Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi niềm an ủi tâm hồn của cỏ cây

Lối viết văn mềm mại, gợi mở nhiều không gian êm ái xanh ngắt cây cối của Trương Huỳnh Như Trân khiến việc đọc mang lại cảm giác thật nhẹ nhõm.

Thiên nhiên là “nguồn cội cảm hứng sáng tác của tôi”. Danh họa Monet từng vẽ hàng trăm bức tranh đượm phong vị tự nhiên, rực rỡ màu sắc đã khẳng định như vậy. Hơn bất kì ai, ông là người say đắm thiên nhiên, say đắm từng gốc cây, từng đóa hoa, ngọn cỏ.

Chính bản thân ông đã thiết kế, chăm sóc và tạo dựng nên khu vườn ở Gyverny, một khu vườn tuyệt đẹp đến nay đã trở thành một tác phẩm được yêu thích của thế giới. Monet cũng đã từng nói: “Trong đời tôi phải luôn luôn, luôn luôn có hoa”.

Cũng như Monet, danh họa Van Gogh từng vẽ rất nhiều về thiên nhiên. Những bức tranh nổi tiếng của ông có Hoa diên vĩ, Cánh đồng lúa mì và cây trắc bá, Hoa hướng dương….

Những năm cuối đời ông sống trong một ngôi làng nhỏ, hàng ngày mang giá vẽ ra cánh đồng để vẽ, ông xem những ngày sống giữa thiên nhiên ấy là những ngày thực sự được an ủi tâm hồn.

Truong Huynh Nhu Tran anh 1
Khi quá buồn hãy tưới nước cho một cái cây bộc lộ một tâm hồn yêu thiên nhiên.

Thuở trước, Marcel Proust khi thưởng thức chiếc bánh madeleine được nhúng trong cốc trà pha với những cánh hoa đoan đã rơi vào cảm xúc ngổn ngang những chuyện xưa cũ, để rồi khắc khoải viết cuốn sách Đi tìm thời gian đã mất.

Hay chuyện mùa xuân ở đất nước Nhật Bản, hoa anh đào rụng đã trở thành biểu tượng xuất hiện ở rất nhiều vần thơ, đoạn văn, như Basho từng viết:

“Từ phương trời xa

Cánh hoa đào rơi lả tả

Gợn sóng hồ Biwa”.

Thiên nhiên đã trở thành một niềm an ủi sâu thẳm của mỗi con người, đã đi vào văn học, nghệ thuật như một tâm hồn thứ hai, nhiều yêu mến và trăn trở. Trong tập sách nhỏ bé của mình, tác giả Trương Huỳnh Như Trân cũng đã bộc bạch những tâm tư của mình dành cho thiên nhiên.

Tập sách Khi quá buồn hãy tưới nước cho một cái cây, tập hợp những bài viết ngắn nhỏ của tác giả, được viết bằng giọng văn gần gũi, đơn giản những đậm chất thơ, khiến cho cuộc sống giản dị được biện bày trong một không khí thật thi vị.

Trong bài viết Dấu phượng, Trương Huỳnh Như Trân viết về cây phượng Ngã Ba, đã trở thành “dấu đường về” cho bao người, đến mùa hoa lại đỏ rực cả một góc trời, nhưng rồi bỗng “không còn một vết tích nào ngoài những khúc cây lìa nhau rời rã quanh gốc phượng phẳng phiu nhát chém”.

Một cái cây bị mất đi, cũng thật khiến mình đứng lặng, như vừa chứng kiến một mất mát trong tâm hồn.

Như Trân đã bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm, một tâm hồn yêu cây cối xung quanh. Điều này cũng được cô viết trong Nếu em có một khu vườn. “Trong khu vườn đó em sẽ trồng thật nhiều loài cây”, rồi từ ấy, cô dẵn dắt độc giả bước vào một khu vườn đầy những hoa cỏ, đầy rực rỡ sắc màu.

Khu vườn của cô gợi nhắc về một bình yên thật dễ chịu. Và nếu chưa có khu vườn ấy, việc gieo trồng những khóm xanh ở ban công của chung cư trong thành phố, cũng đã góp thêm những mầm xanh trong đô thị ngột ngạt này.

Truong Huynh Nhu Tran anh 2
Tác giả Trương Huỳnh Như Trân.

Cũng bởi ở trong đô thị nên chỉ ước rằng, mỗi sáng mai mở cửa sổ ra có thể nhìn thấy “một khu vườn”, như thời thơ ấu, ở quê.

Những trang viết của Trương Huỳnh Như Trân ngập đầy trong những kí ức đẹp đẽ về ngày xưa, về “khu vườn ở quê chỉ có vài ba gốc xoài, mít và một cây me to, bóng mát trùm một góc”, nhưng đã mở ra một trong xanh bát ngát, đã nuôi dưỡng những điều ngọt ngào của đời sống.

Sống giữa những xanh tươi ấy, tâm hồn cũng trở nên mát rượi bởi sự êm dịu. Có lẽ đã được ôm ấp trong không gian ấy, nên khi trở thành một người mẹ, Trương Huỳnh Như Trân cũng muốn con của mình được sống trong xanh ngàn ấy, để tâm hồn được nuôi dưỡng thật dịu dàng.

Trong tập sách Nếu quá buồn, hãy tưới một cái cây, tác giả cũng dành rất nhiều những trang viết nhỏ nhắn, bộc lộ tình cảm của một người mẹ dành cho con gái, chuyện “Mỗi bữa chuẩn bị cơm trong căn bếp của mẹ là một buổi học gia chánh thú vị” (Mẹ, con gái và cái bếp); hay chuyện “chỉ mong con có những niềm vui không lệ thuộc vào vật chất” (Mùa hè ơi, xin chào)….

Lối viết văn mềm mại, gợi mở nhiều không gian êm ái xanh ngắt cây cối của Trương Huỳnh Như Trân khiến việc đọc Khi qua buồn, hãy tưới nước cho một cái cây mang lại cảm giác thật nhẹ nhõm, thật dễ chịu, giữa mùa hè tràn nắng này.

Không cần hào nhoáng vật chất, chỉ cần một tâm hồn rộng mở, cảm nhận cuộc sống giản dị xung quanh, như thế đã đủ khiến chúng ta trải qua những khoảnh khắc thật hạnh phúc.

Trương Huỳnh Như Trân sinh năm 1982 tại Bình Thuận. Cô tốt nghiệp khoa Du lịch trường Đại học Văn Lang và khóa biên kịch do Quỹ Ford của Hoa Kì tổ chức tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Trương Huỳnh Như Trân viết nhiều sách cho thiếu nhi, trong đó đã xuất bản một số tác phẩm như Truyện hay sử Việt (2010, 2012, 2013); Cùng Mi và Nô học lễ giáo (2012, 2013); Những cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh (2013)….

Cô cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn học như: Giải nhì cuộc thi sáng tác văn học hoa phượng đỏ do báo Bình Phước tổ chức (1997); đạt giải Cuộc vận động sáng tác năm 2013, Dự án Hỗ trợ văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch….

Hiện nay cô sống và viết tại Sài Gòn.

‘Cánh cửa mặt trăng' đã mở nhưng thế giới tái sinh đang ở đâu?

Định nghĩa hạnh phúc mà ta vẫn biết là định nghĩa của thế giới, ngay từ khi sinh ra ta đã bị áp đặt và mải miết chạy theo nó. Nhưng hạnh phúc có thực sự là “hạnh phúc”?



Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm