Tiểu thuyết Điệp viên của nhà văn người Brazil, Paulo Coelho mở đầu bằng một cuộc hành quyết. Giọng văn sắc lạnh, đầy bình thản của một bản thông báo dành cho các hãng thông tấn, đó là cách nhà văn nói về cái chết của Mata Hari, người đàn bà đã làm khuynh đảo thủ đô Paris những năm đầu của thế kỉ XX.
Một chương đời đầy màu xám
Cô vũ nữ đã khiến bao người đàn ông điên đảo, được đưa ra bãi bắn. Không khóc lóc, chẳng van lơn hay bi lụy, người đàn bà đẹp ấy chọn giữ hình ảnh thanh cao trong những phút giây cuối đời.
Trong không gian tối tăm và ẩm thấp trong xà lim, Mata Hari vẫn không quên xỏ chân vào đôi vớ đen dài. Cô mang giày cao gót và khoác một chiếc áo lông thú kiểu cách. Dù là những phút giây cuối cùng của cuộc đời, Mata Hari vẫn muốn mình xuất hiện với phong thái của một bóng hồng hạng sang.
Nhân vật chính đã chết ngay từ chương đầu tiên. Đây là lúc tác giả của Nhà giả kim bắt đầu câu chuyện của mình. Cuộc đời xứng đáng trở thành huyền thoại của Mata Hari được ông tái hiện hoàn hảo qua những bức thư giữa cô và luật sư Clunet.
Không có oán trách hay sầu bi, trong lời kể bình thản là câu chuyện về nghị lực phi thường của một con phượng hoàng.
Tiểu thuyết Điệp viên của Paulo Coelho. |
Năm 13 tuổi, Margaretha Geertruida Zelle (tên thật của Mata Hari) phải rời ngôi nhà ở Leeuwarden để tới Leiden học nội trú. Những tưởng sẽ cho con gái một tương lai tốt đẹp, nhưng cha mẹ của cô bé đâu có ngờ họ đã gián tiếp đẩy con gái mình vào bi kịch.
Margaretha học được gì ở trường nội trú? Không gì cả. Trước khi rời nhà, cô bé đã được nghe mẹ kể về tình yêu như một điều kì diệu. Sự thân mật giữa nam và nữ là điều thiêng liêng của ái tình.
Điều đó có phải là sự thật? Cô gái ngây thơ thuở ấy đã hoài nghi về những gì mẹ kể khi bị hiệu trưởng trường nội trú cưỡng bức. Với cô, tình dục chỉ là hành động để đàn ông thỏa mãn dục vọng.
Margaretha quyết tâm rời trường nội trú. Với cô gái trẻ, nơi đó chính là một nhà tù tăm tối và bẩn thỉu được gắn lên cái mác cao sang. Cô tiểu thư bé nhỏ tình cờ đọc được một mẩu rao vặt trên báo về Rudolf MacLeod, một sĩ quan quân đội Hà Lan đang phục vụ ở Indonesia.
Điều quan trọng nhất là người đàn ông đó đang tìm một vị hôn thê. Ba tháng sau, Margaretha kết hôn cùng Rudolf MacLeod. Cô dâu khi ấy mới 19 tuổi còn người chồng đã bước sang tuổi tứ tuần.
Cuối cùng thì Margaretha đã thực hiện được điều mà bấy lâu nay cô mong mỏi là rời khỏi trường nội trú. Cuộc sống của phu nhân MacLeod sẽ ra sao? Xứ Mã Lai là một vùng đất đầy mới mẻ trong mắt người thiếu phụ trẻ tuổi. Nhưng sự hào hứng chẳng kéo dài được bao lâu. Margaretha cảm thấy chỉ có một mình ở giữa vùng đất xa lạ.
Người phụ nữ xinh đẹp ấy đã phạm sai lầm khi quyết định trở thành vợ mà không có tình yêu. Tồi tệ hơn Rudolf MacLeod còn là một kẻ vũ phu, hắn chỉ coi vợ chẳng khác nào nô lệ tình dục và một con búp bê xinh đẹp để trang trí. Cái chết của đứa con trai bé bỏng càng khiến thiếu phụ tội nghiệp trở nên cùng quẫn.
Paulo Coeho cha đẻ của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nhà giả kim. |
Cái chết của một người đàn bà không được nhắc tới tên, vợ của một sĩ quan quân đội, người phụ nữ đang sống cuộc đời như cô đã thức tỉnh Margaretha. Trước khi bị nhấn chìm bởi những đau khổ mà Rudolf MacLeod mang lại, bông hồng đầy quyến rũ ấy quyết định tự giải thoát cho mình.
Phượng hoàng bay lên từ tàn tro
Margaretha đến Paris với hai bàn tay trắng. Cô thậm chí không có lấy một bộ váy tử tế để mặc. Nhưng cô có những thứ mà đàn ông cần hơn mùi son phấn nước hoa và những bộ xiêm y lộng lẫy. Đó là sắc đẹp và tài năng!
Những năm tháng ở xứ Mã Lai không phải là vô nghĩa. Những điệu múa huyền diệu ở xứ sở ấy đã khiến cô mê mẩn. Vài tháng sau, vũ nữ quyền lực Mata Hari xuất hiện, cô như làn gió mới đầy mê hoặc ở kinh đô ánh sáng.
Mata Hari tiếng Mã Lai có nghĩa là “đôi mắt của ngày” ngụ ý chỉ mặt trời. Cái tên đầy quyền năng ấy rất hợp với một bóng hồng đầy quyến rũ. Margaretha của trước kia đã chết, hay cô được tái sinh bằng cái tên Mata Hari.
Những gì Mata Hari cần chỉ là tiền. Nhưng khi cơn binh lửa nổ ra, cô vô tình bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh, mưu toan và quyền lực. Mata Hari bị kết tội là điệp viên hai mang và bị nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ kết án tử hình.
Cuộc đời của đóa hoa rực rỡ nhất thành phố phù hoa, người gián tiếp gây ra cái chết của hơn 5 vạn binh lính Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc ngoài bãi bắn.
Mata Hari ngoài đời, trong bộ xiêm y lộng lẫy của một vũ công. |
Điệp viên là một cuốn tiểu thuyết khác lạ và đầy nhân văn của Paulo Coelho. Tác phẩm không phải là một cuốn tiểu thuyết tiểu sử. Nhà văn người Brazil cũng không muốn xây dựng hình tượng một người đàn bà xinh đẹp và đầy mưu mô trong nhân vật Mata Hari.
Trên tất cả, Paulo Coelho xót thương cho người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh ấy. Một con người sinh nhầm thời và bị thời cuộc đẩy xuống vực thẳm. Mata Hari xứng đáng được ca ngợi không chỉ vì tài năng hay sắc đẹp, mà chính bởi sự quả cảm của cô.
Người đàn bà ấy đã dám vượt lên trên tất cả những định kiến cũ kĩ của xã hội để tự quyết định cuộc đời mình. Thay vì an phận trong một cuộc hôn nhân như địa ngục, Mata Hari tự tìm cách cứu vớt cuộc đời mình. Việc làm đó có lẽ còn vĩ đại hơn việc trở thành một điệp viên.