Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Những khám phá gây tiếc nuối vì chưa đạt giải Nobel

Bên cạnh những công trình mang tính đột phá đã được công nhận với giải Nobel, vẫn còn những khám phá xứng đáng đạt giải khác gây tiếc nuối.

Giải Nobel thường được xem là đỉnh cao của thành tựu khoa học, vinh danh những cá nhân có đóng góp vượt trội cho tiến bộ của nhân loại.

Tuy nhiên, vẫn không thiếu những khám phá xứng đáng đạt giải Nobel nhưng chưa được công nhận. Trong số này, có ít nhất 4 đột phá được tờ CNN cho rằng gây tiếc nuối nhất.

Bộ gene người đầu tiên

Một trong những ứng cử viên hàng đầu và thường được đem ra thảo luận cho giải Nobel là bản đồ bộ gene người, một dự án táo bạo được khởi động năm 1990 và hoàn thành vào năm 2003.

Việc giải mã mã di truyền của con người liên quan đến một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm hàng nghìn nhà nghiên cứu tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc.

Nobel anh 1

Viện Nghiên cứu Bộ gene Người Quốc gia (NHGRI) công bố hình ảnh một trình tự ADN. Ảnh: NHGRI.

Nỗ lực này đã có tác động sâu rộng đến sinh học, y học và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, việc quy tụ số lượng lớn người tham gia vào kỳ tích này cũng là nguyên nhân chính khiến công trình này không thể giành giải.

Cụ thể, theo các quy tắc do Alfred Nobel đặt ra trong di chúc năm 1895 của ông, một giải thưởng chỉ có thể vinh danh tối đa 3 người. Đây cũng là một thách thức ngày càng lớn do tính chất hợp tác của nhiều nghiên cứu khoa học.

Cuộc cách mạng trong điều trị béo phì

Trên thế giới, cứ 8 người sẽ có một người mắc bệnh béo phì và con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.

Tuy nhiên, vào năm 2022, loại thuốc điều trị béo phì đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận kể từ năm 2014 đã được tung ra thị trường, khả năng mở ra một kỷ nguyên mới cho việc điều trị bệnh béo phì và các tình trạng liên quan như bệnh tiểu đường loại 2.

Semaglutide, còn được gọi là Wegovy, hiệu quả gấp đôi so với các loại thuốc trước đây, sau khi nghiên cứu trên gần 2.000 bệnh nhân thấy những người tham gia giảm trung bình 15% trọng lượng cơ thể.

Phiên bản tổng hợp loại hormone làm giảm cảm giác thèm ăn sử dụng với liều lượng thấp hơn nhiều để điều trị bệnh tiểu đường loại 2.

Nobel anh 2

Hoạt chất của Semaglutide khiến người dùng chán ăn, từ đó thúc đẩy quá trình giảm cân. Ảnh: Today.

Tuy nhiên, phải đến năm 2024, 3 nhà khoa học tham gia vào quá trình phát triển loại thuốc này là Svetlana Mojsov, Joel Habener và Lotte Bjerre Knudsen mới nhận được vị ghi nhận thông qua giải thưởng Lasker-DeBakey, vốn thường được coi là thước đo đánh giá liệu một nhà khoa học hoặc đột phá cụ thể có giành được giải Nobel hay không.

Mojsov, một nhà sinh hóa học và phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Rockefeller và Habener, một bác sĩ nội tiết và giáo sư y khoa tại Harvard đã giúp xác định và tổng hợp GLP-1 - loại hormone đường ruột thúc đẩy tuyến tụy tiết ra insulin sau bữa ăn.

Trong khi đó, Knudsen, cố vấn khoa học chính về nghiên cứu và phát triển ban đầu tại Novo Nordisk đóng vai trò quan trọng trong việc biến Semaglutide thành một loại thuốc hiệu quả thúc đẩy giảm cân mà hàng triệu người đang sử dụng hiện nay.

Hệ vi sinh đường ruột

Chúng ta không đơn độc trong cơ thể mình. Có đến hàng nghìn tỷ vi khuẩn, virus và nấm sống trong cơ thể con người, hay còn được gọi chung là hệ vi sinh vật ở người.

Trong hai thập kỷ qua, với những tiến bộ trong giải trình tự gene, các nhà khoa học đã có thể hiểu rõ hơn về chức năng của các vi khuẩn này, cách chúng giao tiếp với nhau và tương tác với các tế bào của con người, đặc biệt là trong ruột.

Trong đó, nhà sinh vật học Jeffrey Gordon và Giáo sư Robert J. Glaser tại Đại học Washington là hai người tiên phong trong lĩnh vực này.

Nobel anh 3

Có đến hàng nghìn tỷ vi khuẩn, virus và nấm sống trong cơ thể con người, hay còn được gọi chung là hệ vi sinh vật ở người. Ảnh: iStock.

Bắt đầu bằng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên chuột, Gordon đã nỗ lực tìm hiểu hệ vi sinh đường ruột của con người và cách hệ vi sinh này định hình sức khỏe con người.

Cũng chính công trình của Gordon đã phát hiện ra việc hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò trong các tác động của tình trạng suy dinh dưỡng đối với sức khỏe. Đây vốn là tình trạng đã ảnh hưởng đến gần 200 triệu trẻ em trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo David Pendlebury, người đứng đầu bộ phận phân tích nghiên cứu tại Viện thông tin khoa học Clarivate, dù rất hữu ích nhưng lĩnh vực này đã quá hạn để được trao giải Nobel.

Gene gây ung thư

Những năm 1970, trong khi nhiều người biết rằng ung thư đôi khi di truyền trong gia đình, nghiên cứu về ung thư lại tập trung vào virus.

Với nền tảng nghiên cứu sự khác biệt về gene giữa người và tinh tinh, giáo sư Mary-Claire King, hiện làm việc tại Đại học Y khoa Washington, đã có một cách tiếp cận mới.

Nobel anh 4

Nhà khoa học người Mỹ Mary-Claire King nổi tiếng với những nghiên cứu về khả năng di truyền của ung thư vú. Ảnh: New York Genome Center.

Cụ thể, nhà khoa học người Mỹ tin rằng đa phần trường hợp ung thư vú gây ra bởi di truyền đột biến gene. Sử dụng mô hình toán học và kho dữ liệu khổng lồ của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, bà King phát hiện những bằng chứng cho thấy phần lớn ca ung thư vú là di truyền từ cha mẹ sang con.

Năm 1990, giáo sư King tìm ra gene chịu trách nhiệm cho sự di truyền của căn bệnh, đó là gene BRCA1 có chức năng ức chế khối u nằm trên nhiễm sắc thể số 17.

Nghiên cứu của giáo sư người Mỹ về BRCA1 đã giúp tạo ra những công cụ sàng lọc, xét nghiệm cho phép các bác sĩ sớm tìm ra dấu hiệu ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ, từ đó có thể ngăn chặn bệnh hiệu quả.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Công trình AI lịch sử của Google mang về Nobel Hóa học 2024

Giải Nobel Hóa học 2024 tôn vinh công trình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để "giải mã" cấu trúc của hầu hết loại protein và là chìa khóa cho câu hỏi hóc búa suốt 50 năm qua.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm