Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hấp dẫn nhỏ nhặt của CEO Starbucks Việt Nam

Tiễn chân vị khách cuối cùng, bà Patricia Marques lặng lẽ đi từng bàn thu dọn vỏ cốc và giấy rác. Một nhân viên cho biết, việc làm đó của tổng giám đốc không có gì lạ.

Sau 2 tuần Hà Nội mưa gió sụt sùi, chọn ngày nắng lên, bà Patricia Marques, CEO Starbucks Việt Nam, đáp chuyến bay từ TP HCM tới thủ đô. Chuyến đi này, bà sẽ giới thiệu loại thức uống mới cho mùa hè. Diện bộ đồ thiết kế đơn giản với hoa văn phóng khoáng, nữ CEO chọn góc ngồi hướng ra cửa. Bà lặng lẽ ngắm không gian cà phê dưới gọng kính hình cánh bướm vàng cam điệu đà. 

Như mọi lần, trước buổi giới thiệu sản phẩm mới khoảng 5 phút, Patricia tự tay chuẩn bị món cà phê sắp ra mắt và bánh ăn kèm mời khách hàng. Thao tác pha chế được bà thực hiện nhanh, gọn, thành thục không kém các nhân viên đứng quầy. "Ở Starbucks, tất cả đều là cộng sự. Việc đó với chúng tôi không có gì lạ", một nhân viên nói.

Bà Patricia Marques, CEO Starbucks Việt Nam. Ảnh: Hoàng Mai.

Diễn biến buổi "cà phê với Patricia" (cách gọi của một vài khách quen) tương tự nhiều lần trước đó. Mỗi suất uống nữ CEO tự tay chuẩn bị mời từng khách hàng. Thường suất sẽ gồm 1 ly cà phê nguyên chất, 1 thành phẩm sau khi pha chế theo công thức mới và bánh ăn kèm.

Tuy nhiên, điểm lạ nằm ở món món ra mắt. Đại diện thương hiệu cà phê nói trên cho biết, Dolce Misto là thức uống lạnh tương tự như cà phê sữa đá truyền thống ở Việt Nam. Món uống này được Starbucks cất công nghiên cứu, pha chế sau 2 năm hãng có mặt tại thị trường Việt.  Cùng với 2 món "quà vặt" khác là chocolate và hạt điều rang muối, nhóm sản phẩm sẽ khởi đầu dòng sản phẩm dành riêng cho người Việt của hãng.

Những ly cà phê với nữ CEO trở nên hấp dẫn hơn khi bà vui vẻ mách nhỏ khách mời của mình mẹo thưởng thức hoặc chọn đồ ăn kèm phù hợp. Ví dụ, để tránh bỏng lưỡi khi uống cà phê nóng, bà khuyên khách hãy "húp" thật nhanh cà phê, "đừng ngại tiếng sụp soạp ồn ào".

Nếu dùng cà phê cùng bánh, khách có thể hớp một ngụm trước và cắn thêm miếng nhỏ bánh ở những giây cuối cùng. Và như lần này, Patricia tỏ ra rất tâm đắc chia sẻ với nhóm khách quen về sức hấp dẫn khi dùng cà phê sữa đá với hạt điều rang muối “Món hạt điều rang muối kiểu Việt rất ngon. Đây đang là món ăn kèm ‘hot’ nhất trên hệ thống cửa hàng”, bà cho biết.

CEO Stabucks Việt Nam tự tay pha chế và mang từng ly cà phê Dolce Misto, món uống lạnh tương tự cà phê sữa đá, dành riêng cho người Việt, đi mời từng khách.

Chia sẻ với Zing.vn, chuyên gia cà phê bày tỏ, bà từng trải nghiệm qua hầu hết xứ sở cà phê trên thế giới. Trước khi đảm nhận cương vị CEO Starbucks tại Việt Nam từ 2013, bà có thâm niên 10 năm làm việc tại thương hiệu. 

Tới Việt Nam cách đây 5 năm, bà còn nhớ nguyên “cú shock mạnh” khi lần đầu thưởng thức ly cà phê bản địa: “Rất nồng, rất đậm, đắng nhưng tuyệt vời”. Nữ CEO khẳng định, hiểu khẩu vị của dân địa phương giúp nhà kinh doanh tung ra các sản phẩm phù hợp.

Việc cho ra đời dòng sản phẩm riêng cho khách nội địa khiến nhiều người nhớ đến phát ngôn của đại diện Starbucks khi đến Việt Nam hơn 1 năm trước: “Chúng tôi tới đây để bán cà phê cho người Việt chứ không phải người nước ngoài tại Việt Nam”. 2 tháng với 3 món ăn - uống "made in Vietnam" lên quầy đã giúp Starbucks ghi điểm với thực khách nội địa. Và, Patricia cùng Starbucks dường như đang thực hiện đúng tuyên bố ban đầu.

Tuy nhiên, nếu như vậy, tại sao phải đợi tới 2 năm, hãng cà phê này mới “chiều lòng” khách Việt bằng món đúng như cà phê sữa của người Việt?

Patricia Marques lý giải, việc đưa mỗi món ăn, thức uống mới lên hệ thống là cả quy trình, không đơn giản như cách bỏ món này đi, chế món khác trong một nhà hàng đơn lẻ.

Bà đưa ví dụ, ở Hàn Quốc, người dân rất thích ăn hoa quả. Thậm chí, khách hàng có thể mang cả một quả chuối tươi vào quán cà phê và yêu cầu nhân viên pha chế xay chuối vào cà phê. Khi thu thập phản ứng khách hàng trong một thời gian dài, nhà kinh doanh sẽ dựa trên thực tế để nghiên cứu, thử nghiệm loại đồ uống mới. Và tất cả các món món mới phải được "Stabucks mẹ" kiểm nghiệm, đáp ứng tất cả các quy định khắt khe chung thì mới được đưa sản phẩm ra thị trường.

"Chúng tôi chiều lòng khách Việt theo cách của mình. Starbucks sẽ có đủ món uống phù hợp với khẩu vị nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, việc ra đời dòng sản phẩm dành cho khách nội địa không có nghĩa là chúng tôi đang thay đổi. Chúng tôi vẫn giữ nguyên thực đơn của mình và cập nhật thêm các món phù hợp", đại diện thương hiệu cà phê quốc tế cho hay.

Không tiết lộ những số liệu cụ thể về doanh thu, nhưng Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết, tình hình kinh doanh đang rất tốt đẹp. Hiện Starbucks đã có 12 cửa hàng tại Việt Nam, 3 cửa hàng đang được xây dựng ở Hà Nội. "Chờ có mặt bằng tốt, chúng tôi tiếp tục mở thêm cửa hàng mới".

Tiễn chân tới vị khách cuối cùng, tác phong nhanh nhẹn, bà Patricia lặng lẽ thu dọn các loại vỏ cốc và giấy rác trên các bàn cà phê. Bà tỏ ra tâm đắc với loại ly uống thiết kế riêng cho các món nước lạnh vừa mắt.

"Khách hàng chi tiền mua chiếc ly đẹp ở lần uống đầu, nếu mang ly theo hoặc gửi ly lại quầy ở những lần uống sau sẽ được giảm 10.000 đồng. Chúng tôi muốn thực khách sử dụng những chiếc ly như vậy, thay vì loại cốc giấy hoặc nhựa dùng rồi vứt bỏ", bà chủ Starbucks Việt Nam chia sẻ.

Có gì trong cửa hàng rang xay cà phê đầu tiên của Starbucks?

Tại cửa hàng có diện tích gần 1.400 m2 này, khách hàng được tận mắt chứng kiến quá trình rang xay cà phê. Và ở đây sẽ không có logo Starbucks.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm