Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Anh bỏ phiếu trong 'Ngày phán xét' về rời hay ở lại EU

Hôm nay 23/6, người dân Anh bắt đầu tham gia cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của nước này về việc tách hoặc tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU).

AP cho biết, các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa lúc 13h ngày 23/6 và kết thúc hoạt động vào 3h ngày 24/6 (giờ Hà Nội). Những cử tri sẽ được hỏi câu duy nhất: "Anh nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời EU", và họ có thể lựa chọn giữa 2 đáp án.

Theo Ủy ban bầu cử Anh, số lượng người đã đăng ký tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục: gần 46,5 triệu người. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử mà Anh tổ chức trưng cầu dân ý.

Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra sau 4 tháng đấu tranh quyết liệt giữa những nhóm muốn "rời" và "ở lại" EU. Cả thế giới đều theo dõi diễn biến cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến việc Anh "dứt tình" với Liên minh châu Âu sau 43 năm gắn bó.

Dan Anh bo phieu ve roi EU anh 1
Nhóm cử tri Anh muốn nước này rời khỏi EU. Ảnh: SWNS

Vài ngày trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, bà Jo Cox, một trong những nghị sĩ đầu tiên lên tiếng ủng hộ Anh ở lại EU, bị bắn và đâm giữa phố. Các thăm dò dư luận sau vụ việc này cho thấy tỷ lệ người Anh ủng hộ việc ở lại EU cao hơn phía ngược lại.

Khảo sát của Daily Mail thực hiện trong hai ngày 17 và 18/6 chỉ ra một con số sít sao, 45% người được hỏi muốn Anh ở lại EU và 42% công dân ủng hộ Brexit.

Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove và cựu thị trưởng London Boris Johnson là những người dẫn đầu phong trào Brexit. Gần một nửa thành viên theo phe bảo thủ trong Quốc hội cũng như đảng Độc lập (UKIP) và lãnh đạo đảng này Nigel Farage chọn rời khỏi EU.

Dan Anh bo phieu ve roi EU anh 2
George Smith, một người ủng hộ Anh ở lại EU, đi vận động cho chiến dịch "Anh sẽ mạnh hơn nếu ở lại". Ảnh: Reuters

Theo New York Times, những người ủng hộ Brexit cho rằng trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều về quy mô và ngày càng quan liêu, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm.

Họ cho rằng nước Anh đang bị “kìm hãm” bởi EU khi liên minh áp đặt quá nhiều quy định về kinh doanh hay như Anh đổ nhiều tiền vào khối này mà chỉ được nhận lại chút ít. Họ cũng muốn Anh giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới, giảm số lượng người tới đây sống hoặc làm việc.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron là người dẫn đầu phong trào “ở lại”, bên cạnh các thành viên Công đảng, đảng Dân chủ tự do và đảng Quốc gia Scotland.

Họ lập luận Anh là một quốc đảo với diện tích không lớn nên cần là một phần của khối các quốc gia gắn kết. Qua đó, Anh sẽ có mối liên kết an ninh và tầm ảnh hưởng thực sự trên thế giới.

Bên cạnh đó, phe này cảnh báo rời EU sẽ khiến nước Anh phải trả giá đắt về kinh tế. Vì mối quan hệ rộng mở giữa các thành viên khối giúp việc trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Trong khi đó, dòng chảy dân nhập cư, phần lớn là người trẻ và mong muốn làm việc, sẽ trở thành "nhiên liệu" kích thích tăng trưởng kinh tế.

Người châu Âu hôn chuyền từ Berlin tới London, chống Brexit Những nụ hôn được trao từ Rome, Berlin, tới Paris và kết thúc ở London nhằm thể hiện một châu Âu thống nhất hơn và góp tiếng nói ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).

Brexit: Liệu cuộc hôn nhân Anh - EU có đổ vỡ?

Việc Anh sẽ "dứt tình" với Liên minh châu Âu sau 43 năm gắn bó hay quyết định gạt đi những trăn trở về sự tự do để tiếp tục ở lại EU đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm