Hầu hết chúng ta đều có thể đọc nhưng lại không yêu thích việc đọc. Có nhiều lý do để đọc sách, để tìm kiếm kiến thức, để giải trí, để trốn khỏi thực tại hoặc đơn giản là thư giãn. Trang FeelGood đã tổng hợp lại những sự thật thú vị xung quanh việc đọc sách để thấy rõ thế giới của chúng ta đang đọc sách như thế nào.
Khi chúng ta đọc sách, ta nhận biết từ ngữ bằng hình ảnh chữ và nghe chúng được phát âm trong đầu. Bộ não con người sẽ phản ứng theo nhiều cách giống nhau khi chúng ta đọc thầm hay đọc to lên thành tiếng. Sự di chuyển của mắt cũng tác động không nhỏ đến việc đọc sách, tốc độ thông thường của một người đọc sách là 7 đến 9 chữ trong vòng 0,3 giây.
Các quốc gia chăm đọc sách nhất trên thế giới. |
Trên thế giới, các quốc gia chăm đọc sách nhất chủ yếu nằm ở lục địa Á - Âu. Ấn Độ đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách với 10,42 giờ đọc sách một tuần tính trên một đầu người. Theo sau đó là Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Ai Cập, CH Séc, Nga, Thụy Điển, Pháp, Hungary, Ả rập Xê út, Hong Kong, Anh và Nhật Bản.
Nếu như không tính Kinh Thánh và Kinh Coran (2 loại sách thường được đem tặng rộng rãi) thì tính đến năm 2016, có 5 cuốn sách được coi là bán chạy nhất mọi thời đại. Đó là Chúa tể những chiếc nhẫn và Anh chàng Hobbit của J.R.R. Tolkien, Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupery, Harry Potter và Hòn đá phù thủy của J.K. Rowling và Mười người da đen nhỏ của Agatha Christie. Văn học Anh chiếm số lượng áp đảo trong danh sách này.
5 cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại và 5 cuốn sách nổi tiếng bị cấm ở nhiều quốc gia. |
Có nhiều cuốn sách là tác phẩm ăn khách ở một số nước nhưng lại là sách cấm ở một số nước khác vì các nguyên nhân liên quan đến tôn giáo, chính trị và văn hóa lối sống. Nếu Lolita của Vladimir Nabokov đề cập đến tình yêu giữa một ông già và một cô bé mới 12 tuổi thì 1984 của Geogre Orwell lại là cuốn tiểu thuyết phản địa đàng về một xã hội kỳ lạ. Những cuốn sách nổi tiếng khác như Alice ở xứ sở thần tiên, The Naked Lunch và The Santanic Verses cũng đều vướng phải nhiều phản đối và tranh cãi với các chính quyền.
Sự phát triển của công nghệ cũng làm thay đổi cách đọc sách của mọi người. Thay vì đọc sách giấy, độc giả bây giờ có nhiều lựa chọn hơn với sách điện tử và sách nói. Họ được tiếp cận với sách qua nhiều kênh khác nhau chứ không chỉ còn là riêng cửa hàng sách truyền thống như trước nữa. FeelGood cũng chỉ ra nhiều điểm thuận lợi và hạn chế của việc đọc sách điện tử so với sách giấy.
Những con số biết nói về sự phát triển của công nghệ trong ngành xuất bản. |
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ích lợi của việc đọc sách. Ngoài việc tiếp nhận những kiến thức thông thường mà sách cung cấp, người đọc sách sẽ ít bị mắc bệnh Alzheimer gấp hai lần khi về già. Họ cũng cải thiện trí nhớ nhiều hơn, trở nên đồng cảm và lạc quan trước các vấn đề xảy ra trong xã hội.
Và cuối cùng, chăm sóc mắt là một việc cực kỳ quan trọng để có thể đọc sách một cách hiệu quả nhất. Khi đọc sách giấy, tốt nhất là nên đặt đèn ở phía đằng sau để ánh sáng có thể chiếu trực tiếp lên trang giấy, và nhớ nên đọc sách theo quy tắc 20-20-20. Cứ mỗi 20 phút, rời mắt khỏi cuốn sách và nhìn vào một vật cách đó 20 feet (khoảng 6 m) trong vòng 20 giây.
Một số mẹo chăm sóc mắt khi đọc sách giấy và sách điện tử. |
Còn đối với đọc sách điện tử, bạn nên tăng cỡ chữ nếu thấy cần thiết, điều chỉnh độ sáng của màn hình và nên luyện tập mắt thường xuyên khi không làm việc với máy tính bằng cách nhìn gần và nhìn xa để điều chỉnh thói quen cho mắt.