Jimmy Liao là tác giả người Đài Loan, ông bắt đầu sáng tác tranh truyện (picturebooks) từ năm 1998, khi bước vào tuổi 40, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và vẽ minh họa. Độc giả Việt từng say mê thế giới hình ảnh đầy chất thơ trong các cuốn sách tranh của Jimmy Liao.
Nếu Nàng rẽ trái chàng rẽ phải là câu chuyện tình lãng mạn, Hòn đá xanh đầy triết lý, thì Đêm thẳm trời sao và Vầng trăng quên lãng là hai tác phẩm ông vẽ nên câu chuyện về những đứa trẻ cô đơn, từ khó kết nối với bố mẹ, đến khó kết nối với cả cộng đồng xung quanh.
Cuộc đào tẩu trong veo của hai đứa trẻ
Chính Jimmy Liao cũng từng là một đứa trẻ dại dột và nhút nhát, đó là lý do vì sao ông muốn để những cô cậu thiếu niên trong cuốn tranh truyện The Starry Starry Night (Đêm thẳm trời sao) cao chạy xa bay, để chúng được làm một cuộc đào tẩu thật lớn lao.
Hai cuốn sách của Jimmy Liao. |
Cô bé, cậu bé trong Đêm thẳm trời sao là hai thiếu niên sở hữu hai nỗi cô đơn khác biệt. Cô bé luôn tự thấy mình chìm nghỉm trong những nỗi chán chường: không thể gần gũi với bố mẹ, bế tắc và không có sức phản kháng với những vấn đề ở trường học, cô khao khát được sống vui tươi như lũ bạn nhưng không thể.
Còn chàng trai, đằng sau vẻ ngoài có vẻ cô độc lại là một tâm hồn ung dung tự tại. Cậu dường như không không thèm hòa nhập, không cần đến bạn bè xung quanh bởi tự cậu luôn biết tìm niềm vui theo cách riêng của mình. Cha mẹ bận rộn, cậu kết thân trò chuyện với đàn cá cảnh, thích dầm mưa để “đón nhận thiên nhiên và cởi bỏ gông xiềng”. Và rồi, cô bạn đã là một ngoại lệ được bước vào thế giới diệu kỳ của cậu sau một lần giúp cậu chống lại đám bạn xấu tính du côn.
Đây là cuốn tranh truyện có quá trình sáng tác rất đặc biệt. Một ngày nọ, tác giả nghe được mẩu tin về cuộc bỏ trốn của hai học sinh trung học ở miền Nam. Chúng chạy xe môtô đi đó đi đây, vui vẻ với nhau suốt ngày và đến đêm thì ngủ trong những lều lán, trường học hay bất cứ đền chùa miếu mạo nào tìm được. Ở nhà, bố mẹ chúng báo cảnh sát, và khi tìm được thì bố mẹ của đứa nọ đổ lỗi cho đứa kia lôi kéo, thậm chí bố mẹ cô gái bắt con đi khám và yêu cầu sự đền bù từ phía gia đình cậu bạn.
Song cả hai đều khẳng định chúng chẳng làm gì sai ngoài bầu bạn cùng nhau đi thăm thú rừng biển. Trước câu chuyện ấy, Jimmy Liao đã có những suy nghĩ rất tích cực và thật sự muốn tin rằng chúng thành thực, rằng tất cả những gì chúng muốn chỉ là cùng nhau trải qua những ngày tháng vô cùng thuần khiết và trong trẻo.
Bắt nguồn cảm hứng từ mẩu tin đó, ông đã vẽ 10 bức tranh trong năm đầu tiên. 10 bức tranh tiếp theo được vẽ trong năm thứ hai. Sau đó là những tháng năm dài ông trăn trở tìm cách để đẩy diễn biến câu chuyện đi tiếp sau 20 bức tranh. Thay vì thả lỏng cho mình dễ tính chọn lấy một hướng đi tạm để hoàn thành sớm, ông kiên quyết tạm gác lại những khúc mắc đó sang một bên và chuyển sự chú ý đến những dự án khác, cho đến khi thực sự gỡ được nút thắt, tìm được một mạch nguồn ưng ý thì mới tiếp tục.
Phải đến tận năm thứ 4, những ý tưởng tiếp theo mới thành hình để ông hoàn thiện nốt phần còn lại với sự xuất hiện của nhân vật ông nội cô bé.
Hình ảnh trong sách Đêm thẳm trời sao. |
Phần còn lại của câu chuyện là thêm một điểm đến cho cuộc đào tẩu, từ việc chọn địa điểm nhà ông nội trên núi cao là nơi dừng chân, đến việc cô bé chèo thuyền đưa cậu bạn đến giữa hồ nước nằm sâu trong rừng vắng, rồi buông tay chèo thả trôi trong tĩnh lặng, cứ thế nằm dài ngắm trời sao, y như cái cách ông nội vẫn thường làm cùng cô ngày bé.
Thú vui ngắm sao giữa rừng được tái hiện, như một cách để lũ trẻ giải thoát mình khỏi những ngột ngạt, trống rỗng hiện tại để tìm về cảm giác an yên, hạnh phúc thực sự của những ngày thơ bé - những cảm xúc vô cùng hiếm gặp khi chúng lớn lên.
Ở Đêm thẳm trời sao không có những sự quanh co khúc khuỷu như mong đợi, cũng không có tình tiết đột biến hay giật gân nào: “Tôi không có một cấu trúc câu chuyện đã được định hình trước, cũng không có một mở đầu hay kết thúc được sắp đặt sẵn. Tôi đơn giản là đi theo chuỗi kết quả của những bức tranh, bức này nối sau bức kia và tiếp biến”, Jimmy Liao nói. Đó là cách ông tìm kiếm ý tưởng và vẽ nên những tác phẩm sáng tạo độc đáo, rất tự nhiên và hoàn toàn không khuôn phép, không gượng gạo.
Câu chuyện cậu bé kết thân với vầng trăng
Nếu như Đêm thẳm trời sao có một cái kết rất rõ ràng với cao trào là cuộc đào tẩu trong veo và cuộc chia ly trong im lặng thì trong Vầng trăng quên lãng, ông lại để cho người đọc tự chiêm nghiệm, phán đoán và tưởng tượng thông qua những bức tranh biết nói.
Vầng trăng quên lãng là câu chuyện một cậu bé kết bạn với mặt trăng. |
Câu chuyện xoay quanh giấc mộng lạ lùng về những tháng ngày bỗng dưng vầng trăng mất tích. Rồi những nhà du hành vũ trụ sẽ đi đâu về đâu, những nhà khoa học sẽ làm gì và trần gian sẽ ra sao?
“Những con tàu vũ trụ, đặt chân tới cung trăng,
Bỗng mất hướng lạc phương, loay hoay biển tinh cầu
Không còn ai biết được, họ đang ở tận đâu?
Nhà khoa học đớn đau, đến hóa điên hóa dại.
Quốc vương như con trẻ, ngước nhìn trời bó tay
Chẳng người nào biết được, nên phải làm thế nào
Ti vi luôn cập nhật: Mất tích rồi, vầng trăng.
Rồi tin ngày tận thế, lan hoang mang địa cầu”.
Câu chuyện mở đầu bằng một cơn ác mộng như vậy. Sau đó là sự xuất hiện của những vầng trăng nhân tạo, những vầng trăng được sản xuất công nghiệp để mỗi người đều tự đem một vầng trăng theo bên mình. Câu chuyện về tình bạn giữa cậu bé cô đơn và vầng trăng thân thiết bắt nguồn từ đó.
Đó là một cậu bé luôn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Nhân vật người mẹ thường xuyên được nhắc đến nhưng là nhắc với sự vắng mặt trong hầu hết thời gian của cậu. Ba cũng không hề quan tâm đến câu chuyện về người bạn mới. Dần dần, cậu bé tự cô lập mình, cả ở nhà, ở trường và ngoài xã hội.
Rồi một ngày, những vầng trăng nhân tạo bị vứt xó. Loạt hình ảnh về mưa gió bão bùng, sự đổ vỡ và những cái bóng to lớn dữ tợn ngoài đường chính là những chi tiết ám ảnh, tăm tối.
Vầng trăng trong nhà cậu bé thì ngày một lớn lên, nó đã quá lớn để có thể chui vào căn phòng ấm áp của cậu bé. Vào khoảnh khắc thế giới như chìm trong đêm đen, vầng trăng ấy sực tỉnh, nhớ ra mình là ai, nó bay bổng trên trời cao.
Hình ảnh trong sách Vầng trăng quên lãng. |
Nói về những tác phẩm truyện của mình, tác giả từng chia sẻ: “Thế rốt cuộc câu chuyện muốn nói điều gì? Về câu hỏi này, bản thân tôi thậm chí cũng không chắc lắm. Tôi chỉ vẽ những bức tranh trong tim tôi. Nó giống như một giấc mơ và một lời tiên đoán; nó là khung cảnh mà tôi đã chờ đợi xuất hiện vào mỗi buổi sáng; nó có thể tượng trưng cho điều tôi đã khao khát trong suốt đời mình cho đến lúc đó; nó có thể là một khung hình của những kí ức tuổi thơ; nó cũng có thể là hình ảnh tương lai về con gái bé nhỏ của tôi”.
Cách sáng tác tranh truyện của Jimmy Liao là như vậy. Ông luôn muốn để lại một khoảng trống cho trí tưởng tượng của người đọc. Không dẫn dắt quá chi tiết bằng lời, ông để người đọc tự nghiền ngẫm qua những bức tranh, từ đó tự sáng tạo và lắp ghép cái cách kết của riêng mình. Câu chữ trong tranh truyện vì thế cũng không quá trau chuốt, cầu kỳ về ngữ pháp mà đơn giản, tự nhiên như lời nói.
Trong Đêm thẳm trời sao và Vầng trăng quên lãng, lối viết theo cấu trúc câu tự do, lúc như thơ, lúc như nhạc rất hợp với những cảm xúc hỗn độn và những vấn đề không đầu không cuối muôn thuở của những đứa trẻ khó kết nối, hoặc không muốn kết nối.
Dư vị của hai câu chuyện là một nỗi buồn nhẹ nhàng. Cả hai đều xoay quanh nhân vật chính là những đứa trẻ khó kết nối. Không phải là “tự kỷ” hay bất cứ từ ngữ nào khác gợi liên tưởng tới những căn bệnh tâm lý, tác giả chỉ dùng từ “khó kết nối” cho những đối tượng mà ông muốn hướng tới. Ông để cho người đọc tự phán đoán về những diễn biến tâm lý phức tạp, về mức độ cô đơn của từng đứa trẻ.
Có người khẳng định một trong số đó chính là tự kỷ và cần được điều trị, người cho rằng dù thế nào thì trốn nhà đi chơi vẫn là những kẻ tội đồ không thể tha thứ, người lại thấy đâu đó hình ảnh đứa con bé bỏng hay nhốt mình trong phòng, và cả sự bận rộn, những trận cãi vã của bố mẹ bủa vây... Để rồi, sau những nhận định ấy, ai đó có thể giật mình khi nghĩ tới sự cô đơn và những cuộc đào tẩu trong tương lai, bất kể là theo cách nào.