Cứ 1.400 trẻ em ở Tanzania có 1 em bị mắc bệnh bạch tạng do di truyền và thiếu melanin. Đây là tỷ lệ cao nhất châu Phi. Những thầy phù thủy tin rằng bộ phận cơ thể của trẻ em bạch tạng có thể được dùng làm độc dược hoặc bùa chú. Điều này khiến các em đối mặt với nguy cơ bị tấn công một cách tàn bạo. |
Kẻ săn trẻ bạch tạng tìm cách bắt cóc nạn nhân và cắt các bộ phận cơ thể rồi bỏ mặc các em tới chết. Những đứa trẻ trong bộ ảnh này được đưa tới Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia để lắp chân, tay giả và làm quen với cuộc sống mới trước khi trở về quê hương. |
Nhiều người châu Phi tin rằng bạch tạng là hiện thân của ma quỷ và có thể đem lại xui xẻo. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 75 người bạch tạng Tanzania tử vong trong giai đoạn 2000-2015. Con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Ảnh chụp một em bé đang làm quen với đôi tay giả. |
Các em sẽ ở lại Mỹ trong khoảng 2-3 tháng và trải qua quá trình trị liệu tâm lý. Trước đó, các em đã được học tiếng Anh để có thể giao tiếp với y tá và bác sĩ trong bệnh viện. |
Những đứa trẻ Tanzania tỏ ra rụt rè và luôn đi cùng nhau trong những ngày đầu tiên đến Mỹ. Sau khi đã quen với môi trường mới, chúng trở nên cởi mở, thân thiện hơn và sẵn sàng tham gia vào quá trình học cách sử dụng tay, chân giả. |
Những đứa trẻ tự tin trong chiếc kính râm và bước vào phòng khám. |
Các em học cách ăn, uống, giặt giũ và phơi quần áo với chính đôi tay giả của mình. |
Chính phủ Tanzania đang tìm mọi cách để giảm thiểu nạn mê tín dị đoan và sức ảnh hưởng của những thầy phù thủy, lực lượng chính gây ra những vụ tấn công người bị bệnh bạch tạng. Tuy nhiên, kết quả của những nỗ lực này vẫn chưa rõ ràng. Ảnh chụp những trẻ em bạch tạng Tanzania tràn đầy tự tin và vui vẻ bên bàn ăn tại Mỹ. |