Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những kiểu khiêu khích của tàu Trung Quốc

Để phục vụ mục đích bành trướng lãnh thổ, Trung Quốc liên tục đưa tàu hải giám tới chặn tàu cá hay điều tàu hộ vệ tên lửa và chĩa radar uy hiếp láng giềng.

Chiến hạm Philippines đối đầu tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough

Theo AP, ngày 8/4/2012, máy bay tuần tra Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham). Manila đưa soái hạm BRP Gregorio del Pilar tới khống chế các tàu cá Trung Quốc và phát hiện số lượng lớn sản vật biển trên tàu.

Tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP

Tuy nhiên, khi Hải quân Philippines chuẩn bị bắt giữ các tàu cá xâm phạm trái phép, các tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện, đồng thời chặn giữa tàu chiến Philippines và tàu của ngư dân nước này.

Tình trạng căng thẳng kéo dài trong suốt nhiều tháng, khiến Trung Quốc và Philippines phải duy trì sự hiện diện của nhiều tàu xung quanh bãi cạn Scarborough, nơi cả hai phía đều tuyên bố chủ quyền. Cuộc chiến ngoại giao giữa hai nước tiếp tục diễn ra sau cuộc đối đầu trên biển. Đôi bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm chủ quyền.

Trong thời điểm đôi bên cùng không chấp thuận nhượng bộ, cuộc tập trận chung mang tên Balikatan (Vai kề vai) giữa Mỹ và Philippines khiến căng thẳng leo thang. Phía Trung Quốc đe dọa cuộc tập trận có thể khiến tình hình khu vực chuyển sang hướng đối đầu quân sự và giải quyết tình hình bằng vũ lực.

Tàu Trung Quốc - Nhật Bản đuổi nhau gần Senkaku

Tháng 9/2012, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ sau khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa quần đảo cả hai nước đều công bố chủ quyền. Trung Quốc cử nhiều tàu công vụ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải đưa tàu tuần tra ra ngăn chặn, theo Reuters.

Tàu Nhật Bản truy đuổi tàu trung quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Getty

Tàu công vụ hai nước liên tục truy đuổi nhau nhằm khẳng định chủ quyền với quần đảo này. Giới phân tích nhận định động thái cứng rắn của Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh Senkaku/Điếu Ngư có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột và tác động tới hòa bình trong khu vực.

Trong thời điểm căng thẳng nhất, phía Nhật Bản cáo buộc một tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc mở radar điều khiển hỏa lực nhằm vào một tàu của Nhật Bản. Bắc Kinh nhanh chóng lên tiếng thừa nhận mở radar chĩa về hướng tàu Nhật Bản nhưng khẳng định nó không phải radar điều khiển hỏa lực.

Tàu Trung Quốc chặn tàu tiếp tế Philippines

Tàu chở hàng tiếp tế cho nhóm lính thủy đánh bộ Philippines trên con tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhiều lần bị các tàu công vụ của Trung Quốc ngăn chặn. Nhằm giúp thế giới biết rõ về sự ngang ngược của tàu Trung Quốc, Manila đã mời các phóng viên quốc tế lên tàu để chứng kiến hành động của các tàu công vụ Bắc Kinh.

Tàu Trung Quốc chặn tàu tiếp tế của Philippines. Ảnh: AP

Theo phóng viên AP, hành trình này cho họ cái nhìn hiếm hoi về những căng thẳng trên Biển Đông. Họ nhìn thấy 4 tàu công vụ Trung Quốc bao vây Bãi Cỏ Mây. Các tàu này liên tục chặn tàu tiếp tế Philippines để nó không thể tiếp cận con tàu mắc cạn.

Một quan chức hàng hải Philipines cáo buộc tàu công vụ Trung Quốc liên tục chặn và truy đuổi các tàu đánh cá Philippines ở vùng biển gần Bãi Cỏ Mây. AP dẫn lời một quan chức Hải quân Philippines khẳng định ông nhiều lần nhìn thấy tàu Trung Quốc “chèn ép” ngư dân trong những tháng đầu năm 2014.

Tàu chiến Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam

Tàu cá QNg 96382 của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị tàu chiến số hiệu 786 của Trung Quốc bắn cháy khi đang đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thuyền trưởng tàu cá bị nạn cho biết chiếc tàu màu trắng số hiệu 786 của Trung Quốc áp sát Việt Nam ở vùng biển gần đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tàu quân sự Trung Quốc số hiệu 786 bắn cháy tàu cá Việt Nam. Ảnh: Chinanews

Theo báo Người Lao Động, ngay sau khi phát hiện tàu cá Việt Nam bốc cháy, tàu chiến Trung Quốc vội vã rời khỏi khu vực. Các ngư dân Việt Nam nhanh chóng dập tắt lửa trên cabin. Rất may, ngọn lửa chưa kịp làm nổ 4 bình ga trên tàu nên không gây thiệt hại lớn hơn cho thủy thủ đoàn.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Song song với động thái hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đưa hàng trăm tàu các loại vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó có nhiều tàu chiến. Thậm chí, tàu Trung Quốc còn phun vòi rồng công suất mạnh, chủ động đâm va vào tàu công vụ của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc cũng phong tỏa vùng biển xung quanh giàn khoan Hải Dương 981.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng công suất lớn vào tàu cá Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ

Lợi dụng số lượng áp đảo, tàu Trung Quốc liên tục ngăn cản tàu Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Thậm chí, các tàu Trung Quốc còn mở bạt che súng nhằm uy hiếp lực lượng thực thi luật pháp của Việt Nam.

Trong một diễn biến mới nhất, một tàu cá của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Đna 90152 của ngư dân Việt Nam. Theo nguồn tin của Báo Đất Việt, tàu cá Việt Nam bị đâm chìm ở vùng biển cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý. Tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 11209.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm