Rừng là một trong những tài nguyên quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nó là bộ phận quan trọng đối với môi trường sinh thái và đời sống của mỗi chúng ta. Vai trò của “lá phổi xanh” này đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ghi nhận thông qua việc chọn 21/3 là Ngày Quốc tế Rừng.
Một số cuốn sách lấy chủ đề rừng xanh, cây cối được xuất bản nhằm nâng cao ý thức của con người trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Những tựa sách ấy ẩn chứa nhiều điều thú vị về người bạn thực vật mang đến dưỡng khí trong lành và cảnh quan xanh mát cho con người. Bên cạnh đó, đây cũng là lời cảnh tỉnh trước những hành vi thiếu hiểu biết, gây tổn hại cho rừng.
Sách của tác giả Rachel Carson chỉ ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sống do con người gây nên. Ảnh: P.N. |
Nâng cao nhận thức về vai trò của rừng
Trước khi xuất bản thành sách, Mùa xuân vắng lặng của Rachel Carson được đăng thành nhiều kỳ trên tờ New Yorker. Đến nay, sách đã bán được hơn 2 triệu bản.
Trong sách, Rachel Carson chỉ ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sống do thuốc trừ sâu tổng hợp gây ra. Qua đó, ông bày tỏ sự quan ngại khi sử dụng tràn lan những hóa chất độc hại mà không hiểu rõ hệ quả lâu dài của chúng đối với môi trường và sự sống.
Cuốn sách ra đời không những gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, mà còn như một hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức bảo vệ môi trường, tạo tiền đề cho việc ra đời nhiều bộ luật và cơ quan kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên xanh sau này.
Tác phẩm được coi là khởi nguồn cho các đạo luật về nước, không khí sạch, chính sách môi trường quốc gia.
Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của rừng, đưa ra phương án “hàn gắn” mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, đồng thời gióng hồi chuông cảnh báo cho các vấn đề môi trường đang đến hồi cấp bách, Jean Giono viết nên cuốn Người trồng rừng.
Tác phẩm là câu chuyện cảm động về ý chí cao cả và bền bỉ của một người chăn cừu đã dành tâm sức để trồng thật nhiều cây trong một thung lũng hoang vắng, cằn cỗi suốt nửa đầu thế kỷ 20.
Khi xây dựng nhân vật Elzéard Bouffier này, tác giả đã muốn nói lên tâm nguyện trồng rừng. Theo ông, để con người và thiên nhiên sống với nhau hài hòa, trồng rừng là một trong những việc cấp thiết nên chung tay thực hiện.
Ông muốn truyền thông điệp về sự kết hợp chặt chẽ của thiên nhiên và con người. Chỉ khi ý thức được điều đó, con người mới dành hết tâm ý đóng góp và gìn giữ tài nguyên, đặc biệt là “lá phổi xanh” của Trái Đất.
Câu chuyện sau đó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây dựng nên phong trào tái tạo rừng mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.
Với ý nghĩa này, cuốn sách đã được chuyển thể thành phim năm 1987 và đoạt giải Cành Cọ Vàng cho hạng mục phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes và giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc năm 1988.
Tập truyện của nhà văn Sơn Nam. Ảnh: Đức Trung. |
Những bí ẩn của rừng xanh
Đời sống bí ẩn của cây của tác giả Peter Wohlleben mở ra một thế giới kỳ diệu về đời sống xã hội phức tạp của những khu rừng ôn đới.
Cuốn sách mang đến những câu chuyện thú vị như cây cối có thể giao tiếp với nhau, mỗi loài cây có một cá tính riêng, chúng hỗ trợ nhau cùng lớn lên... Không chỉ gây bất ngờ với thông tin hấp dẫn đó, Peter Wohlleben còn chia sẻ tình yêu sâu sắc của ông đối với các loài cây nói riêng và rừng nói chung.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đồng thời giải thích tiến trình của sự sống, cái chết và sự hồi sinh mà ông đã quan sát được từ chính khu rừng của mình.
Cùng mang trong mình tình yêu cây cối, tác giả David Haskell viết nên Khúc hát của cây. Cuốn sách đặt thế giới tự nhiên làm trung tâm cho câu chuyện môi trường sinh thái, qua đó gửi đến độc giả thông điệp rằng mỗi loài cây đều là một sự sống kỳ diệu của Trái Đất. Chúng có âm thanh, cảm xúc và cả trí tuệ.
Lấy bối cảnh vùng đất cực Nam của Tổ quốc, nhà văn Sơn Nam - cây viết truyện ngắn nổi tiếng của vùng đất Nam Bộ - cũng thổi hồn vào tác phẩm Hương rừng Cà Mau và các truyện khác của mình tình yêu thiên nhiên.
Cuốn sách gồm truyện ngắn Hương rừng và 40 truyện ngắn khác của ông. Mỗi truyện đều đi sâu kể những chi tiết đặc sắc về đất và người rừng U Minh từ thuở còn đang khai phá.
Ở đó, những câu chuyện làng quê, vùng nông thôn, đăc biệt là miền quê Tây Nam Bộ, dù trải qua bao năm tháng, vẫn đong đầy sự hấp dẫn đối với bạn đọc.
Các chương trong sách đều gợi nhắc con người về nguồn tài nguyên xanh của đất nước. Một số truyện ngắn trong sách có thể kể đến như: Cô Út về rừng, Cây huê xà, Hát bội giữa rừng, Bắt sấu rừng U Minh Hạ…
Đó đều là những câu chuyện gần gũi, gắn bó với người dân nơi đây và đặc biệt có ý nghĩa với những người xa xứ lâu ngày chưa có điều kiện trở về thăm quê nhà, làm sống lại trong lòng độc giả tình yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết.