Một con rắn bò trong lối đi ven sông tại Naperville. Ảnh: Twitter |
Hơn 140.000 con rắn “tung hoành” trong thị trấn ở Mỹ
Có 4 loài rắn độc sinh sống ở bang Illinois, trong đó có hai loại rắn chuông. Tuy nhiên, NAC cho biết phần lớn lũ rắn ở Naperville đều là rắn không mang nọc độc. Dẫu vậy, ông David Drake, một chuyên gia về rắn, khuyến cáo người dân không nên đến gần hay khiêu khích chúng để tránh bị rắn tấn công, trong trường hợp xấu thì họ có thể "chọc giận" nhầm một con rắn độc.
Trong trận lũ nghiêm trọng vào tháng 4/2011, khoảng 75.000 dân ở Brisbane (bang Queensland, Australia) phải đối mặt với cơn ác mộng khác: đàn rắn theo dòng nước tiến về thành phố. Chúng tìm chỗ khô ráo để ẩn náu trong mùa lũ.
Rắn bò trên hàng trào trong mùa lũ ở bang Queensland. Ảnh: REX |
Giám đốc cơ quan khẩn cấp tiểu bang, ông Scott Mahaffey, cảnh báo người dân phải hết sức cẩn thận vì đàn rắn rất hung tợn. "Chúng đang trong mùa giao phối nhưng buộc phải rời tổ, do vậy lũ rắn rất dễ kích động". Khoảng 200 người buộc phải sơ tán khỏi nhà để tránh loài bò sát này.
Dân Trung Quốc chạy trốn rắn hổ mang xổng chuồng
Ngôi làng Xianling (tây nam Trùng Khánh) trở nên vắng tanh vào những ngày đầu tháng 9/2010, do người dân sơ tán hết khỏi đây sau khi kinh hãi phát hiện một đàn rắn hổ mang mới nở đã trốn thoát khỏi lồng ấp và tràn ra ngoài. Rắn bò vào nhà bếp, nhà vệ sinh, trườn trước sân trong sự hoảng sợ của người dân. "Tôi sợ hãi và hét toáng lên khi nhìn thấy một con rắn trong phòng tắm", bà Zhang Suli cho biết.
Theo báo McClatchy, chủ nhân của số rắn này là ông Cai Yong. Việc nuôi ấp 3.000 trứng rắn hổ mang trái phép diễn ra tại một ngôi trường bỏ hoang, lồng ấp làm tạm bợ bằng ván ép, gạch và vải lưới. Cai dự định sẽ chiết nọc độc để bán cho các cơ sở chế biến thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, điều ngoài dự kiến của ông là hơn 160 con rắn đã bò ra ngoài từ một lỗ trong buồng ấp. Sự việc chỉ được phát hiện vào ngày 4/9.
Ông Cai Young bên số rắn hổ mang xổng chuồng đã bị bắt lại. Ảnh: CriEnglish |
Đảo Guam khốn khổ vì rắn cây nâu hơn 60 năm
Chuột chết tẩm thuốc nằm rải rác trong những cánh rừng tên đảo Guam (thuộc Mỹ) là biện pháp của các nhà khoa học đối với nạn rắn cây nâu hoành hành trên đảo này hơn 60 năm qua. Phần lớn những loài chim bản địa trên đảo đã tuyệt chủng vì trở thành mồi cho rắn. Rắn cây nâu thường dài khoảng 1 m, nhưng có thể đạt đến chiều dài tối đa đến 3 m.
Một quân nhân không quân Mỹ cầm một con rắn cây nâu trên đảo Guam. Ảnh: NYDaily News |
Một báo cáo năm 2010 của Trung tâm nghiên cứu động vật hoang dã Mỹ cho biết loài rắn này có thể gây thiệt hại kinh tế khoảng gần 500 triệu USD đến hơn 2 tỷ USD mỗi năm nếu chính quyền không có biện pháp kiểm soát hiệu quả. Những thiệt hại được tổng hợp từ các yếu tố như cúp điện diện rộng, suy giảm du lịch (do hệ sinh thái ảnh hưởng), chi phí điều trị cho người bị rắn cắn. "Không có nơi nào trên thế giới đối mặt với vấn đề vì rắn như ở Guam", Daniel Vice, đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ phụ trách khu vực các quần đảo Thái Bình Dương, than thở.