Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện một năm sống trên trạm vũ trụ

Tự truyện của nhà du hành không gian không chỉ chân thực và sống động, mà còn có đủ sự hài hước, dí dỏm, lôi cuốn độc giả.

Cuốn tự truyện Endurance - Hành trình không gian của nhà du hành vũ trụ người Mỹ Scott Kelly do tác giả Mararet Lazarus Dean chấp bút (Nguyễn Duy Khánh dịch, NXB Thế giới và Alphabook phát hành cuối năm 2020), được gọi là “câu chuyện phi thường nhưng có thật về một năm sống ngoài trái đất”.

Du hanh vu tru anh 1

Sách Endurance - Hành trình không gian. Ảnh: ETS.

Kể về dấu ấn khởi đầu cho chuyến hành trình một năm vào không gian của ông, Scott Kelly nhắc lại một dấu mốc đáng nhớ. Đó là ngày 20/1/2015, khi ông được mời dự buổi phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama trước hai viện Quốc hội Mỹ.

“Tôi ngồi cùng các thành viên Quốc hội, Hội đồng tham mưu trưởng, nội các, và các Chánh án tối cao”, ông kể lại. “Tôi ngồi trong vị trí khách mời, mặc chiếc áo khoác bay màu xanh lam nhạt của NASA cùng sơ mi và cà vạt bên trong. Tổng thống mô tả các mục tiêu của nhiệm vụ kéo dài một năm - để giải quyết những vấn đề của việc bay đến Hỏa tinh - và sau đó gọi đích danh tôi.

“Chúc may mắn, đội trưởng!”, ông nói. "Nhớ chụp hình đăng lên Instagram nhé! Chúng tôi tự hào về anh”.

“Quốc hội đứng dậy và vỗ tay. Tôi đứng dậy và vụng về vừa gật đầu vừa vẫy tay chào. Chứng kiến chính phủ cùng đồng thuận, dù chỉ là bề ngoài, cũng thật cảm động, và thật tuyệt vời khi được đích thân trải nghiệm sự ủng hộ của cả hai đảng mà NASA được hưởng”, ông hài hước viết.

Chuyến bay thực hiện sứ mệnh lịch sử này của Kelly được tiến hành trên con tàu vũ trụ Soyuz của Nga, xuất phát tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazahkstan, cất cánh ngày 28/3/2015.

Cuốn sách kể lại hành trình từ một phi công lái máy bay chiến đấu quân sự, đến chuyển sang làm phi công thử nghiệm, kỹ sư, rồi phi hành gia của Scott Kelly.

Ông đã có bốn lần bay vào không gian, đã chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong ba chuyến thám hiểm và là thành viên của sứ mệnh kéo dài một năm trên ISS. Trong sứ mệnh này, ông đã xác lập kỷ lục về tổng số ngày tích lũy trong không gian và về nhiệm vụ không gian dài nhất của một phi hành gia người Mỹ.

Ông cũng là phi hành gia hiếm hoi bay vào không gian sau khi đã trải qua phẫu thuật điều trị ung thư tiền liệt tuyến.

Qua cuốn tự truyện của mình, bên cạnh những rung động và đường nét vô thực, Kelly kể lại nhiều giây phút thấm đượm tình người. Như chính Kelly đã viết trong lời nói đầu, khi còn ở trên trạm không gian, ông đã thực hiện một cuộc gọi điện thoại về trái đất cho Tom Wolfe, tác giả cuốn sách Những điều đúng đắn (The Right Stuff) - cuốn sách lôi cuốn nhất trong đời ông.

Kelly đã hỏi tác giả đã viết cuốn sách của mình như thế nào, và làm thế nào để có thể bắt đầu suy nghĩ về chuyện đưa những kinh nghiệm của mình chuyển thành từ ngữ.

“Hãy bắt đầu từ đầu”, Wolfe nói, và Kelly đã làm theo đúng như vậy, để rồi Hành trình không gian ra đời vào năm 2017.

Du hanh vu tru anh 2

Scott Kelly. Ảnh: Getty.

Phải là một phi hành gia sống trên ISS mới có thể mô tả chi tiết cho độc giả biết: “Từ bên ngoài ISS trông giống như một số các lon soda khổng lồ gắn đầu cuối lại với nhau. Với tổng kích thước cỡ một sân bóng đá, trạm được tạo thành từ năm cụm module gắn với nhau theo chiều dài - ba của Mỹ và hai của Nga. Các module khác, của châu Âu và Nhật hay Mỹ làm thành các nhánh bên trái và phải, còn Nga thì có ba module gắn bên 'trên' và 'dưới'".

"Kể từ lần đầu tiên tôi tới trạm cho tới nhiệm vụ lần này, đã có bảy module mới được lắp thêm, một con số ấn tượng. Chuỗi tổ hợp lắp ráp này không theo trình tự ngẫu nhiên mà được lên kế hoạch chính xác kể từ khi dự án trạm vũ trụ mới được thai nghén trong thập niên 90”.

Những chuyến đi bộ và làm việc ngoài không gian, những tai nạn, sự cố đã xảy ra ở đó được tác giả mô tả chi tiết. Đặc biệt, chuyện bầu cử giữa nhiệm kỳ từ trên Trạm vũ trụ cũng được Kelly kể lại kỹ lưỡng.

Ông khẳng định: “Tôi tự hào vì đã thực hiện các quyền theo hiến pháp của mình từ trên không gian, và tôi hy vọng việc đó sẽ truyền đi thông điệp rằng bầu cử là việc rất quan trọng, và sự bất tiện của nó không bao giờ là lời bào chữa tốt cho việc không bỏ phiếu”.

Sau ba lần đi bộ ngoài không gian, 5.440 lần bay vòng quanh Trái đất và 144 triệu dặm trên trạm vũ trụ, ông trở về trái đất vào ngày 2/3/2016.

Cuốn sách in kèm nhiều bức ảnh tư liệu quý về hành trình bay lên trạm ISS và các hoạt động trên trạm, cũng như ảnh chụp trái đất của Kelly và các đồng nghiệp, trong đó có nhiều bức ảnh hết sức tinh nghịch.

Cuộc gặp gỡ với phi hành gia của tàu vũ trụ Apollo 8

Làm quen và trở thành bạn thân của Frank Borman đã đem đến nhiều thay đổi cho cuộc đời Ken Langone.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm