Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám phá những huyền bí của Tây Tạng và nghệ thuật sinh tử

Bí ẩn của truyền thuyết Phật sống hóa thân chuyển thế, ý nghĩa lá cờ Lungta, những nét văn hóa vùng Tây Tạng được thể hiện trong sách của Đặng Hoàng Xa.

Vẻ đẹp huyền bí của tu viện Labrang ở Tây Tạng Nằm bên cạnh sông Đại Hạ, một nhánh của sông Hoàng Hà, Tu viện Labrang hơn 300 năm tuổi có 6 trường Phật học, 18 sảnh đường, mang kiến trúc đậm nét Phật giáo Tây Tạng.

Tác giả Đặng Hoàng Xa từng chia sẻ trên trang blog cá nhân trước khi cuốn sách Tây Tạng huyền bí & Nghệ thuật sinh tử ra mắt: “Tôi viết và hoàn thành cuốn sách này trong thời gian cùng lúc vật lộn với một căn bệnh quái ác và hiểm nghèo".

"Ít nhất có một lần tôi có cảm giác đã chạm tay vào cánh cửa của sinh tử. Lúc đó, hôn mê trên gường bệnh, tôi nhìn thấy những đám mây đen và ngũ sắc lượn lờ qua lại, như vô định. Tôi không bao giờ quên cảnh tượng ấy”, ông viết.

Đến bây giờ khi cuốn sách của ông đã đến với độc giả, thì người viết đã đi về cõi vĩnh hằng. Sách khơi gợi biết bao điều bí ẩn cho độc giả về một Tây Tạng đầy huyền bí, màu sắc và quyến rũ.

Đây là một cuốn sách công phu của tiến sĩ Đặng Hoàng Xa về phật giáo Mật Tông Tây Tạng. Cuốn sách nghiên cứu những vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất của tôn giáo Mật Tông ở Tây Tạng, được chia một cách khoa học thành 4 phần.

Phần một giới thiệu phật giáo Tây Tạng, phần 2 trình bày những nét đặc sắc của Kim Cương thừa, phần 3 gợi mở những nét văn hóa phong tục của người Tây Tạng. Phần 4 có lẽ là phần hấp dẫn nhất đối với bất kì ai đọc cuốn sách, chính là quan điểm ý thức của tác giả về Bardo và nghệ thuật sinh tử.

Tay Tang huyen bi anh 1
Sách Tây Tạng huyền bí & nghệ thuật sinh tử. Ảnh: Omega

Cuốn sách đã cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan nhất về mảnh đất huyền bí Tây Tạng, với những bản sắc đặc trưng bằng một sự thấu suốt. 

Có thể dẫn ra đây ví dụ về truyền thuyết Phật sống hóa thân chuyển thế, và những giai thoại xung quanh nó. “Lạt Ma được coi là hiện thân của Phật” và có vai trò rất quan trọng dù họ “chỉ đại diện cho 1% tín đồ Phật giáo thế giới”.

Trong cuốn sách của mình Đặng Hoàng Xa đã viết rất hấp dẫn, lần lượt từng bước dẫn dắt cho người đọc hiểu thế nào là “hóa thân chuyển thế”, và tại sao nó lại trở thành một truyền thống tôn giáo của Tây Tạng, ý nghĩa và phương pháp của việc tìm kiếm “linh đồng”… Cho đến giờ, đây vẫn là những câu chuyện mang đậm chất bí ẩn, luôn khiến thế giới ngỡ ngàng về Tây Tạng.

Đối với những người từng biết đôi chút mảnh đất Tây Tạng, có lẽ sẽ đều nhận ra ngay hình ảnh lá cờ Lungta, được xem là biểu tượng văn hóa, “là hơi thở của Himalaya cũng như Tây Tạng”.

Đối với người Tây Tạng “khi gió thổi đến, những lời cầu nguyện và chân ngôn được ghi trên lá cờ sẽ lan tỏa khắp không gian và mang phước lành tới cho tất cả các chúng sinh”.

Tay Tang huyen bi anh 2
Ý nghĩa lá cờ Lungta được viết trong sách.             

Lá cờ Lungta, cung điện Potola, thủ phủ Lhasa, kiến tạo Mandala, điệu múa Cham, nghệ thuật Thangka… chính là những nét văn hóa truyền thống bản nhất của Tây Tạng, được tác giả viết bằng một hệ thống kiến thức tổng quát sâu rộng, cùng với những suy nghiệm.

Sự chết, cõi chết và nghi thức thiên táng ở Tây Tạng

Ở góc nhìn của người Tây Tạng về cái chết, Đặng Hoàng Xa đưa ra thông tin đầy đặn về quan niệm sự chết, cõi chết cũng như nghi thức Thiên Táng kỳ lạ, bí ẩn và tuyệt đẹp của người Tây Tạng.

Nghi lễ thiên táng cũng có hai dạng: cơ bản và long trọng, đối với những hạng người khác nhau trong xã hội, Ở nghi thức cơ bản, người Tây Tạng khi chết đơn giản sẽ “được mang lên núi, để tự phân hủy khi tiếp xúc với thiên nhiên, hoặc bị ăn thịt bởi các động vật như chim kền kền”.

Trong khi đó, nghi lễ long trọng được thực hiện với nhiều thể thức đặc biệt. Nhìn vào cốt lõi của Thiên Táng, tác giả một lần nữa nhấn mạnh tính vô thường của đời sống, và đặt ra vấn đề về liên kết giữa sự sống và cái chết.

Tay Tang huyen bi anh 3
Trong quan niệm người Tây Tạng, cơ thể người như chiếc xe chuyên chở linh hồn. 

Sự sống và cái chết có lẽ vẫn là hai vấn đề được truy vấn suốt đời của loài người. Những kiệt tác văn học nghệ thuật thế giới từ xưa tới nay được sáng tạo nên cũng khởi nguồn từ hạt nhân ấy.

Tây Tạng huyền bí & nghệ thuật sinh tử, khi nghiên cứu quan niệm của người Tây Tạng, tác giả Đặng Hoàng Xa đã cho độc giả thấy rõ những căn cớ tư tưởng, quan niệm của người Tây Tạng, để chúng ta thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa sự sống và cái chết, cùng với trải nghiệm cận tử.

Những trải nghiệm của các vị Đạt-lai Lạt-ma 14, Pháp Vương Gyalwang Drupka, của các Rinpoche Mật tông như Sogyal Rinpoche, Tulku ThondupRinpoche, Lati Rinpoche… cũng được tác giả khai thác.

Đây có lẽ cũng là vấn đề gây ra nhiều luồng tranh cãi trái chiều nhất, nhưng với những ngành đặc thù khai thác những bí ẩn của đời sống con người và vũ trụ như văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, nó lại là mảnh đất màu mỡ để kiếm tìm và sáng tạo. 

Tay Tang huyen bi anh 4
Tác giả Đặng Hoàng Xa qua đời năm 2017.

Đối với Đặng Hoàng Xa, trong cuốn sách của mình ông  dẫn ra rất nhiều quan niệm của các nhà nghiên cứu, đặt ra những ý kiến khác nhau về cái chết theo quan niệm của Tây Tạng. 

Với lối viết khoa học, mạch lạc, đầy thuyết phục, tác giả đã khiến người đọc nhìn nhận rõ ràng hơn về những luận lý của sự sống chết, hiểu rõ hơn về một Tây Tạng “giống như có một sợi chỉ vô hình nối các đời sống lại với nhau, cái kết thúc của một cá thể chỉ là khởi đầu cho một đời sống khác, tràn đầy và mới mẻ”, và thực sự cái chết vẫn luôn đầy huyền bí nhưng đầy dẫn dụ.

Tác giả Đặng Hoàng Xa tốt nghiệp Đại học San Francisco (Mỹ), kỹ sư trong nhiều dự án phát triển phần mềm của các công ty tin học tại Thung lũng Silicon. Nhưng ông là người say mê nghiên cứu Tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo những vùng “huyền bí”.

Ông đã xuất bản một số sách tại Việt Nam: Phật giáo và tâm thức (2014), Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc (2015), Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, truyền thống và con người (2016).

Ông mất tại Hà Nội năm 2017.



Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm