Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán Việt 'nín thở' với Brexit

Kết quả trưng cầu dân ý tại Anh về quyết định rời khỏi liên minh châu Âu (EU) hay gọi là Brexit có tác động lớn tới thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

 

Điều này còn làm lu mờ đi tác động tích cực từ quyết định giữ nguyên lãi suất của FED sau kỳ họp kéo dài 2 trong ngày 14 và 15/6 vừa qua.

Nhà đầu tư thận trọng

Tâm lý thận trọng được thể hiện khá rõ nét qua giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trước những tin tức liên quan đến Brexit. Trong tuần giao dịch trước, khối ngoại bán ròng cả 5 phiên trên HOSE. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 17/6, cũng là ngày cuối cùng trong đợt tái cơ cấu của các quỹ ETF với hàng loạt mã cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán ròng khối lượng lớn như: VIC, NT2, KDC, PVD, BVH.

Tuy nhiên, trong ngày hôm qua 20/6, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy đa số người dân Anh vẫn muốn ở lại EU, là một trong những nguyên nhân đã giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam bật tăng trong 2 phiên giao dịch đầu tuần.

Cho khoan cho phan ung khi Anh roi EU anh 1
Các thỏa thuận hậu Brexit được cho là làm tổn thương thị trường tài chính khiến nhà đầu tư luôn mang tâm lý thận trọng. Ảnh minh họa: VOV

Phiên giao dịch ngày 20/6, VN Index bất ngờ tăng hơn 7 điểm trong sự hưng phấn của nhà đầu tư. Khối ngoại cũng quay sang mua ròng sau chuỗi bán ròng trước đó. Các mã cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh là: HPG, GTN, PVS, CVT, VND.

Sau khi bật tăng mạnh trong phiên ngày 20/6, nhà đầu tư đã quay lại trạng thái thận trọng khiến cho nhiều mã cổ phiếu quay đầu giảm giá. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù phe ủng hộ Anh ở lại EU đã đạt được thành quả nhất định trong cuộc vận động, các nhà phân tích vẫn đánh giá xác suất để Brexit xảy ra là khá cân bằng.

Thực tế, sau phiên giao dịch ngày 20/6, các công ty chứng khoán đã khuyến cáo nhà đầu tư không nên có tâm lý quá hưng phấn, đẩy tỷ trọng lên mức cao ở thời điểm hiện tại. Biến động thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục bám sát diễn biến cuộc trưng cầu dân ý ở Anh trong tuần này.

Cần làm gì khi Brexit xảy ra?

Theo thống kê, kim ngạch 2 chiều Vương quốc Anh và Việt Nam đạt 5,4 tỷ USD năm 2015. Hiện Anh là nhà đầu tư EU lớn thứ 2 tại Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ.

Theo nhận định của giới phân tích, hoạt động thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn, nhưng sẽ tác động gián tiếp đến diễn biến tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn. Các thỏa thuận hậu Brexit có thể sẽ kéo dài, không chỉ tác động đến lòng tin người tiêu dùng và giới đầu tư mà có thể làm tổn thương đến thị trường tài chính, làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương.

Chẳng hạn, Brexit sẽ làm đảo lộn hệ thống tài chính khi giới đầu tư chuyển hướng chuyển dịch từ đồng bảng Anh và Euro sang các đồng tiền mạnh khác như USD, yên Nhật hay Franc Thụy Sỹ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán sẽ bị tác động tiêu cực bởi hiệu ứng tâm lý khi dòng vốn có xu hướng chuyển dịch sang các kênh an toàn tạo áp lực giảm điểm trên các thị trường. 

Trong trường hợp xấu nhất, nếu Brexit xảy ra thì nhà đầu tư phải làm gì? Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV, trong trường hợp này, nhà đầu tư cần chú ý đến các chiến lược đầu tư sau: giữ tỷ trọng danh mục vừa phải, hạn chế sử dụng margin lớn; thận trọng với các mã cổ phiếu có vay nợ ngoại tệ mạnh (yên Nhật, USD); thận trọng với các ngành có mức độ phụ thuộc vào thị trường châu Âu lớn (thủy sản, da giày, dệt may); quan tâm đến các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có vay nợ đồng Euro.

Brexit là cụm từ viết tắt của British Exit, đề cập đến kịch bản Anh sẽ rút khỏi liên minh châu Âu thông qua cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 23/6 sắp tới. Nếu Anh rời EU, không chỉ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và đặt ra những thách thức lớn hơn cho cả nước Anh và phần còn lại của châu Âu, mà còn tạo hiệu ứng xấu lên nền kinh tế thế giới. Sự kiện này được IMF xếp vào một trong 7 rủi ro chính của kinh tế thế giới.

Thảo Nguyên

Bạn có thể quan tâm