Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều chưa biết về quan hệ Anh - EU

Sau 4 tháng đấu tranh quyết liệt giữa nhóm muốn rời và ở lại Liên minh châu Âu (EU), "cuộc ly hôn" của người Anh và EU đã xảy ra, chấm dứt 43 năm gắn bó.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 24/6 về việc rời khỏi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy số người ủng hộ Anh ra đi chiếm 52% so với 48% số người muốn ở lại. Theo kết quả cuối cùng, số người ủng hộ Anh rời EU là 17,4 triệu, cao hơn 4% so với 16,1 triệu người chọn việc ở lại với khối. 

Theo đó, Anh đã quyết định "dứt tình" với Liên minh châu Âu sau hơn 4 thập kỷ. Dưới đây là một số thông tin về mối quan hệ của Anh - EU và những tác động sau lựa chọn rời khối. 

Kinh tế

Khoản đóng góp tài chính ròng của Anh vào EU là 9,8 tỷ bảng Anh, hay 188 triệu bảng mỗi tuần. Đây là số tiền sau khi khấu trừ sau khi Anh nhận lại những hỗ trợ tài chính từ EU. Thực tế nó không cao như con số 350 triệu USD mỗi tuần mà chiến dịch rời khỏi EU (Brexit) luôn tuyên bố.

Mỗi gia đình sẽ không thực sự mất 4.300 bảng Anh nếu Anh rời EU. Con số này dựa trên tính toán của Bộ Tài chính rằng nền kinh tế sẽ sụt giảm 6,2% so với con số nếu London tiếp tục ở lại EU.

Các chuyên gia tài chính tin rằng về ngắn hạn, nền kinh tế Anh sẽ thụt lùi nếu bỏ phiếu rời EU. Đầu tư kinh doanh sẽ hạn chế, giá nhà cũng sẽ giảm và đồng bảng Anh gần như chắc chắn mất giá, ít nhất là thời gian đầu. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ tâm lý lo ngại nhiều hơn là vì những nguyên nhân tiềm ẩn với nền kinh tế Anh khi rời EU. 

Trong bối cảnh số người ủng hộ Brexit chiếm đa số, đồng bảng Anh đã trượt giá mạnh mẽ so với đồng USD, kỷ lục sau 31 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 1985, một bảng Anh chỉ đổi được chưa đầy 1,35 USD. Theo Independent, việc đồng bảng Anh trượt giá sẽ khiến hàng hoá xuất khẩu rẻ hơn, đổi lại nhập khẩu sẽ đắt hơn và thúc đẩy lạm phát. 

Bên cạnh đó, rời EU đồng nghĩa với sự trở lại của việc mua hàng miễn thuế khi đi du lịch châu Âu, tuy nhiên sẽ có những hạn chế nhất định. Những chuyến đi từ Anh sang Pháp để mua vật dụng cá nhân với số lượng lớn và chi phí thấp sẽ không còn.

Khi "dứt tình" với EU, Anh cũng sẽ không phải cứu trợ tài chính cho khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tương lai. Điều này đã được các lãnh đạo EU chấp thuận. 

Anh roi EU anh 1
Sau thất bại trong canh bạc chính trị lớn nhất vì người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu sau hơn 40 năm, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 24/6 đã tuyên bố từ chức. Ảnh: Getty

Chủ quyền

Trước cuộc trưng cầu dân ý, phe ủng hộ ở lại nói Brexit sẽ gây tổn hại cho kinh tế, an ninh và cả vị thế quốc gia. Trong khi đó, phe ủng hộ rời EU cho rằng đã đến lúc quyền lực được chuyển từ Brussels, Bỉ, nơi đặt trụ sở chính của EU về London. Những người ủng hộ Brexit cho rằng trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều về quy mô và ngày càng quan liêu, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm.

Họ cho rằng nước Anh đang bị “kìm hãm” bởi EU khi liên minh áp đặt quá nhiều quy định về kinh doanh hay như Anh đổ nhiều tiền vào khối này mà chỉ được nhận lại chút ít. Họ cũng muốn Anh giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới, giảm số lượng người tới đây sống hoặc làm việc. 

Trên thực tế, kể từ năm 1999, Anh đã bỏ phiếu phản đối các điều luật được thông qua tại Brussels 56 lần. 

Với việc rời EU, Anh vẫn sẽ là thành viên của Toà án Nhân quyền châu Âu (ECHR). ECHR không liên quan đến Liên minh châu Âu và có thành viên không phải nước thuộc EU. Do đó, các phán quyết vẫn sẽ có tính ràng buộc với Anh. Tuy nhiên, Anh sẽ không chịu phán quyết của Toà án Công lý châu Âu.

Nhập cư

Các công dân EU hiện sống và làm việc ở Anh sẽ được phép ở lại đây kể cả khi kết quả bỏ phiếu là rời đi. Chiến dịch ủng hộ Brexit đã khẳng định rõ rằng họ sẽ không trục xuất bất kỳ ai ở Anh và các quy định hạn chế sẽ chỉ áp dụng với người nhập cư mới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào những quy định trên có hiệu lực.

Khoảng 3 triệu người sống ở Vương Quốc Anh theo số liệu năm 2014 là công dân của một nước EU, chiếm khoảng 5% dân số Vương quốc Anh. Số liệu năm 2015 cho thấy 1,2 triệu người sinh ra ở Vương quốc Anh sống ở các nước EU khác. Cũng trong năm ngoái, ước tính 270.000 công dân các nước EU khác nhập cư vào Anh và 85.000 người di cư ra nước ngoài. 

So với công dân thuộc EU, mỗi năm Anh cho phép số công dân không thuộc EU sinh sống nhiều hơn. Năm ngoái, khoảng 277.000 công dân không thuộc EU đã đến sống tại Anh.

Thương mại

Là một nước châu Âu nhưng nằm ngoài EU, Na Uy phải trả một khoản phí khổng lồ để tiếp cận thị trường chung châu Âu. Trong năm 2014, Na Uy phải trả 115 bảng Anh/người/năm để tiếp cận thị trường này. Trong khi đó, với tư cách là thành viên EU, Anh phải trả 220 bảng Anh/người.

EU hiện có giao dịch thương mại với 52 quốc gia. Nếu Anh rời khối, họ sẽ phải đàm phán lại thoả thuận thương mại với các nước. Không hoàn toàn đúng rằng kể từ năm 1992, 27 nước không thuộc EU thành công hơn Anh trong lĩnh vực xuất khẩu. Con số này chỉ đơn thuần nhìn vào tốc độ tăng trưởng hơn là tổng lượng xuất khẩu.

Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) có thể khiến chính phủ Anh gặp khó khăn trong việc ban hành các biện pháp đánh thuế đường và rượu. Các công ty Mỹ bán vào thị trường EU có thể tranh cãi rằng họ bị phân biệt đối xử và kéo theo ràng buộc về mặt pháp lý.

Anh roi EU anh 2
Nhân viên kiểm phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Sunderland ngày 24/6. Ảnh: Reuters

Tự do đi lại

Theo Điều luật Dublin, người di cư đến châu Âu phải xin tị nạn ở nước đầu tiên họ đặt chân tới. Nếu sau đó chuyển tới các nước khác, họ có thể bị trục xuất về nước đầu tiên đến. Anh trục xuất khoảng 1.000 người mỗi năm và quá trình này sẽ chấm dứt khi Anh rời EU. 

Anh không gia nhập Hiệp ước Schengen, do đó bất cứ ai đến đây đều phải xuất trình hộ chiếu. Tuy nhiên, các công dân EU có thể bị "đuổi" nếu họ gây nguy hiểm căn cứ theo quy định trong các chính sách về an ninh và y tế công cộng.

Thống kê cho thấy từ năm 2010, tổng số hành khách EU bị từ chối lần đầu khi đến Anh đang tăng lên. Trong năm 2015, 1.265 hành khách EU không được phép đến Anh. 

Các vấn đề khác

EU trợ cấp cho khoảng 50% thu nhập từ nông trại của Anh. Năm 2014, nông dân Anh nhận 3,19 tỷ bảng Anh tiền trợ cấp.

Tàu đánh cá châu Âu có quyền tiếp cận vùng biển các nước thuộc EU và ngư trường cách bờ biển các nước thành viên 12 hải lý, theo Chính sách nghề cá chung châu Âu. Nếu Anh rời EU, ngư trường sẽ được xác định dựa trên việc Anh có cho phép các tàu nước ngoài tiếp cận Vùng đặc quyền kinh tế hay không. 

Con số chính thức giai đoạn 2007-2013 cho thấy Anh đã chi 5,4 tỷ euro cho các quỹ nghiên cứu và phát triển của EU, đồng thời nhận lại 8,8 tỷ euro. Trong nghiên cứu vũ trụ, việc Anh rời EU sẽ không ảnh hưởng đến sự tham gia của quốc gia này với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Trên thực tế, ESA và EU là hai tổ chức với các thành viên khác nhau, quy định khác nhau. 

Trong năm 2013, Cơ quan Tội phạm Quốc gia của Anh đã ban hành 219 lệnh truy nã liên minh châu Âu (EAW) để tìm kiếm nghi phạm ở các nước EU khác. Cùng năm, cơ quan này nhận được 5.522 yêu cầu truy nã EAW. Nếu rời EU, Anh sẽ phải đàm phán lại với các quốc gia về việc duy trì hệ thống hiện tại. 

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.

Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).

Anh lựa chọn rời EU

Sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc rời hay ở lại EU cho thấy phe ủng hộ Anh ra đi giành chiến thắng, Thủ tướng Cameron đã tuyên bố từ chức.

Người châu Âu hôn chuyền từ Berlin tới London, chống Brexit Những nụ hôn được trao từ Rome, Berlin, tới Paris và kết thúc ở London nhằm thể hiện một châu Âu thống nhất hơn và góp tiếng nói ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).


Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm