới mục tiêu khôi phục và phát triển nền kinh tế.

Hai cuốn sách Cẩm nang chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Chuyển đổi số đến cốt lõi (Mark Raskino và Graham Waller) chỉ ra lý do, động lực và cách thức thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong việc phân phối các kênh bán hàng.

chuyen doi so trong doanh nghiep anh 1

Sách Cẩm nang chuyển đổi số được viết dưới dạng hỏi, đáp. Ảnh: LĐTĐ.

Tạo ra kênh đa phân phối hiệu quả

Kiến thức trong hai cuốn sách càng trở nên phù hợp hơn khi đặt trong tình thế giãn cách xã hội hiện nay, khi mà việc mua hàng hóa của người dân gặp nhiều trở ngại.

Với sự xuất hiện của các phần mềm kỹ thuật số và Internet, thế giới đang chuyển từ “đến địa điểm bày bán để mua hàng” sang “nhấp, chạm vào màn hình để mua hàng”.

Theo đó, “các doanh nghiệp sẽ phải tìm một chiến lược đa kênh phân phối hiệu quả. Ai cũng biết được rằng không được phép lựa chọn giữa cửa hàng truyền thống và cửa hàng trực tuyến, mà phải có cả hai. Quan trọng nhất trong việc quản lý sự thay đổi này là coi các kênh khác nhau là bổ sung, chứ không phải thay thế”, trích nội dung sách Cẩm nang chuyển đổi số.

Nhận thức được việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại 4.0, hai tác giả Mark Raskino và Graham Waller (hai nhà phân tích của Công ty Gartner, Inc) trong cuốn Chuyển đổi số đến cốt lõi cũng đồng thuận rằng việc ứng dụng công nghệ số đến cốt lõi của các doanh nghiệp là cơ hội lớn để tự thay đổi chính mình.

Lấy thông tin từ hơn 30 cuộc phỏng vấn tới các giám đốc điều hành cấp cao hàng đầu tại các công ty và tổ chức, hai tác giả đưa ra hàng loạt ví dụ cụ thể về các doanh nghiệp đã thành công khi đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Chẳng hạn, tập đoàn ngân hàng đa quốc gia (BBVA) đã phân tích các dữ liệu giao dịch thanh toán để tạo ra điểm tín dụng tốt hơn cho các lĩnh vực bán lẻ. Theo nhóm người viết, đó là tấm gương thực tế về những doanh nghiệp đã thành công nhờ áp dụng chuyển đổi số vào mô hình quản lý của mình.

Từ đó, hai tác giả cho thấy các doanh nghiệp cần bắt tay và thích ứng ngay với công cuộc chuyển đổi số để tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh.

chuyen doi so trong doanh nghiep anh 2

Thế giới đang dần chuyển sang “nhấp, chạm vào màn hình để mua hàng”. Ảnh: Suno.

Kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống phải luôn song hành

Theo nội dung hỏi, đáp tới những người trực tiếp tham gia vào chiến lược chuyển đổi số trong hai năm qua, cuốn Cẩm nang chuyển đổi số đề ra lưu ý rằng mỗi đơn vị trước khi thực hiện chuyển đổi số cần dựa vào đặc điểm riêng của mình để xây dựng kênh bán hàng hiệu quả. Bởi vì, “mỗi kênh đều phù hợp hơn cho những sản phẩm nhất định, cho những nhóm khách hàng nhất định”.

Một ví dụ được đưa ra trong sách là việc sử dụng kênh trực tuyến bổ sung cho nhà bán lẻ của VIP Industries (một trong những công ty sản xuất vali lớn nhất Ấn Độ).

Bài toán kinh doanh này được VIP Industries giải quyết bằng cách tạo sự đa dạng, linh hoạt về mẫu mã cho kênh trực tuyến; trong khi đó nhà bán lẻ chỉ nhập về những mẫu bán chạy nhất. Lựa chọn này không gây nên cạnh tranh, mà luôn bổ sung cho sự phát triển, lợi ích chung của công ty.

Khi hài hòa, cộng hưởng được các kênh phân phối trực tuyến và truyền thống như thế, khách hàng sẽ bị thuyết phục bởi trải nghiệm đa kênh.

“Đây chính là cách thức mà chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu của mình”, nhóm tác giả của cuốn Cẩm nang chuyển đổi số viết.

Giới xuất bản tiếp cận chuyển đổi số

Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách đã tận dụng thời cơ trong mùa dịch để lên kế hoạch bước đầu cho mục tiêu chuyển đổi số.

Làm sao để chuyển đổi số thành công?

Các giai đoạn thực hiện chuyển đổi số, cũng như nguyên nhân của thành công, thất bại được chỉ rõ trong sách "Vì sao chuyển đổi số thất bại".

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm