Nhiều người biết rằng sau khi từ Pháp về nước, lúc có tuổi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mới lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nhất, vợ cũ của nhà triết học Trần Đức Thảo. Hai ông bà sống hạnh phúc với nhau mà không có con. Nhưng ít người biết rằng, bác sĩ Viện từng có một mối tình lãng mạn với một cô bạn học là hoa khôi ở trường Đại học Y khoa bên Pháp.
Cuốn tự truyện tiết lộ những mối tình của bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. |
Mối tình 8 năm với cô sinh viên Y khoa Pháp
Trong cuốn Tự truyện (NXB Khoa học xã hội), câu chuyện tình thơ mộng này đã được ông kể lại đầu đuôi như sau: Thời sinh viên, một hôm sau khi ông trình bày bệnh án được giáo sư khen, lúc ra về có một cô sinh viên Pháp chạy lại bảo: "Này anh ạ, anh cho tôi mượn cái bệnh án của anh hôm qua ấy, hay quá, có vài điểm tôi chưa hiểu rõ, để tôi xem lại và nhờ anh giải thích cho".
Anh sinh viên người Việt Nam hết sức bất ngờ khi nhận ra, người bạn gái này chính là cô Monique, là hoa khôi của đám nữ sinh viên thực tập tại bệnh viện ấy, được nhiều bạn trai trầm trồ.
Đó là lần đầu tiên, Nguyễn Khắc Viện ngồi gần một người con gái, ông kể. Lớn lên khi Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ phong kiến, quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân", nên đến tận hai mấy tuổi đầu, ông vẫn chưa bao giờ ngồi gần một người con gái Việt Nam nào cả.
Từ đó, hai người quen nhau, có gì khó, cô gái lại đến hỏi ông, hai người tham gia học tập cùng nhau, rồi thân nhau. Ông Viện đã mạnh dạn cùng bạn gái đi dạo bên bờ sông Seine thơ mộng.
Quan hệ ngày một thân thiết, gia đình cô mời ông đến ăn cơm nhiều lần. Bố cô là một bác sĩ có tuổi, gia đình trung lưu khá giả, có hai con gái, Monique là chị.
"Tôi nói chuyện với cụ ông rất thoải mái, trao đổi về y học, văn học cũng thú vị. Đây là một gia đình rất ngoan đạo, có nề nếp", ông kể. "Monique thường nhắc: 'Ông cụ, bà cụ tôi mê anh lắm'. Không biết ông cụ bà cụ mê hay cô mê tôi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi học với nhau như thế".
Nhưng rồi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông Viện mới nhớ ra rằng, khi ông tốt nghiệp về nước, cô Monique không thể cùng về được, vì hoàn cảnh chiến tranh và việc lúc đó không có người phụ nữ Pháp nào lại sang lấy một người con trai Việt Nam. Thấy không thể kéo dài chuyện tình cảm, ông quyết định chia tay cô.
Nhưng khi ông được vào làm nội trú ở bệnh viện Trousseau, cô cũng được chuyển vào làm ngoại trú ở bệnh viện ông trực, nên hằng ngày lại gặp nhau.
Ông Viện kể, trước khi lên tàu sang Pháp du học, bố ông, cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm có đưa cho một phong thư, dặn khi nào ra đến ngoài biển hãy mở. Bức thư viết: "Thầy chỉ dặn một điều là nhất định đừng lấy vợ đầm".
"Giữa chúng tôi có một sự ngăn cách là hai cái bóng của hai ông bố mà thực chất là hai đạo lý, một bên là đạo Khổng, một bên là Thiên chúa giáo", ông phân tích. Ông khuyên cô lấy chồng, nhưng cô lắc đầu không trả lời.
Năm 1942, biết tin ông Viện bị mắc lao phổi, cô chạy đến thăm ngay. Rồi ông Viện chuyển đến vùng Sana bị Đức chiếm đóng, hai người chỉ còn biết viết thư cho nhau. Năm 1945, khi nước Pháp được giải phóng, Monique mới có điều kiện đến thăm ông. Ông Viện nghĩ rằng bệnh tình mình khó sống nổi, nhờ cả ông bác sĩ Viện trưởng bệnh viện ông đang nằm đưa hồ sơ bệnh án cho cô xem để khuyên cô đi lấy chồng, nhưng cô vẫn lắc đầu.
"Đến năm 1947, sức khỏe khá lên chút ít, tôi về Paris, Monique nhắn tôi lại chơi. Hôm đó, tôi nghỉ lại nhà Monique. Lần đầu tiên, chúng tôi ăn nằm với nhau sau hơn 8 năm trời bị một ngăn cách lạ lùng", ông viết. "Sáng hôm sau dậy hai đứa có một sự thanh thản rất lạ lùng. Hôm ấy, tôi nói: 'Giờ Monique đi lấy chồng nha' rất dễ dàng, thốt ra một cách bình thản và Monique cũng chấp nhận. Chúng tôi đã trả cho nhau được một cái nợ, thành ra bây giờ có thể dứt khoát mỗi người đi một đường".
Ông Nguyễn Khắc Viện và phu nhân - bà Nguyễn Thị Nhất. |
Mối nhân duyên 14 năm
Năm 1967, khi ông Viện đã 54 tuổi, ông mới lập gia đình. "Đây có thể nói là mối tình đầu thứ hai của tôi, vì đây là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên gắn bó với tôi", ông viết.
Phu nhân của ông, bà Nguyễn Thị Nhất, cũng là sinh viên trong tổ chức Việt kiều. Năm 1952, ở Pháp, ông bà đã quen nhau và cùng nhau hoạt động trong một nhóm, rồi một năm sau trở nên gắn bó. Nhưng bà Nhất đã đính ước với ông Trần Đức Thảo. Ông Thảo về nước tham gia kháng chiến, bà Nhất về sau rồi kết hôn, nhưng không hợp nhau. Năm 1963, khi ông Viện về nước thì bà Nhất và ông Thảo đã chia tay.
Ông Viện phải trải qua vài năm tìm hiểu tình hình sức khỏe và công việc ở trong nước, rồi đến ngày Noel năm 1967, mới làm đám cưới với bà Nhất.
"Việc lấy người vợ đã từng sống lâu năm ở Pháp đối với tôi cũng là một thuận lợi", ông kể. "Đó là sự hòa hợp về phong cách, về cách sinh hoạt, ăn ở, đối xử. Thuận lợi hơn nữa là chúng tôi có thể trao đổi với nhau về vấn đề tâm lý trẻ em, vì Nhất làm công tác mẫu giáo, tôi lại rất quan tâm đến vấn đề này".
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) quê ở làng Gôi Vị, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp bác sĩ ngành nhi khoa và các bệnh nhiệt đới tại Pháp năm 1941, nhưng sau đó chuyển sang lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước và tham gia quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Năm 1963, ông bị chính quyền Pháp trục xuất về miền Bắc, và tham gia hoạt động văn hóa đối ngoại. Ông là sáng lập và chủ biên Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Études Vietnamiennes và Vietnam Studies), rồi làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới). Năm 1984, ông sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em và tâm bệnh lý (trung tâm NT).
Ông là tác giả của hàng chục đầu sách có giá trị, trong đó có bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, cùng nhiều sách về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam, tâm lý trẻ em.
Năm 2000, ông được Chủ tịch nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cuốn "Việt Nam, một thiên lịch sử".