Nữ chính trị gia của những cái nhất
Hillary Clinton giữ chức ngoại trưởng Mỹ từ ngày 21/1/2009 đến 1/2/2013. Ảnh: AP |
Hillary Rodham Clinton là cựu ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến 2013. Trước đó, bà từng là thượng nghị sĩ, đại diện cho tiểu bang New York từ năm 2001 đến 2009.
Bà kết hôn với cựu tổng thống Bill Clinton và trở thành đệ nhất phu nhân từ năm 1993 đến 2001. Năm 2006, bà đứng ở vị trí thứ 18 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.
Hillary sở hữu nhiều cái nhất trên chính trường: đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Mỹ được bầu vào thượng viện hay ngoại trưởng công du nhiều quốc gia nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Theo New York Times, trong nhiệm kỳ 4 năm đứng đầu Bộ Ngoại giao, bà đã công du 112 nước và đi gần 1,6 triệu km nhằm triển khai chính sách đối ngoại. Clinton hiện diện ở hầu hết mọi khu vực trên thế giới.
Mạnh mẽ trên chính trường
Bà Hillary tại lễ ra mắt cuốn Những lựa chọn khó khăn hồi năm 2014. Ảnh: New York Daily News |
Trong hồi ký Hard Choices (tạm dịch: Những lựa chọn khó khăn) về 4 năm giữ cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Hillary viết: “Điều duy nhất không bao giờ trở thành lựa chọn khó khăn đối với tôi là phục vụ đất nước. Đó là niềm vinh hạnh lớn nhất trong cuộc đời tôi”.
Hillary từng nói rằng, lý tưởng của đời bà là tăng quyền cho phụ nữ: “Thật điên rồ khi một chính quyền cố xây dựng nền kinh tế vững mạnh hoặc nền dân chủ ổn định, nhưng lại đối xử với phân nửa nhân dân như công dân hạng 2, hoặc tệ hơn nữa, như một chủng loại khác".
Trong diễn văn tại Hội nghị Vital Voices ở thành phố Vienna (Áo) tháng 11/1997, Hillary nói: "Chúng ta có mặt ở đây để đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, đẩy mạnh nền dân chủ và khẳng định rằng 2 điều này không thể tách rời nhau".
Trước những nỗ lực đòi quyền bình đẳng cho giới nữ, 66% phụ nữ tại Mỹ ủng hộ bà Hillary trên con đường chạy đua tới Nhà Trắng năm 2016, theo Business Insider.
Năm 1998, để thể hiện quan điểm đứng về phía chồng, bà Hillary cho biết: “Nếu ai đang muốn tìm kiếm đề tài, viết bài và khai thác thì đề tài tuyệt vời ở đây chính là âm mưu to lớn của phe cánh hữu. Họ vẫn luôn mưu hại chồng tôi từ ngày anh ấy tuyên bố tranh cử tổng thống”.
“Hillary rất mạnh mẽ, nếu không có bà ấy, ông Clinton có lẽ đã không trở thành tổng thống", Bernard Nussbaum, cố vấn Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton, nhận định.
Bà Hillary Clinton được coi là ứng viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Ảnh: AFP |
Sự mạnh mẽ của Hillary tiếp tục thể hiện rõ trong cuộc tranh luận năm 2000 tại cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ. Bà thể hiện bản lĩnh khi chủ động đề nghị ký cam kết chống lại hoạt động quyên góp "tiền mềm" phục vụ tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Rick Lazio. "Tôi sẽ rất vui nếu ông đưa tờ cam kết để tôi ký vào đó", bà thẳng thắn nói.
Năm 2008, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, bà Hillary chia sẻ chân thành: "Bạn biết không, tôi có rất nhiều cơ hội từ đất nước này và tôi không muốn chúng ta đi giật lùi".
Clinton đã tạo nên dấu ấn riêng khi đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng Mỹ trong nội các của ông Obama, theo Abc News. Bà đã tích cực hàn gắn các quan hệ bị đổ vỡ vì chiến tranh tại Afghanistan và Iraq và cổ vũ chính sách xoay trục tại châu Á - Thái Bình Dương.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất trên thế giới là hòa bình bền vững", trích cuốn 'Những lựa chọn khó khăn'.
Mềm mỏng trong hôn nhân
“Hillary rất mạnh mẽ, nếu không có bà ấy, ông Clinton có lẽ đã không trở thành tổng thống”, Bernard Nussbaum, cố vấn Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton, nhận định. Ảnh: AP |
Là một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, bà từng chịu đựng búa rìu dư luận và vượt qua thị phi trong các vụ bê bối tình ái của chồng.
Trong một chương trình phỏng vấn trên truyền hình năm 2012, khi được hỏi về mối quan hệ 12 năm của ông Bill Clinton với Gennifer Flowers, một phụ nữ ở bang Arkansas, bà Hillary nói dõng dạc: "Tôi không ngồi đây chỉ vì một người phụ nữ nào đó đứng bên cạnh người đàn ông của tôi và nói điều gì đó. Tôi ở đây vì tôi yêu và tôn trọng anh ấy".
Tuy nhiên, trong vụ bê bối tình ái chấn động chính trường Mỹ giữa Bill và Monica Lewinsky, cô thực tập sinh của Nhà Trắng, Clinton từng thừa nhận đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc hôn nhân giữa bà và chồng.
Khi mọi chuyện vỡ ra, cuối cùng bà chọn cách tha thứ.
"Tha thứ là một sự chọn lựa. Tôi hoàn toàn tôn trọng những người không chọn cách đó, có thể do cuộc sống của họ. Còn với tôi, đó là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn”, nữ chính trị gia sắc sảo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Theo CNN, khi chia sẻ về bê bối tình ái của chồng, Hillary nói bà không nghĩ nhiều đến Lewinsky, nhưng cầu chúc cô gặp nhiều may mắn. "Theo tôi, mọi người cần hướng về tương lai", cựu ngoại trưởng Mỹ trả lời khéo léo.