Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những guồng chân cuối của Raul trên thảm cỏ xanh

Từ cậu bé được người cha hướng cho nối nghiệp thợ điện, Raul Gonzalez trở thành huyền thoại của đội bóng hay nhất thế kỷ 20.

Sid Lowe là ký giả người Anh nổi tiếng của báo Guardian. Giống như chuyên gia Guillem Balague của Sky Sports, Sid Lowe là nhà phân tích bóng đá có vốn kiến thức sâu sắc, đặc biệt về bóng đá Tây Ban Nha.

Sid Lowe là đại diện thường trú của Guardian tại thủ đô Madrid. Mối quan hệ với cầu thủ Real Madrid tốt đến mức ông từng làm phiên dịch cho David Beckham và Michael Owen trong thời gian họ chơi bóng ở đây.

Sid Lowe mới có bài viết tri ân Raul nhân sự kiện anh dừng lại những guồng chân không mỏi ở tuổi 38.

“Guồng chân” có nghĩa là chạy bứt tốc. Ngày 15/11, Chúa nhẫn Raul đã sải những guồng chân cuối cùng cho danh hiệu sau cuối của sự nghiệp. Huyền thoại của Real Madrid chính thức từ giã sân cỏ từ thời điểm ấy. Anh gục xuống trong phòng thay đồ hồi lâu sau màn ăn mừng bằng rượu champagne.

Từ nay, đến hẹn lại lên, những bước chạy thong dong sẽ thay thế guồng chân không mỏi, trong các trận đấu giao hữu vì mục đích từ thiện, hoặc chính anh tự tổ chức, hoặc theo lời mời của 1 người bạn nổi tiếng.

Đáng lẽ Raul đã nghỉ hưu từ hôm 8/11. Nhưng 1 sự việc đột xuất trên sân bóng khiến anh phải hoãn lại kế hoạch. 21 năm của sự nghiệp tưởng chừng chỉ còn lại đúng 29 phút, cho đến khi anh ghi bàn ấn định chiến thắng của New York Cosmos trước Fort Lauderdale Strikers. 90 phút của trận chung kết đã mở ra từ đó.

Sự nghiệp của Raul Gonzalez qua ảnh

“Chúa nhẫn” Raul Gonzalez tuyên bố giã từ đời cầu thủ ngay khi giành danh hiệu thứ 23 trong sự nghiệp.

Raul ăn mừng chức vô địch cùng New York Cosmos. (Ảnh: Getty)

Anh vẫn chiến đấu, vẫn thách thức như bản sắc cá nhân thể hiện trong những năm tháng tung hoành sân cỏ. Anh có thêm 90 phút để viết nộp tập kết thúc của chương cuối sự nghiệp.

Pha ghi bàn đưa New York Cosmos vào chung kết NASL (giải hạng Hai Mỹ) là bàn thắng thứ 448 trong bảng thành tích vĩ đại của Raul. Và ở trận chung kết hôm chủ nhật vừa qua, đội bóng cuối cùng của Raul đã đăng quang vô địch, dù Raul không ghi được bàn thắng.

Điều đáng tiếc với Raul là World Cup và EURO hoàn toàn vắng bóng trong bộ sưu tập 22 danh hiệu của anh. Raul mất chỗ đứng ở ĐT Tây Ban Nha khi thế hệ vàng 2008-2012 thành hình. Anh rời đi trong lùm xùm, mâu thuẫn tứ phía và hàng tá câu hỏi về sự chia rẽ sâu sắc của ĐT Tây Ban Nha bấy giờ.

Đáng buồn cho Raul, sau khi anh bị “thất sủng”, ĐT Tây Ban Nha bước vào thời kỳ thành công nhất lịch sử bóng đá xứ bò tót.

Ba chức vô địch lớn liên tiếp chắc chắn là một kỷ lục vô cùng khó phá vỡ. Nó khó hơn nhiều so với việc phá kỷ lục ghi bàn của Raul.

David Villa cuỗm chiếc áo số 7 của Raul, cuỗm luôn kỷ lục ghi bàn nhiều nhất mọi thời của ĐT Tây Ban Nha, chỉ vài năm sau khi Raul mất chỗ ở đội tuyển. Với 59 pha lập công, David Villa phá sâu kỷ lục cũ của Chúa nhẫn (44 bàn).

Trong giai đoạn huy hoàng ấy, có 7 cầu thủ Tây Ban Nha góp mặt trong 3 trận chung kết và 4 cầu thủ đá chính cả 3 trận. Thống kê tương ứng với Raul là 2 con số 0 tròn trĩnh, 0 trận góp mặt và 0 trận đá chính.

Thế mà Pep Guardiola vẫn gọi anh là “Cầu thủ quan trọng nhất trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha”, chứ không phải 1 trong 4 người kia. Nhiều người đồng tình với nhận định này.

Ở Tây Ban Nha, người ta coi việc Raul không giành được Quả bóng vàng là vụ bê bối nghiêm trọng. Nếu Michael Owen tự hỏi: “Tại sao người hâm mộ ở Tây Ban Nha lại ghét mình đến thế?”, thì câu trả lời dành cho thần đồng một thời của bóng đá Anh sẽ là: “Năm cậu giành Quả bóng vàng đáng lẽ phải là sân khấu riêng của Raul”.

Tất cả tranh cãi xoay quanh việc không bầu Quả bóng vàng cho Raul là vô nghĩa. Chính anh từng nói: “Tôi muốn là cầu thủ của tập thể. Thành tích cá nhân đối với tôi không quan trọng”.

Muốn tìm ví dụ về sự ổn định, hãy nói đến Raul. Anh liên tiếp ghi hơn 20 bàn trong 1 mùa suốt từ 1995 đến 2004. Đến tận năm nay, kỷ lục ghi bàn của anh cho Real Madrid (323 bàn thắng) mới bị vượt qua. Người phá kỷ lục của Raul không ai khác ngoài Ronaldo.

Với Ronaldo, bản thân anh là số một. Thế mà khi mới vượt qua người tiền bối, Ronaldo nhắn tin cho Raul, ca ngợi anh: “Với tôi, anh luôn là số 1”.

Ronaldo phá kỷ lục của Raul trong thời gian ngắn đến mức khó tin (310 trận), nhưng bóng đá thời nay rất khác. Liệu Ronaldo có thể trụ vững 16 năm với hơn 700 trận ở Real hay không?

Huyền thoại và kỷ lục gia của đội bóng hay nhất thế kỷ 20. Ảnh: Getty.

Trụ lại Real không phải việc đơn giản, quy luật đào thải nơi đây rất khắc nghiệt, không loại trừ huyền thoại. Casillas là người gần nhất thấm thía điều này.

Jorge Valdano từng ngợi ca Raul là bộ mặt của Real trong 25 năm qua. “Nếu bạn liệt kê một danh sách dài những phẩm chất của Raul, bạn đồng thời vừa liệt kê những phẩm chất của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Cậu ấy là Di Stefano của thời hiện đại. Cậu ấy là biểu tượng của tinh thần Madrid bất diệt. Dù cho cậu ấy bắt đầu sự nghiệp ở Atletico Madrid”.

Valdano chính là người phát hiện và đưa Raul về Real. Ngày Valdano ngậm ngùi rời Bernabeu vì thất bại trong cuộc chiến quyền lực với Mourinho, Raul ca thán: “Tôi như mất đi 1 nửa tâm hồn”.

Ông Jesus Gil, chủ tịch cũ của Atletico Madrid quyết định xóa sổ đội trẻ Atletico vì nghĩ rằng không cần thiết. Raul rơi vào cảnh bơ vơ. Chỉ chờ có thế, Valdano lập tức kéo anh về tập luyện ở Ciudad Deportiva (trung tâm tập luyện cũ của Real, trung tâm hiện tại là Valdebebas). Năm ấy Raul mới 17 tuổi. Sau này, Raul lấy tên Valdano đặt cho con trai đầu lòng của anh.

Valdano cho Raul cơ hội ra mắt đội 1 Real, nhưng Raul tự tay ném nó đi. Anh muốn tự tạo cơ hội cho chính mình.

Raul chập chững ở đội C, được đôn lên đội B chỉ sau 1 thời gian ngắn. Về sau, Emilio Butragueno chính thức treo giày còn Alfonso Perez bị chấn thương dài hạn, Valdano đã nghĩ đến việc một lần nữa thuyết phục Raul lên đội chính.

“Nếu thầy muốn chiến thắng, hãy đưa tôi vào sân. Còn nếu không, hãy cho người khác đá”. Ít người tin nổi đây là tuyên bố của cầu thủ trẻ măng dành cho ông thầy lão luyện.

Trên chuyến xe bus chở Real đi thi đấu với Zaragoza vào ngày 27/10/1994, Raul ngủ gục, như thể trận ấy là quá bình thường và anh chẳng mảy may để ý đến cái gọi là “áp lực” mà người ta gắn cho anh.

Ngày hôm đó, Raul có màn trình làng đội 1 Real Madrid. Một màn ra mắt không thể tồi hơn. Mười giây sau khi được tung vào sân, Raul có cơ hội băng xuống đối mặt với thủ môn. Nhưng anh không muốn biến tay thủ môn thành kẻ tội nghiệp. Raul quá đỗi nhân từ. Anh lừa qua hắn rồi sút bóng thẳng lên trời. Nếu không trở thành cầu thủ bóng đá thì Chúa nhẫn có lẽ là một tay thợ săn cừ khôi.

Ngay sau đó là một cú sút trúng vị trí thủ môn ở tình huống khung thành hoàn toàn trống trải. Cơ hội cứ trôi qua trước mũi giày đen đủi của Raul. Chung cuộc Real thua 2-3 với tội đồ là người sau này trở thành huyền thoại. Ban huấn luyện kháo nhau rằng Raul sẽ suy sụp và khóc hết nước mắt. Nhưng họ đã nhầm to. Các huyền thoại luôn biết cách vượt qua nghịch cảnh. Raul đủ mạnh mẽ để đối đầu với nghịch cảnh.

Raul là thiên tài, không ai có thể phủ nhận. Raul khéo léo, chạm bóng hoàn hảo, dứt điểm gọn lẹ, bóng bay vào lưới nhanh hơn người ta tưởng tượng. Nhưng sự thành công của anh không hoàn toàn đến từ tố chất tự nhiên.

Anh mài giũa sự sắc sảo, thông minh và tập trung. Anh gột bỏ sự sai sót qua từng chiến dịch. Chân anh bị vòng kiềng, lưng anh bị gù, tốc độ thì chậm, nhưng theo người bạn của anh, huyền thoại Fernando Hierro: “Raul không có kỹ năng đặc sắc đạt 10 điểm, nhưng trong tất cả mọi thứ, anh đều đạt 8,5 điểm”.

Trợ lý HLV Angel Cappa ca ngợi Raul: “Ban đầu cậu ấy là cầu thủ cực tồi. Giữ bóng kém, không biết đi bóng qua người, không biết đánh đầu và kỹ năng dứt điểm cực tệ. Nhưng mọi chuyện thay đổi quá nhanh. Chỉ sau vài trận, tất cả ấn tượng không đẹp với Raul vụng về bị xóa tan. Raul cầm bóng hay, qua người hay, đánh đầu sấm sét và ghi hàng nghìn kiểu bàn thắng khác nhau. Cậu ấy là kẻ chinh phục từ trong trứng nước”.

Raul chứng minh được nhân cách, ý chí, sức chiến đấu, sự cống hiến, sự phô bày chất đặc sắc của cá nhân mà người khác không có.

Raul yêu thích sự cạnh tranh và phấn đấu không nghỉ. Đó là lý do tại sao anh luôn giữ được khao khát và thú vui với bóng đá, bất kể anh thi đấu ở lục địa già hay châu Mỹ xa xôi.

Năm 2011, có một phóng viên hỏi Raul rằng vì sao anh và Ryan Giggs có thể chơi bóng bền bỉ như thế, anh trả lời: “Bóng đá là cuộc sống và phần máu mủ ruột già với chúng tôi. Chúng tôi yêu nghề nghiệp này”.

Năm ấy anh sang Đức. Schalke 04 có lẽ là lựa chọn khá kỳ lạ. Người ta lại nghĩ anh đến một môi trường an nhàn hơn, như Mỹ hoặc Qatar, vì lúc ấy Raul đã 33 tuổi. Ở Schalke, Raul lấy lại vị thế chân sút hàng đầu lịch sử bóng đá châu Âu, anh thiết lập kỷ lục ghi bàn ở Champions League, đưa Schalke vào bán kết mùa 2010/2011.

Raul lập tức được bầu làm đội trưởng từ ngày mới đến Schalke. Anh làm hoạt náo viên cho màn ăn mừng truyền thống bằng loa cầm tay của bóng đá Đức. Ảnh: Getty.

Ngày anh chia tay Schalke, họ tri ân anh như một huyền thoại từng thi đấu hơn 10 năm ở đội bóng, trong khi 2 năm trước anh còn là tân binh.

Raul có thể chọn lựa đội bóng ở giải đấu kém xa về đẳng cấp, nhưng nếu làm thế thì đi ngược với phương châm “chơi thường xuyên và chiến đấu hơn nữa” của anh.

Sid Lowe gặp Raul ở Schalke vào tháng 4 năm 2011. Anh vẫn luôn nghiêm túc với bóng đá, nghiêm chỉnh với tư cách thủ quân của Real Madrid. Nhưng lúc ấy anh nhận ra mình đã ở tập cuối của sự nghiệp. “Tôi đã đạt đến đỉnh cao để có thể đi xuống”, Raul tâm sự với Sid Lowe.

Raul không thể chạy trốn khỏi bóng đá. Chỉ là anh muốn đến môi trường mới, nhẹ nhàng và thư thái hơn đỉnh cao khắc nghiệt của châu Âu. Thời điểm quyết định rời Schalke, Raul cảm thấy anh không còn tận hưởng bóng đá đỉnh cao được nữa: “Nếu muốn tiếp tục sống cùng bóng đá, tôi phải lựa chọn ra đi. Tôi có thể ở lại nhưng tôi không muốn. Nếu ở lại tôi sẽ không thể sống trọn đời mình với bóng đá”.

Ông thầy Valdano đúc kết về cậu học trò: “Số lượng hơn chất lượng, cam kết trọn đời và cống hiến hơn tất cả. Chuyên nghiệp ở mức cao nhất”.

Lại nói về câu chuyện của trợ lý HLV Angel Cappa. Sau màn ra mắt thảm họa, ông Cappa đến an ủi Raul. Rất nhanh chóng, ông nhận ra đấy là hành động thừa thãi. “Raul bảo cậu ấy cần thêm cơ hội”. Và Real cho anh cơ hội.

Một tuần sau, anh trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn cho Real Madrid, sau khi lập kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ra mắt đội 1. Nạn nhân của Raul, trùng hợp thay chính là Atletico Madrid.

Không chỉ tự tay xát muối vào vết thương của đội bóng cũ, anh còn hai lần kiến tạo cho đồng đội làm điều này. Trong mùa đầu tiên chơi ở La Liga, cầu thủ 17 tuổi khi ấy ghi được 9 bàn thắng sau 28 trận, góp công giúp Real chiếm ngôi vương của kình địch Barcelona, chấm dứt luôn kỷ nguyên vàng “Dream Team” của Johan Cruyff.

Anh chính thức trở thành cựu danh thủ từ hôm chủ nhật tuần trước. Anh sẽ tạm nghỉ ngơi trước khi nghĩ đến kế hoạch tương lai. Chiếc áo số 7 ở Real Madrid, Raul ngày trước và Ronaldo hiện tại đã làm cho nó trở nên quá rộng, quá khó khăn để có thể thừa kế.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm