Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Jimmy Liao và hành trình dệt giấc mơ bằng sắc màu

Sáng tạo cũng có nghĩa là bạn đặt ra thách thức cho chính mình, rằng bạn cũng sẽ không lựa chọn việc sáng tạo ra một cái gì đó nếu nó quá dễ dàng.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 1

Sáng tạo cũng có nghĩa là bạn đặt ra thách thức cho chính mình, rằng bạn cũng sẽ không lựa chọn việc sáng tạo ra một cái gì đó nếu nó quá dễ dàng.

Jimmy Liao là tác giả người Đài Loan, ông làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và vẽ minh họa nhiều năm trước khi bắt đầu sáng tác tranh truyện (picturebooks) từ năm 1998, khi bước vào tuổi 40.

Ông là một trong những tác giả tiên phong cho phong trào viết truyện tranh cho người lớn. Những tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... và được chuyển thể thành kịch truyền thanh, phim truyện nhựa, phim truyền hình.

Năm 2007, Jimmy Liao được kênh Discovery bình chọn là 1 trong 6 nhân vật kiệt xuất của Đài Loan. Những tác phẩm của Jimmy Liao đã được xuất bản bằng tiếng Việt như: Nàng rẽ trái, Chàng rẽ phải; Hòn đá xanh; Âm thanh của sắc màu; Nụ hôn từ biệt; Ôi, tình yêu. Tất cả đều là những tác phẩm đầy sức hút và khơi gợi sức sáng tạo mạnh mẽ.

Dưới đây là lời tự sự của chính Jimmy Liao kể về chặng đầu tiên trong hành trình phiêu lưu vào thế giới tranh truyện của ông – nơi độc giả có thể chứng kiến sự khởi nguyên và trỗi dậy của sáng tạo, sắc màu và những giấc mơ – với tác phẩm đầu tay Secrets in the Woods (1998) và The Starry Starry Night (2009) - một tác phẩm ra đời sau đó mười năm.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 2

Tôi bắt đầu sáng tác khi đã bốn mươi tuổi. Secrets in the Woods (Bí mật trong khu rừng) là cuốn sách đầu tiên của tôi. Khi khởi sự, tôi thậm chí không chắc lắm sáng tác là thế nào.

Dù đã luôn luôn dành một sự quan tâm lớn tới phương diện sáng tác, song tôi chưa từng nghĩ mình có thể làm một cuốn sách của riêng mình. Mặc dù đôi lúc mọi người cũng gợi ý tôi làm điều đó, song bản thân tôi vẫn luôn do dự vì e ngại, cảm thấy mình không đủ khả năng để bước vào địa hạt đó. Song, trong sâu thẳm, tôi luôn ngưỡng vọng những nhà văn và tác phẩm đã xuất bản thành công – đặc biệt là những tác giả sáng tác tranh truyện (picturebooks) và tác phẩm của họ.

Một cơn bạo bệnh đã thay đổi cách suy nghĩ của tôi về nhiều điều. Vào đầu hè năm 1997, một nhà xuất bản đề nghị tôi xuất bản một tác phẩm. Đó là lần đầu tiên tôi cho phép mình nói “đồng ý”. Trong thâm tâm, tôi muốn để lại cho gia đình tôi những kỷ vật về sự tồn tại của mình. Vậy là tôi tập hợp lại tất cả những bức tranh trước đó và trải chúng ra trên bàn.

Nhưng tôi nhận ra, chẳng cái nào trong số chúng có thể làm thỏa mãn chút gì đó khát vọng sáng tạo đang cháy âm ỉ trong trái tim tôi. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy rằng mình có quá nhiều điều để nói. Và tôi quyết định bắt đầu một tác phẩm mới.

Khởi đầu một câu chuyện luôn luôn là phần khó khăn nhất. Trong quá trình dò dẫm tìm tòi đầy bối rối, có một bức vẽ nhỏ đã chạm được đến tôi.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 3

Năm 1996, tôi giúp ông Hsiao Yeh minh họa cho một mục đăng trên phụ lục nhật báo. Sau khi báo được phát hành, tất cả bạn bè tôi đều bảo rằng họ thích minh họa đó. Tôi nhìn đi nhìn lại bức vẽ, mơ hồ cảm thấy rằng có một câu chuyện đang ẩn giấu trong đó. Tôi đã vẽ một bức tranh lớn hơn dựa vào bức vẽ nhỏ đó.

Từng chút một, tôi bắt đầu nghĩ:

Cô gái nhảy những bước nhẹ nhàng xuyên qua khu rừng này là ai? Cô ấy từ đâu đến? Những bậc thang dưới bước chân đưa cô gái đến đâu? Cô có một mình đơn độc không? Hay có bầu có bạn? Có cơn gió chiều thổi tới hay cơn mưa lây phây buổi đêm không? Sao cô gái nhỏ ấy lại chơi một mình trong khu rừng? Nhà và gia đình của cô ấy đâu? Cô ấy vui vẻ không? Hay buồn bã? Phải chăng có cô đơn?

Từ bức tranh đơn lẻ ấy, một chuỗi những câu hỏi nảy ra gỡ dần từng mối nối. Mỗi sáng, tôi ngồi lặng yên bên bàn làm việc trước cửa sổ, nhẫn nại tìm kiếm dòng mạch câu chuyện về cô gái. Với mỗi câu trả lời có được, tôi có một bức tranh. Đôi khi, một ngày sẽ trôi quá như thế. Cũng có khi, hai ngày sẽ trôi qua như thế. Và có khi, cả một tuần sẽ trôi qua như thế.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 4

Chỉ sau khi đã hoàn thành một bức vẽ, tôi mới chuyển sang bức tiếp theo. Tôi không có một cấu trúc câu chuyện đã được định hình trước, cũng không có một mở đầu hay kết thúc được sắp đặt sẵn. Tôi đơn giản là đi theo chuỗi kết quả của những bức tranh, bức này nối sau bức kia và tiếp biến.

Ba tháng sau, tôi hoàn thành bộ 32 bức tranh cho một cuốn sách.

Tháng Sáu, mang tác phẩm hoàn thiện tới nhà xuất bản, tôi đinh ninh: Rõ ràng là những bức tranh đó kể một câu chuyện, và vì vậy tôi chẳng cần nghĩ đến việc soạn chữ cho nó. Song, biên tập viên lại muốn tôi đưa chữ vào để người đọc có thể hiểu được câu chuyện một cách rõ ràng hơn.

Tôi hiếm khi sử dụng ngôn từ khi biểu hiện ý tưởng của mình. Đối với tôi, viết là một cái gì đó khó khăn. Tôi đến hiệu sách và mua rất nhiều những tuyển tập thơ, với hy vọng rằng chúng có thể gợi ý cho tôi đôi điều để viết. Nhưng tất cả đều vô ích, tôi vẫn chẳng tìm ra ý tưởng nào cả.

Thế rồi sau đó, tình cờ, tôi gặp cô Jen-Mei Lin. Jen-Mei là một chuyên gia và người kỳ cựu trong mảng văn học dành cho trẻ em, cô thường xuyên thúc đẩy những hoạt động đọc sách của cha mẹ và con cái bằng cách tổ chức nhiều những nhóm đọc.

Cô dạy trẻ cách xem tranh, cách nghe những câu chuyện và đọc lên thành tiếng để trải nghiệm nhịp điệu phong phú và các độ trầm bổng của âm thanh. Cách này có thể khiến trẻ em tìm thấy niềm vui thích từ việc đọc truyện tranh. Điều đó cũng mang lại cho tôi một nguồn cảm hứng rất lớn. Bởi không thể viết, có lẽ tôi nên kể lại câu chuyện thành tiếng.

Tôi ngồi ở bàn làm việc mỗi ngày và trong khi xem những bức tranh của mình, tôi lặp lại những ngôn từ nảy ra trong lòng, lặp đi lặp lại, và rồi chuyển chúng thành những mẩu viết nhỏ. Mỗi ngày, tôi bắt đầu bằng cách đọc lại câu đầu tiên, cứ thế đi tới những câu tiếp theo, cứ như vậy và tiến về phía trước, cho đến khi tôi thậm chí ghi nhớ lời kể của toàn bộ câu chuyện. Tôi sử dụng phương pháp liên hoàn để vẽ những bức tranh và phương pháp lặp lại để viết. Theo cách này, tôi đã hoàn thành cuốn sách đầu tiên của mình.

Trong suốt quá trình viết và kể lại đó, vợ tôi là một “nạn nhân” của tôi. Không chỉ chịu đựng chuỗi lời nói và âm thanh điên rồ lặp đi lặp lại cả ngày, cô ấy còn chăm sóc tôi, cho tôi những lời khuyên và giúp tôi hiệu chỉnh. Nếu không có sự ủng hộ và giúp đỡ của cô ấy, quá trình sáng tạo của tôi sẽ không tới đích nhanh đến vậy.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 5

Sau khi cuốn sách được xuất bản, một số người hỏi tôi: “Tại sao cuốn sách lại dùng tranh đen trắng?”

Thực ra, khi khởi sự vẽ những bức tranh, tôi xuất phát rất rón rén và dồn công sức vào từng nét vẽ, bởi tôi sợ rằng một sai sót sẽ phá hỏng tất cả. Khi bản nháp đầu tiên hoàn thành, bức vẽ nom rất thuần khiết, nó giàu sức mạnh hơn tôi tưởng. Tôi lo lắng rằng bất cứ màu sắc nào cũng khiến nó thành dư thừa, rườm rà. Hơn nữa, câu chuyện bản thân nó đã có chút gì đó tĩnh lặng và huyền bí. Vì vậy tông đen trắng sẽ để lại một khoảng trống cho trí tưởng tượng.

Nhiều người khác lại hỏi tôi: “Thế rốt cuộc, câu chuyện muốn nói điều gì?”

Về câu hỏi này, bản thân tôi thậm chí cũng không chắc lắm. Tôi chỉ vẽ những bức tranh trong tim tôi. Nó giống như một giấc mơ và một lời tiên đoán; nó là khung cảnh mà tôi đã chờ đợi xuất hiện vào mỗi buổi sáng; nó có thể tượng trưng cho điều tôi đã khao khát trong suốt đời mình cho đến lúc đó; nó có thể là một khung hình của những kí ức tuổi thơ; nó cũng có thể là hình ảnh tương lai về con gái bé nhỏ của tôi.

Khi tôi đọc lại, tôi cảm thấy một dư vị của nỗi buồn. Bởi rất nhiều điều trong đời cứ thế trôi đi trước khi chúng ta có cơ hội để nói lời tạm biệt với chúng. Cuối cùng đến một lúc nào đó, tôi sợ rằng tôi sẽ ra đi trước khi có cơ hội để nói lời tạm biệt với những người xung quanh tôi.

Biết ơn và may mắn làm sao, cuốn sách đầu tiên của tôi cũng là lúc hành trình sáng tạo của tôi khởi hành.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 6

Một ngày nọ, có một mục tin tôi đọc được thế này: Hai học sinh trung học ở miền nam lên kế hoạch trốn khỏi nhà. Chúng chạy xe mô-tô và đi đó đi đây. Chúng vui vẻ với nhau suốt ngày và đến đêm thì ngủ trong những lều lán, trường học hay đền chùa miếu mạo nào tìm được.

Rồi thì bố mẹ chúng báo cho cảnh sát, sau đó vài ngày họ đã tóm được chúng và đưa về nhà. Cha mẹ của mỗi đứa đều đổ hết tội lỗi cho đứa kia. Cha mẹ của cô gái thì bắt cô phải đi khám và yêu cầu sự đền bù từ phía gia đình cậu thiếu niên. Song những đứa trẻ nói rằng chúng chẳng làm gì sai cả; tất cả những gì chúng làm chỉ là bầu bạn cùng nhau và đi thăm thú rừng biển, thế thôi.

Khi đọc mẩu tin đó ở Đài Bắc, tôi đã trở nên ủy mị và xúc động. Tôi muốn tin rằng chúng thành thực, rằng tất cả những gì chúng muốn chỉ là cùng nhau trải qua những ngày tháng vô cùng thuần khiết và trong trẻo. Những ngày tươi sáng, rạng rỡ và sáng trong tựa pha lê ấy dường như sẽ trở thành những tháng ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời những thiếu niên?

Tôi chưa từng trốn khỏi nhà. Tôi đã từng là một đứa trẻ dại dột và nhút nhát, và đó là lí do vì sao tôi muốn để những cô cậu thiếu niên trong cuốn tranh truyện của tôi “cao chạy xa bay”. Vâng, tôi muốn để chúng làm một cuộc đào tẩu thật lớn lao!

Bữa đó, tôi đến studio của mình, gác sang một bên những việc lặt vặt khác, và tôi khởi động kế hoạch đào thoát của những thiếu niên ấy. Nhưng chúng sẽ đi đâu? Tôi vẫn chưa biết. Cứ để chúng chạy, và phần còn lại của câu chuyện sẽ đến sau.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 7

Một tháng sau, tôi đã vẽ được khá nhiều bức tranh về cuộc chạy trốn của hai thiếu niên. Nhưng tôi buộc phải “treo” tác phẩm lại.

Tôi cần quay trở lại điểm bắt đầu và sắp xếp một cách cẩn thận: Tại sao chúng chạy trốn? Tại sao chúng đi cùng nhau? Chúng đi cùng nhau như thế nào? Chúng là bạn cùng lớp? Hay gia cảnh tương tự nhau? Cha mẹ chúng làm gì? Mối quan hệ giữa chúng với cha mẹ ra sao? Cảnh huống nào khiến chúng đưa ra quyết định chạy trốn? Chúng muốn đi đâu? Điều gì diễn ra sau khi hành trình của chúng kết thúc và chúng quay về nhà? Chúng thu lượm được điều gì trong chuyến đi “bão” ấy?

Một câu hỏi sẽ dẫn lối cho những câu hỏi khác, cuối cùng sẽ có một chung cục cho chuỗi những câu hỏi. Tôi không có lựa chọn nào khác là trả lời mỗi câu hỏi trước khi chúng được tiếp diễn bởi những câu hỏi sau đó.

Một bức vẽ tiếp sau và là kết quả của những bức vẽ trước đó. Một bước chuyển dẫn theo những bước chuyển khác và cũng là kết quả của rất nhiều những bước chuyển trước đó.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 8

Vài năm trước, đạo diễn Vương Gia Vệ có nói với tôi: “Công việc đạo diễn là gỡ mọi nút thắt.” Để trở thành một người sáng tạo, chúng ta phải giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan đến tác phẩm của chúng ta.

Quá trình sáng tác The Starry Starry Night cũng tương tự như thế: 10 bức tranh được vẽ trong năm đầu tiên; 10 bức tranh tiếp theo được vẽ trong năm thứ hai. Về sau, mức độ khó khăn dần dần tăng lên.

Sau rất nhiều cân nhắc, tôi vẫn không thể tìm ra cách để đẩy diễn biến câu chuyện đi tiếp sau 20 bức tranh đó. Tôi đành phải dừng lại và suy ngẫm, chuyển sự chú ý sang những cuốn sách khác và tạm thời đặt câu chuyện khúc mắc này sang một bên. Tôi có vài dự án khác cần hoàn thành và cần chuẩn bị cho nó. Việc một quá trình sáng tạo gặp khó khăn và không chạy được trơn tru liền mạch là điều khó tránh khỏi.

Đó là một trải nghiệm về sự trở ngại; đó cũng là một thử thách.

Từ lúc chấp nhận sự thật rằng: sáng tạo cũng có nghĩa là bạn đặt ra thách thức cho chính mình, rằng bạn cũng sẽ không lựa chọn việc sáng tạo ra một cái gì đó nếu nó quá dễ dàng; thì tức là bạn đã phải chấp nhận đương đầu với thử thách bất cứ lúc nào.

Khi tôi nhìn lại những dự án mà tôi bỏ lửng giữa chừng, tôi luôn ước rằng mình có một cơ hội khác để đối mặt với thách thức và hoàn thành nó. Nhưng khi khó khăn tìm đến, đôi lúc điều duy nhất bạn có thể làm là: dừng lại. Nếu bạn tiếp tục và sa lầy vào đó, bạn sẽ không thể vượt qua được trở ngại và để vẽ thêm những bức tranh khác vào lúc đó là một điều quả thực khó khăn.

Khi ấy, việc tốt nhất nên làm là chuyển qua một dự án khác. Một thời gian sau đó, khi có một cảm xúc và một cái nhìn khác, bạn có thể quay lại dự án cũ. Có lẽ, bạn có thể tích lũy thêm những trải nghiệm mới hoặc phát triển một hướng giải quyết khác cho công việc và tác phẩm của bạn. Với cách nhìn khác đi đó, bạn có thể đạt được bước chuyển biến sáng tạo hơn.

Tôi dành phần lớn năm thứ ba của mình để tiếp tục với The Starry Starry Night khi ảnh hưởng của Van Gogh, cũng như của Magritte, ập đến.

Jimmy Liao va hanh trinh det giac mo bang sac mau anh 9

Vào năm thứ tư, ý tưởng cơ bản cho cuốn sách của tôi đã thành hình. Cùng lúc đó, tôi cũng làm việc với nhiều cuốn sách khác. Mỗi lúc tôi cảm thấy rằng mình không thể đi tiếp thì một cú hích mới đột nhiên đến và một mạch nguồn mới được khơi ra. Và thế là nhân vật người ông xuất hiện. Rất nhiều chi tiết, tình tiết và điểm thắt nút khác cũng tham gia vào sự hình thành nên đường dây câu chuyện.

Tôi nhìn lại cuốn sách sau khi nó được hoàn thành. Câu chuyện cảm giác như lỏng lẻo, nhưng tất cả những gì cuốn sách toát ra từ tranh vẽ cho đến truyện kể lại là một sự lao động cực kỳ vất vả, chặt chẽ và nghiêm cẩn. Đối với tôi, thật khó để giải thích vì sao một câu chuyện đơn giản là thế lại ngốn mất quá nhiều thời gian sáng tác như vậy.

Đối với tôi, câu chuyện dường như logic theo cái cách mà tôi cảm thấy vốn dĩ nó phải như vậy. Sau cùng thì nó không có những sự quanh co khúc khuỷu như mong đợi, cũng không có tình tiết đột biến hay giật gân nào. Nói đúng hơn thì, nó chẳng có sự khó khăn hay thương tổn nào cả. Tôi chỉ muốn thò một ngón tay con tạo vào để rồi từ đó có thể thấu rõ về sự giằng co giữa sự sống và cái chết.

The Starry Starry Night rốt cục là một câu chuyện về nỗi buồn và sự im lặng, sự can đảm và tình yêu; được nhà xuất bản Locus cho ra mắt năm 2009 tại Đài Loan.

Jimmy Liao - Người kể chuyện tài tình bằng hội họa

Với những nét vẽ tinh tế mà đầy cá tính cùng cách phối màu đầy sáng tạo, những cuốn truyện tranh của Jimmy Liao đã chạm tới trái tim của hàng triệu động giả trên khắp thế giới.

Thiên Linh Linh (dịch)

Đồ hoạ: Châu Vũ

Bạn có thể quan tâm