Người dân Anh đang nóng lòng chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23/6 để quyết định xem nước này vẫn là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay rời khỏi tổ chức gồm 28 thành viên. Quá trình này vẫn thường được gọi là Brexit.
Vài ngày trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, bà Jo Cox, một trong những nghị sĩ đầu tiên lên tiếng ủng hộ Anh ở lại EU, bị bắn và đâm giữa phố. Cái chết của bà Cox gây sốc trên toàn nước Anh và trì hoãn chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Theo Independent, các cuộc thăm dò dư luận về bỏ phiếu Brexit sau vụ nữ nghị sĩ Cox bị sát hại cho thấy, tỷ lệ người Anh ủng hộ việc ở lại EU cao hơn phía ngược lại. Còn thăm dò do Mail Online thực hiện trong hai ngày 17 và 18/6 chỉ ra một con số sít sao, 45% người được hỏi muốn Anh ở lại EU và 42% công dân ủng hộ Brexit.
Câu hỏi liệu Anh sẽ đi hay ở lại EU sắp có câu trả lời. Ảnh: Telegraph |
Tại sao lại gọi là Brexit?
Đây là một từ ghép giữa “Britain” (nước Anh) và exit (thoát) để chỉ việc Anh rời khỏi EU. Nó cũng tương tự như từ Grexit để nói tới việc Hy Lạp rời bỏ Khu vực đồng euro.
Vào ngày 23/6, tất cả công dân Anh từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia trưng cầu. Công dân Anh ở nước ngoài đã đăng ký bỏ phiếu ở Anh trong ít nhất 15 năm gần đây cũng có quyền bỏ phiếu. Những người đang sống ở Anh nhưng là công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng chung gồm 53 nước, trong đó có Australia, Canada, Ấn Độ và Nam Phi, cũng được tham gia. Họ sẽ trả lời câu hỏi "Anh nên ở lại hay rời khỏi EU?" được in trên mỗi lá phiếu. Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở từ 6h ngày 23/6 và đóng vào lúc 21h cùng ngày.
Ai muốn ra đi?
Theo New York Times, những người ủng hộ Brexit cho rằng trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều về quy mô và ngày càng quan liêu, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm. Họ cho rằng nước Anh đang bị “kìm hãm” bởi EU khi liên minh áp đặt quá nhiều quy định về kinh doanh hay như Anh đổ nhiều tiền vào khối này mà chỉ được nhận lại chút ít.
Họ cũng muốn Anh giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới, giảm số lượng người tới đây sống hoặc làm việc. Một trong những nguyên tắc chính của EU là “phong trào tự do”, có nghĩa là bạn không cần tới hộ chiếu và thoải mái tới thăm hay sinh sống ở bất kỳ quốc gia thành viên.
Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove. Ảnh: BBC
|
Theo những người ủng hộ Brexit, việc Anh rời khỏi EU là cần thiết nhằm bảo vệ hoặc có thể khôi phục bản sắc của đất nước, gồm văn hóa, độc lập và vị thế trên thế giới. Lập luận này thường được đưa ra dựa trên sự phản đối làn sóng nhập cư, vấn đề nóng tại các quốc gia châu Âu suốt một năm qua.
Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove và cựu thị trưởng London Boris Johnson là những người dẫn đầu phong trào Brexit. Gần một nửa thành viên theo phe bảo thủ trong Quốc hội cũng như đảng Độc lập (UKIP) và lãnh đạo đảng này Nigel Farage chọn rời khỏi EU.
Trên thế giới, Thủ lĩnh Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen và một số đảng chống châu Âu ở Đức, Hà Lan cùng một số nơi khác cũng muốn Anh "chia tay" EU.
Ai còn muốn ở lại?
Những người muốn ở lại cho rằng một quốc đảo với diện tích không lớn như Anh nên là một phần của khối các quốc gia gắn kết để có được mối liên kết an ninh và tầm ảnh hưởng thực sự trên thế giới. Theo đó, việc Anh rời EU sẽ khiến nước này phải trả giá đắt về kinh tế.
Theo những người vận động cho việc Anh ở lại EU, mối quan hệ rộng mở giữa các thành viên khối giúp việc trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Trong khi dòng chảy dân nhập cư, phần lớn là người trẻ và mong muốn làm việc, sẽ trở thành "nhiên liệu" kích thích tăng trưởng kinh tế và giúp chi trả phần nào các khoản tiền dịch vụ công cộng đắt đỏ, theo BBC.
Thủ tướng Anh phát biểu tại chiến dịch vận động cử tri Anh ủng hộ nước này ở lại EU. Ảnh: Getty
|
Thủ tướng Anh David Cameron là người dẫn đầu phong trào “ở lại” và thậm chí ông có thể mất chức nếu thất bại trong việc giữ chân người Anh. Ngoài thủ tướng, phần lớn thành viên Công đảng do ông lãnh đạo, đảng Dân chủ tự do và đảng Quốc gia Scotland, ủng hộ mạnh mẽ việc "xứ sở sương mù" tiếp tục thuộc EU. Phần lớn chuyên gia kinh tế độc lập, các cơ quan tình báo Anh cũng nhất trí nên giữ Anh trong khối.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều lên tiếng muốn Anh gắn bó tiếp với EU.
Chuyện gì xảy ra khi Anh rời EU?
Nếu rời EU, Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi liên minh thương mại vững mạnh. Đổi lại, họ sẽ được tự do trong đàm phán các hiệp định thương mại với các nước ngoài EU.
Vấn đề người ta quan tâm nhất khi Anh "chia tay" EU là những tác động kinh tế. Việc Anh rời EU theo cách nào sẽ phụ thuộc vào các điều khoản sau khi nước này đàm phán với liên minh, đặc biệt là liệu Anh có còn được phép tự do bước vào thị trường chung châu Âu để hưởng miễn thuế và các dịch vụ tài chính nữa hay không.
Phần lớn chuyên gia kinh tế đều muốn Anh ở lại EU và cho rằng, nếu ra đi, tốc độ tăng trưởng của Anh sẽ sụt giảm, đồng bảng suy yếu và trung tâm tài chính London sẽ chịu nhiều thiết hại. Ngay cả những chuyên gia kinh tế ủng hộ việc Anh ra đi cũng phải thừa nhận những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn từ quyết định này. Họ nói rằng Anh sẽ phát triển hơn, nhưng phải đợi tới năm 2030.
Theo biên tập viên chính trị Oliver Wright của tờ Independent, dù hầu hết thị trường tài chính đều tin rằng người Anh sẽ bỏ phiếu để tiếp tục ở lại EU, tác động từ cuộc bỏ phiếu về vấn đề Brexit là rất đáng kể. Đồng bảng Anh gần như chắc chắn giảm với việc cổ phiếu ngân hàng và các công ty đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Phần lớn chuyên gia kinh tế đều muốn Anh ở lại EU bởi "xứ sở sương mù" sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực về thương mại nếu trường hợp Brexit xảy ra. Ảnh: Getty |
Cùng chung quan điểm đó, Michael Saunders, một thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ, dự đoán bảng Anh sẽ giảm từ 15 tới 20% so với các đồng tiền chính trên thị trường thế giới, sau cuộc trưng cầu ngày 23/6.
Bộ trưởng Tài chính Anh, George OsborneOsborne, cảnh báo ông cần một ngân sách khẩn cấp để lấp đầy "lỗ hổng" khoảng 30 tỷ bảng (42,6 tỷ USD) một năm nếu Anh rời khỏi EU. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/6 cảnh báo nếu Anh chọn rời EU, nước này có thể phải hứng chịu tác động kinh tế "tiêu cực và đáng kể".
Thêm một kịch bản xảy ra khi Anh rời EU là nếu không được quyền tiếp cận các thị trường mở của liên minh, hoạt động thương mại và đầu tư của Anh sẽ chịu tác động lớn. Trong khi dòng chảy lao động nhập cư tạo ra lo ngại về văn hóa, bản sắc Anh, mất đi lượng lao động này có thể khiến năng suất thấp hơn, tăng trưởng kinh tế chậm lại và giảm cơ hội việc làm, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Anh.
Ngoài ra, theo New York Times, nếu Brexit trót lọt, thì một Scexit cũng có thể hình thành. Nicola Sturgeon, Bộ trưởng đầu tiên của Scotland, từng nói, nếu Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU, Scotland sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu tách khỏi Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland rồi sau đó tái gia nhập EU với tư cách là một quốc gia độc lập.
Có rời EU được ngay?
Nếu kết quả bỏ phiếu ngày 23/6 ủng hộ việc rời EU, Anh vẫn phải mất tới hai năm để đàm phán với khối xung quanh các điều khoản trong vụ "ly hôn". Phần lớn là các điều khoản "khó chịu".
Các vấn đàm phán chủ yếu xoay quanh hoạt động thương mại. Nếu Anh vẫn muốn ở lại thị trường lớn nhất thế giới với 500 triệu người, chắc chắn các lãnh đạo EU ở Brussels cũng sẽ đưa ra cái giá rất đắt để răn đe các nước khác nhen nhóm ý định từ bỏ, như Anh.