“Thấy rồi lại không thấy/ Gió hạ nhè nhẹ thổi, trong khoảnh khắc mất tăm/ Nhớ rồi lại lãng quên. Chỉ còn bóng cây già, khe khẽ run lẩy bẩy…”. Cuốn sách tranh Vầng trăng quên lãng (The Moon Forgets) được bắt đầu bằng hai trang tranh toàn màu đen và dòng chữ ngắn như thế.
Câu chuyện siêu thực về vầng trăng biến mất
Jimmy Liao, bằng tài năng của một trong 50 nhân vật châu Á sáng tạo nhất, chỉ với vài trang tranh không lời đã kể lại sự bắt đầu của một câu chuyện siêu thực.
Ngày kia, một cậu bé đang mải mê bắt bướm trên đồng cỏ ven rừng thì phát hiện mặt trăng nhỏ xíu rơi xuống vũng nước. Mặt trăng chỉ bé bằng quả bóng da đồ chơi, màu xám ngắt, được cậu bé nâng niu trên tay đưa về nhà trong thành phố.
Sách Vầng trăng quên lãng mới xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Wings. |
Trăng không thể mọc trên bầu trời được nữa. Những nghi hoặc được đưa ra: “Có phải không thấy trăng, là trăng không tồn tại? Có lẽ mây đen đặc, đã che khuất khuôn trăng”.
Điều gì xảy ra khi vầng trăng biến mất? Sau hoàng hôn, mọi người trông ngóng trăng lên, nhưng chẳng còn thấy vầng trăng trên cao như mọi khi. Thủy triều lặng câm, mặt biển hóa thành tấm gương đen, thế giới buồn lạnh lẽo, u tịch tới lạnh người.
Những con tàu vũ trụ đặt chân tới cung trăng thì mất phương hướng, loay hoay giữa biển tinh cầu. Các phi hành gia không còn biết họ đang ở nơi đâu. Các nhà khoa học thì đớn đau, người quyền lực như quốc vương cũng hóa thành trẻ con chẳng biết làm thế nào. Còn tivi liên tiếp cập nhật các bản tin: Vầng trăng đã mất tích.
Tin về ngày tận thế lan ra, gây hoang mang khắp địa cầu...
Nhưng con người đâu phải là những sinh vật dễ bó tay. Nếu không khôn ngoan và sáng tạo, sao họ có thể trải qua chọn lọc khắc nghiệt của tự nhiên để trở thành giống loài trí tuệ trên hành tinh. Con người tạo ra vô vàn vầng trăng nhân tạo. Từ xưởng, những vầng trăng tròn, trăng khuyết mỉm cười, theo các chuyến xe đi về nơi thành phố đang u tối xót thương.
Và “lũ trăng” dễ thương, ngọt lịm cười không biết buồn ấy khiến cho con người hết hoang mang, họ quay lại nhịp sống tươi tắn, rộn ràng hàng ngày.
Khi vầng trăng biến mất, con người ta ra những "vầng trăng ngọt lịm cười" nhân tạo để thay thế. |
Trong khi đó, tại căn phòng nhỏ trong phố, vầng trăng thực sự được cậu bé bọc trong tấm khăn mềm, bật đèn nhỏ để sưởi ấm. Cậu ôm trăng trong lòng, se sẽ ru. Vầng trăng nhỏ từ từ mở đôi mắt, ánh sáng yếu le lói. Giống như đứa trẻ sơ sinh, vầng trăng cựa mình, rồi dần lăn lóc nghịch khắp nhà, thỉnh thoảng bay lên. Trăng và cậu bé trở thành đôi bạn, cùng bày đủ trò nghịch ngợm… Cậu bé đưa trăng theo mình, đẩy trăng bay bổng trên những tầng cao của tòa nhà trong phố, đưa trăng lên ngọn cây trong rừng…
Ngày kia, khi những vầng trăng nhân tạo bị xẹp, bóng tối trở lại, cây cối héo hon, người ta tuyên bố trăng vốn không có thật, rằng “chúng ta vẫn sống mà chẳng cần đến trăng”. Đó là lúc vầng trăng nhỏ của cậu bé nhớ ra mọi chuyện. Trăng có thể bay tít lên mà không sợ độ cao, to dần lên và tỏa ánh sáng. Nhưng trăng lúc này đã quá to, chẳng thể quay trở lại căn phòng của cậu bé được nữa.
Một trận mưa ập đến, cậu bé vội lấy ô che cho trăng đang bay ngoài cửa sổ. Gió đưa họ bay lên cao, cao mãi. Giữa bầu trời thăm thẳm, những sầu lo, ồn ào đã biến mất. Giữa vầng trăng và cậu bé, chỉ còn niềm hạnh phúc, khoan khoái.
Câu chuyện dịu dàng nhưng đầy sức nặng
Vầng trăng quên lãng được giới thiệu như một cuốn sách tranh dành cho thiếu nhi. Nhưng những gì mà câu chuyện Jimmy Liao kể lại mang tới nhiều chiêm nghiệm, ngay cả với bạn đọc lớn tuổi, từng trải.
Đó có thể là câu chuyện siêu thực về vầng trăng biến mất, để lý giải cho trẻ em về những đêm đen không nhìn thấy trăng. Đó có thể là câu chuyện về sự dũng cảm, chống chọi sự cô đơn, định kiến xung quanh để dần trưởng thành. Nhưng đó cũng là một câu chuyện về sự đánh mất và tìm thấy.
Tất thảy những gì ta đã có, dù là hiện hữu hay vô hình (như bản ngã chẳng hạn), nếu gặp một biến cố nào mà mất đi, thì điều cần làm không phải là cho nó vào quên lãng, để rồi dần dần coi như nó không có, nó chưa từng tồn tại. Từng bước một, với tấm lòng ấm áp, sự ân cần, điều đánh mất có thể sẽ quay trở lại.
Cậu bé ôm vầng trăng nhỏ bé trước những vầng trăng nhân tạo. |
Sử dụng trí tưởng tượng tuyệt vời, khả năng sáng tạo, kỹ thuật điêu luyện, Jimmy Liao mang tới câu chuyện là hòa trộn của sự lãng mạn, giàu tình cảm và chứa đựng triết lý sâu sắc.
Tác giả thường sử dụng hình ảnh đối lập, ở đó con người thật nhỏ bé mà thế giới lại vô cùng rộng lớn. Nơi đó một con thỏ biến thành khổng lồ, trong khi con người thì nhỏ nhoi để thể hiện con người quá bé bỏng trước thiên nhiên. Ở đó, những khối bê tông, đèn đường, phố xá ngang dọc như một khối đè nặng lên cậu bé, thể hiện con người có thể trở nên nhỏ nhoi trước những gì họ tạo ra.
Ở đó, ông hiệu trưởng biến thành khổng lồ, để thể hiện cho sự độc tài trong tưởng tượng. Ở đó, vầng trăng có thể trở nên bé xíu và xám ngắt, không sức sống, thể hiện thiên nhiên to lớn và hùng vĩ có thể bị tàn phá, và biến mất…
Tác giả thường xuyên sử dụng hình ảnh đối lập để tạo ấn tượng trong cuốn sách. |
Nhưng Jimmy Liao không để cho những bê tông sắt thép, sự độc tài trong tưởng tượng chiếm lĩnh địa cầu. Sự lớn dần lên của vầng trăng là biểu hiện cho những ước mơ tiếp tục bay bổng. Cả câu chuyện với gam màu xanh lam, màu vàng bao phủ, cùng lời dẫn như những vần thơ dịu dàng kể cho chúng ta câu chuyện ấm áp mà đầy sắc nặng.
Để ai đó đọc xong cuốn sách, mỗi khi ngước nhìn bầu trời, thấy vầng trằng vàng tỏa sáng trên nóc những tòa cao ốc, sẽ không khỏi reo lên: “May quá, trăng lại lên rồi!”