Từ năm 1990 đến nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có hơn 40 cuốn sách được xuất bản. Ảnh: Đức Huy. |
Khoảng vài năm trước, chàng sinh viên Nguyễn Hoàng Thanh vẫn thường xuyên tìm tư liệu cho việc học tập và nghiên cứu. Lần đầu tiên đọc cuốn Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, khó khăn nào cũng vượt qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh đã cảm thấy rất ấn tượng.
“Đó như một tư liệu quý giá cho mình bởi nó vừa khái quát được những thành công vừa đưa ra được những khó khăn để từ đó chúng ta có phương án giải quyết, không ngừng đổi mới tư duy để phù hợp với thực tiễn của đất nước”, Nguyễn Hoàng Thanh chia sẻ.
Những bài học cho cuộc sống
Nguyễn Hoàng Thanh, 25 tuổi, hiện công tác tại Đoàn phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM. Là người mê đọc sách về chính trị, Thanh không chỉ có một tủ sách tại nhà mà còn dùng chiếc điện thoại cá nhân như một thư viện đọc sách nhỏ gọn bên mình. Anh thường chọn những cuốn sách kinh điển về tư tưởng chính trị hay sách của các lãnh đạo để tự rèn giũa bản thân.
“Bài học quý giá đầu tiên mà mình học được từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là tính kiên định và nhất quán. Thứ hai là cách tư duy trong các tác phẩm của bác với khả năng lý luận rất sắc bén, sâu sắc mà vẫn dễ hiểu. Thứ ba đó là tinh thần đổi mới trong bản thân mỗi người”, anh tâm sự.
Bên cạnh đó, cuộc đời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là nguồn cảm hứng cho anh về tinh thần đạo đức và trách nhiệm. “Mình nhìn theo tấm gương của bác để học sự khiêm tốn, sự cống hiến hết mình. Đến tận 80 tuổi, cái tuổi mà người ta thường vui vầy cùng con cháu thì bác vẫn từng ngày, từng giờ, từng phút chăm lo cho đất nước, luôn cống hiến hết mình cho đất nước”, anh nói thêm.
Nguyễn Thanh Liêm, 25 tuổi, Phó bí thư Đoàn phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, Nguyễn Thanh Liêm (25 tuổi, Phó bí thư Đoàn phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) tỏ ra thích thú khi đọc cuốn Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Cuốn sách tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Ngôn từ trong sách viết rất gần gũi với người đọc. Cho dù là bạn trẻ không đam mê về chính trị vẫn có thể đọc hiểu và tìm thấy những bài học để áp dụng trong cuộc sống”, anh Liêm nói.
Nguồn tài liệu quý giá cho đoàn viên, thanh niên
Từ năm 1990 đến nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có hơn 40 cuốn sách được xuất bản. Các cuốn sách không chỉ đem lại cái nhìn khái quát và phong phú về thực tiễn của đất nước, mà còn thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mang tầm chiến lược, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nhớ lại: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói: Sách là văn bia để đời nên phải cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng câu, từng chữ, không được qua loa, đại khái; phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị, và phải rất chính xác để nhân dân không hiểu sai chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời cũng phải hấp dẫn, cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ đọc, dễ nhớ”.
Ông cũng cho biết với những cuốn sách quan trọng, Tổng bí thư thường trực tiếp đọc bản thảo, biên tập, sửa chữa nhiều lần, kỹ lưỡng từng chi tiết nhằm bảo đảm tính chặt chẽ về kết cấu, bố cục, thống nhất về nội dung và hình thức, giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách.
Nguyễn Hoàng Thanh, 25 tuổi, đặt mục tiêu đọc sách mỗi ngày. Ảnh: NVCC. |
Chính vì vậy mà những cuốn sách đã trở thành nguồn tài liệu đáng tham khảo cho những thế hệ sau, đặc biệt là với những đoàn viên, thanh niên như Hoàng Thanh, Thanh Liêm.
Không chỉ có thêm kinh nghiệm để xử lý các vấn đề trong cuộc sống và công việc, họ còn có được nhiều bài học cho bản thân để không ngừng bồi dưỡng niềm tin, nhân cách và năng lực.
Khi đọc sách, Hoàng Thanh luôn đánh dấu những đoạn có nội dung nổi bật. Anh cho biết đó là thói quen mỗi khi đọc được phân tích, quan điểm hay để đưa đất nước phát triển hơn, anh sẽ cố gắng đọc kỹ, đánh dấu lại và suy ngẫm. Anh nói: “Những cuốn sách của Tổng bí thư cho mình một góc nhìn toàn diện về tư duy, đường lối, chiến lược đất nước đã lựa chọn để đi lên. Ngoài ra nó còn đặt ra mục tiêu, định hướng cho giới trẻ chúng ta cố gắng học tập để có sự vững mạnh về tư duy, hiểu biết”.
“Mình thấy mỗi đầu sách đều có ý nghĩa, tầm quan trọng riêng. Những đầu sách chính trị nghe qua thì khô khan và khó hiểu, nhưng nếu đọc thử những đầu sách của Tổng bí thư thì mình cảm thấy nó khá gần gũi với người trẻ. Ví dụ người học về kinh tế cũng có thể đọc thêm sách về ngoại giao, hoặc về phát huy tinh thần đoàn kết để cải thiện môi trường làm việc”, Thanh Liêm nói thêm.