Dĩ nhiên, tác phẩm đã được biên tập lại trước khi xuất bản, nhưng sự hiểu biết của tác giả về tiếng Việt, cả những thứ lắt léo như sử dụng thành ngữ, chơi chữ, chế chữ… thật đáng kinh ngạc. Như kiểu cụm từ “phút mây mưa” được “nối” thêm bằng “giờ giông tố”, hay việc bình luận về những cô gái chu môi làm miệng cá, những anh chàng râu rậm có thể gây ngứa cho “đối tác”… có thể khiến người đọc lắc đầu thú vị.
Tác giả cũng viết câu chuyện của mình bằng một cách thức hiện đại: lối ngắt câu, nhả chữ, xuống dòng, chia ý tưởng thành từng chương nhỏ… rất dễ đọc, những mẩu chuyện minh họa điểm xuyết vào khá thú vị, các cung bậc cảm xúc cá nhân được tiết chế nhưng nhiều lúc như cố ý bật ra… Tất cả đều nhằm một mục đích rõ ràng: truyền tải đầy đủ nhất tinh thần tác phẩm.
Hơn cả cách sử dụng từ ngữ và sự am tường ngữ pháp tiếng Việt, là sự đồng cảm của tác giả về xã hội Việt Nam. Tác giả hiểu sâu sắc những giá trị ẩn dưới một bề mặt đang vận hành nhộn nhịp bằng con mắt của một nhà quan sát tinh tế và đặc biệt tôn trọng sự khác biệt. Sự phê phán, nếu có, đều ẩn dưới một nụ cười châm biếm kín đáo. Tác giả cũng vô cùng cẩn trọng trong việc chọn lọc và đặt các minh họa phù hợp vào tác phẩm, sao cho đạt hiệu quả kết nối cao nhất giữa từ ngữ và hình ảnh.
Nếu có điều gì mơ hồ trong tác phẩm, thì đó là kiểu tình cảm sâu đậm dành cho các cô gái Việt, theo kiểu “thương thì củ ấu cũng tròn”. Ở đầu kia, có cảm giác trai Ta đôi lúc bị nhìn theo lăng kính hơi cực đoan. Đàn ông Việt đúng là gia trưởng đã thành nếp và tự cho mình rất nhiều quyền - trong đó có một cái quyền đáng yêu là tự nguyện bảo bọc gia đình. Nhưng cùng với làn sóng phương Tây đang ồ ạt tràn vào Việt Nam cùng với rất nhiều người Việt đã bước ra thế giới, người Việt Nam, nhất là giới trẻ, đang dần thay đổi, hấp thụ cả cái tốt lẫn cái xấu của phương Tây.
Đàn ông Việt đã tôn trọng chị em phụ nữ hơn - đặc biệt ở các thành phố lớn, và song song đó, phụ nữ lẫn đàn ông Việt cũng đã có nhiều suy nghĩ và hành động thoáng hơn. Trong vài trường hợp, đó là kiểu “chân đi trước mà đầu chưa kịp chuyển động” nên dễ dàng vấp ngã và gây ra nhiều vấn nạn xã hội, như tình trạng nạo phá thai đến mức báo động, những vụ tấn công tình dục, sự nổi loạn khó kiểm soát bị chụp cho cái mũ “Tây hóa”, sự sùng bái phương Tây quá đà hoặc ở thái cực ngược lại là sự tự tôn dân tộc một cách cực đoan.
Tác giả nói, mục đích của Những điều bạn chưa biết về trai Tây là giúp các cô gái Việt có thể vượt qua rào cản văn hóa để tìm hiểu, làm quen với một trai Tây, từ đó có thể đặt mối quan hệ vững chắc dẫn đến một happy ending. Tôi nghĩ, sẽ chưa tới 5% độc giả của cuốn sách này đạt được (hoặc có nhu cầu vươn tới) giấc mơ đó. Nhưng có một điều chắc chắn: cuốn sách này đã cho tôi một góc nhìn mới, hay nói cách khác, đã mở ra một cánh cửa để tôi khám phá thêm một sắc màu của thế giới.
Và, chẳng phải là CẢM XÚC mới là thứ quan trọng nhất – chứ không phải những phân tích lý trí – quyết định một tình yêu sao? Ta đào sâu vào thế giới tâm hồn tác giả cũng có khác gì mấy việc đi tìm một người tri kỷ?
Cuốn sách Những điều bạn chưa biết về trai Tây của tác giả Cameron Singleton. |
Tôi vẫn luôn tin rằng, trong một thế giới ngồn ngộn thông tin, những cảm xúc đọng lại sau khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mới là thứ định lượng chính xác nhất giá trị của tác phẩm. Khi xem, nghe, đọc hàng ngày, có những thứ trôi tuột qua đầu ta như một vệt lân tinh lấp lánh; thứ khác như một giọt nước mưa chỉ vừa kịp thấm ướt mắt môi là tan biến ngay.
Nhưng cũng có những bộ phim theo ta suốt mấy tiếng đồng hồ sau khi màn ảnh đã hiện chữ The end, ngân nga trong tâm trí như một bản tình ca đẹp đẽ. Có tác phẩm văn học lại trở thành một triết lý sống có thể cứu rỗi đời ta, để ta vịn vào đó bước đi với tâm hồn giàu có và mạnh mẽ hơn một chút.
Với Những điều bạn chưa biết về trai Tây, cảm xúc để lại trong tôi là sự tò mò về một sân khấu tình yêu Tây - Ta lạ lẫm chưa từng biết đến, và khi gấp sách là một nỗi ngậm ngùi khó gọi tên về tình trạng bất bình đẳng giới vẫn hiện hữu quanh mình, dù đó chỉ là một chương nhỏ trong sách.
Có bao người phụ nữ quanh tôi đã phải cắn răng chịu đựng quá nhiều bất công, để đổi lại câu khen “vợ hiền dâu thảo”? Vì sao cả một mái nhà phải tựa trên vai người phụ nữ - với sức chịu đựng vô bờ bến? Vì đâu người phụ nữ Việt chưa thể mạnh dạn đi tìm cho mình hạnh phúc, sống cuộc đời mà họ tự lựa chọn? Vì sao bao cô gái Việt mơ một giấc mơ chồng Tây, để rồi sự thật vỡ ra bao thứ bẽ bàng? Làm sao để bao bé gái Việt lớn lên tự tin và bình đẳng như một bé trai, ngay từ trong nhận thức của đấng sinh thành?
Và vì sao, một người đàn ông phương Tây như Cameron Shingleton có thể hiểu phụ nữ Việt Nam đến thế?