Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đối thủ mà bà Clinton cần dè chừng khi tranh cử

Dù được xem là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, bà Hillary Clinton không được phép chủ quan vì phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ mạnh.

Ba ứng viên đã xác nhận tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016: thượng nghị sĩ Rand Paul, bà Hillary Clinton, thượng nghị sĩ Ted Cruz. Ảnh: ABC
Ba ứng viên đã xác nhận tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016: thượng nghị sĩ Rand Paul, bà Hillary Clinton, thượng nghị sĩ Ted Cruz. Ảnh: ABC

Điểm mặt đối thủ của bà Clinton

Những người đã chính thức tuyên bố tham gia bầu cử tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton (đảng Dân chủ), các thượng nghị sĩ Ted Cruz, Rand Paul và Marco Rubio (đều thuộc đảng Cộng hòa).

Ông Cruz là người đầu tiên xác nhận tham gia cuộc đua vào ngày 23/3. Ông đã xuất hiện trên các chương trình truyền hình để vận động tranh cử, cũng như tiếp xúc trực tiếp với cử tri tại các bang New Hampshire và Iowa. Bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra tại các bang này trước tiên vào đầu năm 2016.

Thượng nghị sĩ Paul là đối thủ mạnh của ông Cruz trong đảng Cộng hòa. Ông đã 3 năm liền chiến thắng tại một cuộc thăm dò không chính thức của Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC). Những người chiến thắng các cuộc thăm dò này đều trở thành ứng viên cuối cùng do đảng Cộng hòa đề cử, như ông Mitt Romney, các cựu tổng thống George W. Bush và Ronald Reagan.

Thượng nghị sĩ Rubio đại diện cho bang Florida. Ông là người Mỹ gốc Cuba, thường xuyên chỉ trích gay gắt những chính sách của Tổng thống Obama, đặc biệt về luật nhập cư và chính sách đối ngoại với Cuba. Nếu đắc cử, ông Rubio sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử khi trở thành tổng thống gốc Nam Mỹ đầu tiên.

Bà Clinton, ứng viên nhận được nhiều sự quan tâm nhất, xác nhận tham gia tranh cử qua một video đăng ngày 12/4. Theo tờ New York Times, bà Clinton đã xây dựng hoạt động tranh cử quy mô nhất so với bất kỳ đối thủ tiềm năng nào. Robby Mook, chuyên gia trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton năm 2008, tiếp tục sát cánh cùng cựu ngoại trưởng Mỹ trong cuộc đua lần này.

Những đối thủ của bà Clinton trong đảng Dân chủ gồm cựu thống đốc bang Maryland Martin O'Malley, cựu thống đốc bang Rhode Island, Lincoln Chafee và cựu thượng nghị sĩ Jim Webb. Ông Webb là người đầu tiên trong cả hai chính đảng thành lập ủy ban thăm dò cơ hội tranh cử.

Trong khi đó, danh sách ứng viên tiềm năng ở đảng Cộng hòa đông đảo hơn. Những gương mặt nổi bật nhưng chưa xác nhận tranh cử gồm cựu thống đốc bang Florida, ông Jeb Bush (cũng là em trai cựu tổng thống George W.Bush), thống đốc bang Wisconsin Scott Walker, thống đốc bang New Jersey Chris Christie...

Kể từ khi rời chức ngoại trưởng Mỹ vào năm 2013, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, theo khảo sát của Huffington Post. Ảnh:HP
Kể từ khi rời chức ngoại trưởng Mỹ vào năm 2013, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, theo khảo sát của Huffington Post. Ảnh: HP

Cơ quan thăm dò dư luận tại đại học Quinnipiac, một trong những đơn vị thăm dò uy tín ở Mỹ, đã khảo sát thái độ của cử tri tại các bang quan trọng như Colorado, Iowa và Virginia. Kết quả công bố ngày 9/4, cho thấy đối thủ Paul đang dẫn điểm trước bà Clinton rất sít sao.

Tại các bang như Iowa và Colorado, ông Paul vượt bà Clinton từ 1 đến 3 điểm trong cuộc khảo sát ngày 9/4. Tuy nhiên, nữ cựu ngoại trưởng Mỹ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại bang Virginia, bỏ xa đối thủ tiềm năng của đảng Cộng hòa là ông Jeb Bush đến 7 điểm.

Theo một khảo sát của NBC Wall Street Journal thực hiện hồi tháng trước, 51% dân Mỹ nói bà Clinton "hiện diện cho sự trở lại của những chính sách trong quá khứ", 44% cho rằng bà Clinton "sẽ đưa ra những sáng kiến và tầm nhìn mới cho đất nước".

Hillary Clinton cần làm gì để trở thành nữ tổng thống Mỹ?

Cựu ngoại trưởng Clinton cần tận dụng lợi thế của những lần tranh cử trước, đồng thời duy trì sự ủng hộ từ cử tri nữ, để giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Các nghị sĩ Cộng hòa lập luận rằng, bỏ phiếu cho bà Clinton giống như trao tặng nhiệm kỳ 3 cho Tổng thống Barack Obama vì hai người là một bộ đôi ăn ý.

Theo trang NBC, bà Clinton dường như đang đi theo mô hình của ông Obama để giành sự ủng hộ. Ông Obama chiến thắng năm 2008 và 2012 nhờ vào kết quả từ các bang Colorado, Florida, Nevada, Ohio và Virginia, cùng sự ủng hộ của các cử tri không phải người da trắng và từ các nhóm thiểu số.

Tuy nhiên, bà Clinton khó lòng lôi kéo cử tri ở các bang Arkansas và Kentucky, vốn là thành trì của chồng bà năm xưa. Người dân ở khu vực miền nam đã theo đảng Cộng hòa từ sau chiến thắng của ông Bill Clinton.

Nước Mỹ được gì nếu bà Clinton đắc cử?

Video thông báo tranh cử của bà Clinton mang đậm màu sắc dân túy. Đoạn video phát những cảnh sinh hoạt hàng ngày của người dân Mỹ, gồm đủ mọi thành phần và sắc tộc, nói lên ước mơ, nguyện vọng của họ. Phải sau 90 giây, bà Clinton mới xuất hiện và cam kết nỗ lực đấu tranh để bảo đảm tương lai kinh tế cho những người dân bình thường.

"Người dân Mỹ luôn cần có một người bảo vệ. Tôi muốn trở thành người bảo vệ như vậy", bà Clinton nói.

Bà Clinton xuất hiện trong video thông báo tranh cử. Ảnh cắt từ clip
Bà Clinton xuất hiện trong video thông báo tranh cử. Ảnh cắt từ clip

Sau lời hứa mang lại giấc mơ Mỹ cho "tầng lớp trung lưu bị lãng quên" của ông Bill Clinton khi tranh cử năm 1991, bà Hillary đã thay đổi thông điệp trong video tranh cử. Đội ngũ cố vấn của bà không tiếp tục sử dụng cụm từ "tầng lớp trung lưu" vì cho rằng nó không còn bảo đảm về một cuộc sống ổn định, theo Washington Post. Thay vào đó, họ sử dụng cụm từ "mọi người Mỹ bình thường".

Bà Clinton vẫn chưa tuyên bố cụ thể về các chính sách kinh tế. Tuy nhiên, những nguồn tin thân cận cho biết bà sẽ ủng hộ tăng lương tối thiểu, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, lấp kín những lỗ hổng thuế mà doanh nghiệp đang lợi dụng, theo New York Times.

Về chính sách đối với người nhập cư, bà Clinton ủng hộ Tổng thống Obama sử dụng đặc quyền hành pháp trong vấn đề này. "Đây là điều cần thiết trong bước đầu sửa chữa hệ thống nhập cư của chúng ta, chú trọng nguồn lực vào việc trục xuất những kẻ tội phạm chứ không phải các gia đình", bà Clinton nói.

Những lần tới Việt Nam của bà Hillary Clinton

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Việt Nam 4 lần trên những cương vị khác nhau từ năm 2000 đến nay.

Cuộc đời và con đường chính trị của bà Hillary Clinton

Việc cựu ngoại trưởng Hillary Clinton dự kiến thông báo kế hoạch tranh cử tổng thống năm 2016 tiếp tục khẳng định hoài bão chính trị của người phụ nữ ảnh hưởng bậc nhất nước Mỹ.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm