Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân. |
Qua các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương) nhận thấy một tầm cao trong tư tưởng, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, với con người là trung tâm. Điều này cũng nhất quán với con người giản dị mà sâu sắc, một trái tim lớn, một trí tuệ lớn của Tổng Bí thư.
Lấy con người là trung tâm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng viết trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người".
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Bí thư đã xác định con người là nhân tố quan trọng, chủ chốt, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; đặc biệt, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đây cũng là điều cốt lõi được nhắc lại trong các bài phát biểu và tác phẩm của Tổng Bí thư.
Vào dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðảng (3/2/2024), trong phần thứ hai của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng: "Ðảng ta luôn xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới".
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào sáng 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Đồng thời, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định rằng xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng.
Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư cũng viết rằng: "Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, 'cá lớn nuốt cá bé' vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm".
Nhận định về quan điểm, chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "Những tư tưởng, lý luận gắn với thực tiễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là rất sâu sắc, trong đó văn hóa được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; con người giữ vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển".
Trái tim chỉ hướng về một phía
Không chỉ thể hiện tầm cao lý luận trên phương diện văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ còn nhận thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc sống hàng ngày "luôn nêu tấm gương học hỏi, rèn luyện, thực hành, đi trước, làm trước và luôn làm đúng".
Trong một kho tàng văn học đồ sộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc với những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu - nhà thơ mà ông đã chọn cho đề tài luận văn tốt nghiệp đại học của mình hơn 60 năm trước. Đặc biệt là hai câu thơ: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Đây là những câu thơ trong bài Bác ơi! của nhà thơ Tố Hữu. "Mong manh áo vải" ám chỉ những người mặc áo vải đơn sơ, giản dị, thường là những người nông dân hoặc những người cách mạng thời kỳ kháng chiến. "Hồn muôn trượng" thể hiện tinh thần cao cả, vĩ đại và không khuất phục trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào. Hai câu thơ được đặt trong khổ thơ nói về Bác Hồ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hay nhắc nhớ về lời bình của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người: “Trên ngực áo này không một tấm huân chương. Và dưới làn áo mỏng này có một trái tim”. Những câu nói này cũng như để thể hiện lòng biết ơn của Tổng Bí thư với chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời còn là sinh viên lớp Ngữ Văn khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và những năm tháng làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ở Liên Xô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhớ mãi câu nói của nhân vật chính Pavel Korchagin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga Ostrovsky: “Ta có thể tự hào rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất xứng đáng là người cộng sản chân chính, người học trò rất xuất sắc, gương mẫu, trung thành, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo xuất sắc, gương mẫu lớp trước của Đảng ta, Nhân dân ta”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, dù là trong hệ thống tư tưởng, đến hành động thực tiễn, dù ở vị trí nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn là một trái tim lớn, luôn hướng về dân tộc, đất nước, con người Việt Nam.