Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hóa đơn chữa rắn độc cắn tốn cả trăm nghìn USD

Điều trị rắn độc cắn ở Mỹ vô cùng tốn kém, khi hóa đơn viện phí có thể đến gần nửa triệu USD.

Rắn đuôi chuông là một trong những loài rắn rất độc. Ảnh: Out360
Rắn đuôi chuông là một trong những loài rắn rất độc. Ảnh: Out360

Suýt khánh kiệt vì hóa đơn hơn 400.000 USD

Giữa tháng 10/2014, anh Dana Sanders Jr. về nhà và trông thấy hóa đơn viện phí điều trị rắn độc cắn mà bệnh viện gửi đến. Anh không tin vào mắt mình khi biết số tiền đến 442.365 USD. "Tôi sững người khi xem hóa đơn. Bệnh viện tính viện phí của tôi đến gần nửa triệu USD. Họ thực sự điên rồi", Sanders nói trên trang Clarion Ledger, một tờ báo địa phương ở bang Mississippi (Mỹ).

Sự việc bắt đầu vào một ngày tháng 9, khi Sanders cùng gia đình chuẩn bị cho một chuyến đi săn nai tại hạt Claiborne. Bất thình lình, một con rắn đuôi chuông gỗ lao tới cắn vào bắp chân trái của anh. Đây là một loài rắn độc, khi trưởng thành có chiều dài khoảng 1,5 mét. Vết cắn khiến Sanders vô cùng đau đớn, nên anh phải nhập viện và điều trị tại trung tâm y tế River Region trong nhiều ngày.

Vết rắn cắn ở chân của anh Dana. Ảnh: Out360
Vết rắn cắn ở chân của anh Dana. Ảnh: Out360
Sau khoảng một tháng, vết thương đã bình phục và Sanders có thể đi làm trở lại. Tuy nhiên, hóa đơn viện phí là cú sốc mới nhất đối với anh. Với nửa triệu USD, một người có thể mua 5 chiếc Cadillac Escalades mới cứng, phần còn lại cũng đủ trả cho một căn nhà vừa ý.

Do nơi làm việc của Sanders thường thường xuất hiện rắn độc nên anh đã mua sẵn bảo hiểm. Nhờ đó, số tiền mà anh phải trả chỉ còn 5.994 USD. "Nếu không có bảo hiểm chắc tôi khánh kiệt rồi. Tôi chẳng có số tiền lớn như vậy, mà phần lớn dân Mỹ cũng như tôi".

Chữa rắn hổ mang cắn tốn hơn 150.000 USD

Cô Lisa Zambito, người dân thành phố Atlanta (bang Georgia) suýt mất cả cánh tay sau khi bị một con rắn hổ mang cắn vào tháng 5/2013. Khi đó, con rắn nằm trên đường lái xe của Lisa. "Khi tôi đến đẩy nó sang một bên thì cái đầu nó chuyển động và lao về phía tôi", Lisa kể trên kênh CBS

Con rắn xông tới cắn vào ngón tay của Lisa. Cô phải nhập viện điều trị ngay lập tức. "Cả cánh tay của tôi sưng vù lên", Lisa nhớ lại. Tình hình xấu hơn khi các bác sĩ ở bệnh viện Piedmont mất tới 3 tiếng để mua chất kháng nọc độc từ nhà thuốc.

Hóa đơn viện phí hơn <abbr class=150.000 USD của cô Lisa. Ảnh: CBS Atlanta" src="" data-src="https://photo.znews.vn/Uploaded/aolnpvp/2014_11_27/Zing_Ran_can_3.jpg" />
Hóa đơn viện phí hơn 150.000 USD của cô Lisa. Ảnh: CBS Atlanta
Lisa tiếp tục nằm viện thêm vài ngày và được chăm sóc chế độ đặc biệt. Tuy nhiên, khi nhận hóa đơn hơn 150.000 USD tiền viện phí, cô ngã xuống ghế ngồi. "Tôi biết bệnh viện thường tính tiền rất cao với những người có bảo hiểm, nhưng tôi vẫn không thể tin vào số tiền này", Lisa nói.

Sau khi phàn nàn với bệnh viện, đại diện Piedmont thừa nhận họ đã tính tiền cao cho 4 lọ kháng nọc độc mà Lisa sử dụng, do vậy đồng ý giảm 33.000 USD so với hóa đơn ban đầu. Như vậy Lisa vẫn phải trả hơn 120.000 USD tiền viện phí.

Những vụ rắn xâm lăng khiến người dân kinh hoàng

Đàn rắn lũ lượt kéo về những thị trấn ở nhiều nước trên thế giới khiến cuộc sống người dân xáo trộn, thậm chí nhiều người rời khỏi thị trấn vì sợ rắn.

Sinh viên "té ngửa" vì hóa đơn khủng

Dư luận Na Uy xôn xao khi hay tin Dag-Are Trydal, sinh viên Na Uy trong chương trình trao đổi ở một đại học tại Mỹ, phải thanh toán viện phí điều trị vết cắn rắn độc đến 143.000 USD, theo Business Insider.

Anh Trydal kể về hóa đơn điều trị rắn độc cắn tại Mỹ. Ảnh: Spreadit
Anh Trydal kể về hóa đơn điều trị rắn độc cắn tại Mỹ. Ảnh: Spreadit
Khi Trydal đang đi bộ ra xe hơi vào ngày 26/4/2012, anh bỗng cảm thấy đau đớn ở chân. "Tôi nhìn xuống thì trông thấy một con rắn đang bò giữa hai chân mình. Khi đó tôi rất sợ vì tôi chẳng biết gì về loài rắn ở đây, chúng nguy hiểm ra sao", Trydal nói. Một người qua đường giúp Trydal đi đến bệnh viện Scripps La Jolla gần đó. "Khi tôi đang đi, tim tôi bắt đầu đập mạnh, cảm giác tê rần khắp cơ thể, trong miệng như có vị của kim loại", Trydal nhớ lại.

Tại bệnh viện, các bác sĩ tiêm cho Trydal 4 liều chất kháng nọc độc rắn và chuyển anh vào chế độ chăm sóc đặc biệt. Các mũi tiêm phát huy tác dụng, Trydal sớm bình phục và đi học lại. Tuy nhiên, anh sững sờ khi nghe công ty bảo hiểm thông báo chi phí điều trị đến 143.989 USD. "Tôi chỉ nghĩ cùng lắm khoảng 10.000 USD", Trydal nói. May mắn là Trydal đã mua bảo hiểm trong suốt 6 tháng học tại Mỹ.

Lý giải về số tiền khủng, đại diện bệnh viện Scripps La Jolla cho biết: "Phần lớn là tiền của thuốc kháng nọc độc rất tốn kém sản xuất từ chính nọc rắn. Bệnh nhân cũng được điều trị theo chế độ đặc biệt, các y tá túc trực liên tục mỗi giờ".

89.227 USD cho 18 giờ điều trị

Rời khỏi bệnh viện sau gần một ngày điều trị vì vết rắn cắn, ông Eric Ferguson (54 tuổi, bang North Carolina) phát hoảng vì hóa đơn viện phí đến gần 90.000 USD.

Một con rắn hổ mang ở miền nam Mỹ. Ảnh: Corbis
Một con rắn hổ mang ở miền nam Mỹ. Ảnh: Corbis
Ông Ferguson bị rắn cắn vào chân khi ông đi đổ rác vào một buổi tối hồi cuối tháng 8/2013. Người nhà lập tức đưa ông đến chữa tại trung tâm y tế vùng Lake Norman. Các bác sĩ tiêm cho ông 4 liều chất kháng nọc. Theo bệnh viện, chi tiêu tốn kém nhất chính là tiền chất kháng độc, vì mỗi liều huyết thanh được kê đơn đến 20.000 USD, còn lại là phí điều trị, theo trang Huffington Post.

Không đồng tình vì bị tính phí "cắt cổ", ông Ferguson lên mạng tìm kiếm và phát hiện ra những lọ kháng nọc độc tương tự chỉ có giá từ 750 USD đến 12.000 USD/liều.

Sau một khoảng thời gian thương lượng giữa bệnh viện và công ty bảo hiểm của ông Ferguson, bệnh viện đồng ý giảm số tiền điều trị chỉ còn 20.227 USD, ông Ferguson phải tự trả 5.400 USD. "Nếu một người không lên mạng tìm kiếm và cũng không đủ khả năng mua bảo hiểm thì họ sẽ ra sao? Sự công bằng nào ở đây?", Ferguson nói.

Công việc chiết nọc rắn bằng tay trần

Một người đàn ông Mỹ đam mê công việc chiết nọc độc rắn để góp phần phát triển y học dù bản thân ông từng vào bệnh viện và mất đầu ngón tay vì rắn cắn.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm