Xuất phát từ một truyện ngắn được in trên báo năm 1939, Walter Mitty giờ đây đã trở thành một hiện tượng của cả văn chương và điện ảnh.
Người đàn ông có một cuộc sống bí mật ở trong đầu
Cứ mỗi cuối tuần, Walter Mitty lái xe chở vợ vào thị trấn để mua sắm và ghé qua các cửa hàng làm đẹp. Trong khi chờ đợi vợ, ông đã mơ mộng đến những phân cảnh anh hùng vốn chẳng xảy ra trong cuộc đời mình.
Có lúc Walter Mitty là phi công của đội tàu bay hải quân Mỹ đang phải vượt qua một cơn bão nhiệt đới khủng khiếp trên biển. Khi thì là bác sĩ phẫu thuật thiên tài đang thực hiện một ca phẫu thuật chỉ có một lần trong đời. Hoặc sát thủ đang bị điều trần trước tòa án, hoặc một viên phi công Hoàng gia tình nguyện tham gia nhiệm vụ cảm tử để đánh bom vùng chiến sự.
Tác phẩm The Secret Life of Walter Mitty của James Thurber. |
Mỗi giấc mộng của Walter thường xuất phát từ vài chi tiết có thực xảy đến với ông. Khi vợ than phiền vì ông lái quá nhanh, ông đã nghĩ mình thực chất đang vượt qua cơn giông bão. Khi đeo găng tay để giữ ấm và lái xe qua bệnh viện, ông thấy mình như bác sĩ phẫu thuật thực thụ.
Cảnh tòa án xuất hiện trong tâm trí Walter khi ông đang cố nhớ lại những thứ vợ dặn mình phải mua thì cậu bé bán báo đi qua với lời giới thiệu về vụ phán xét Waterbury 1938. Trong lúc ngồi chờ vợ ở tiệm làm tóc, ông đã rút một tờ Liberty ra và đọc được bài viết với tựa đề “Liệu người Đức có thể thống trị thế giới bằng không quân?”.
Walter Mitty chỉ trở về thế giới thực khi vợ bước ra khỏi tiệm nhưng lại quên thứ gì đó và bảo ông đợi một phút. Ông đứng dựa lưng vào tường, châm điếu thuốc và nhìn những hạt mưa bắt đầu rơi trên hè phố.
Kiệt tác đến từ một trí tưởng tượng tuyệt vời
The Secret Life of Walter Mitty là truyện ngắn nổi tiếng nhất của họa sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch James Thurber. Truyện được đăng tải lần đầu trên tờ The New Yorker ra ngày 18/3/1939 và được đưa vào đầu tiên trong tập truyện My World and Welcome to It của Thurber xuất bản năm 1942. Tác phẩm sau này được in lại trong tập James Thurber: Writings and Drawings phát hành năm 1996.
The Secret Life of Walter Mitty được coi là một trong những kiệt tác của James Thurber và được xếp vào một trong những truyện ngắn hay nhất của văn học Mỹ. Tác phẩm của Thurber nổi tiếng đến mức cái tên Walter Mitty và cụm từ “Mittyesque” đã được sử dụng rộng rãi trong tiếng Anh, nhằm để chỉ những người dành nhiều thời gian mơ mộng giữa ban ngày hơn là chú ý đến đời sống thực.
Nhà báo, nhà văn James Thurber. |
Trong cuốn sách The Man Who was Walter Mitty: The Life and Work of James Thurber xuất bản năm 2001, tác giả Thomas Fensch đã cho rằng nhân vật Walter Mitty được xây dựng phần lớn dựa trên chính bản thân James Thurber. Điều này đồng nhất với những gì Thurber đã tự miêu tả về trí tưởng tượng của mình khi chỉ nhìn vào cuộc sống bằng “tầm nhìn hai phần năm” trong cuốn The Admiral on the Wheel của ông.
Nhà thần kinh học V.S. Ramachandran thậm chí còn cho rằng Thurber có thể đã có hội chứng Charles Bonnet, một tình trạng thần kinh gây ảo giác sống động và kỳ lạ ở những bệnh nhân mù. Khi mới lên 7, cậu bé James đang chơi với anh em của mình thì vô tình bị một mũi tên bắn vào mắt. Thurber sau đó đã mù một mắt, và những chấn thương để lại sau này khiến ông suýt mù cả con mắt còn lại. Và như để bù lại cho thị lực suy yếu, ông có trí tưởng tượng tuyệt vời về thế giới xung quanh mình.
Truyện ngắn The Secret Life of Walter Mitty không chỉ nổi tiếng nhờ nội dung độc đáo và tính nghệ thuật truyền tải đến bạn đọc, mà còn được biết đến rộng rãi nhờ hai bộ phim chuyển thể cùng tên năm 1947 và năm 2013. Nhưng điều thú vị hơn cả là không có bộ phim nào có kịch bản giống với cốt truyện ban đầu của James Thurber.
“Đừng mơ mộng nữa, hãy bắt đầu sống đi!”
Trong bản phim năm 1947, Walter Mitty là biên tập viên của công ty xuất bản nhỏ. Nhờ vào những câu chuyện anh đọc hàng ngày, kèm theo đó là sự bức bối đến từ những người xung quanh anh như người mẹ hách dịch, ông sếp lừa đảo chuyên đi cướp ý tưởng và vị hôn thê ngốc nghếch, Walter bắt đầu mơ mộng mình là phi công đang chiến đấu trong một trận đánh ác liệt.
Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi Walter tình cờ gặp được một người phụ nữ bí ẩn hoàn toàn giống với những gì anh tưởng tượng trong những giấc mơ của mình. Tự nhận thấy mình không thể theo đuổi người phụ nữ ấy nếu cứ mãi sống hai cuộc đời như vậy, Walter bắt đầu đứng dậy và giành lại tự do cho chính mình.
Dù bộ phim gặp nhiều rắc rối khi gặp phải nhiều sự phản đối của chính tác giả James Thurber nhưng sau đó đều nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn. Năm 2008, tạp chí Empire đã xếp bộ phim The Secret Life of Walter Mitty của đạo diễn Norman Z. McLeod trong top 500 bộ phim hay nhất mọi thời đại.
Hai bộ phim chuyển thể của The Secret Life of Walter Mitty. |
Bản phim năm 2013 của Ben Stiller lại là câu chuyện về một Walter Mitty suốt ngày mơ mộng sắp bị sa thải vì đánh mất bức ảnh số 25 đã được chỉ định là ảnh bìa của cuốn tạp chí Life cuối cùng trước khi chuyển sang dạng tạp chí số. Là nhân viên mẫn cán của Life, đồng thời để gây ấn tượng với đồng nghiệp nữ anh thầm mến, Walter bước vào cuộc hành trình từ Âu sang Á để đi tìm người nhiếp ảnh gia đã chụp bức ảnh chứa đựng “tinh hoa của cuộc đời”.
Với những cảnh quay tuyệt đẹp và phần nhạc phim cuốn hút, The Secret Life of Walter Mitty của Ben Stiller nhắc chúng ta nhớ về ranh giới mong manh giữa mộng mơ và thực tế, giữa suy nghĩ và hành động. Liệu chúng ta sẽ chấp nhận ngắm nhìn cuộc sống bình lặng trông qua hay sẽ đứng dậy, trải nghiệm và nhận ra cuộc đời này thật đáng sống?
Dù không trung thành với nguyên tác, nhưng cả hai bộ phim đều truyền tải những thông điệp xa hơn so với ý tưởng ban đầu của Thurber. Cuộc sống này còn gì là thú vị nếu như tất cả chuyện hay ho chỉ xảy ra trong đầu. Vì vậy, hãy đứng dậy và biến nó thành hiện thực. Đừng mơ mộng nữa, hãy bắt đầu sống đi!