Trong diễn biến bất ngờ, phe rời EU giành ưu thế trong cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và Liên minh châu Âu (EU) phải nín thở. Cuộc trưng cầu được coi là sự kiện gây chia rẽ nhất nước Anh trong lịch sử hiện đại với cả hai phe cáo buộc nhau là dối trá với cử tri.
Đó là cuộc đối đầu trực tiếp giữa thủ tướng Anh David Cameron, người ủng hộ ở lại và cảnh báo về các nguy cơ kinh tế, tài chính của việc rút khỏi EU, với cựu thị trưởng London Boris Johnson, người nói nước Anh sẽ thoát khỏi gông cùm của Brussels (trụ sở EU).
Người dân Anh quyết định "chia tay" EU sau 43 năm gắn bó. Ảnh: Reuters |
Cuộc giằng co nín thở
Trong cuộc vận động cuối cùng trước trưng cầu, ông Cameron kêu gọi cử tri “đặt việc làm, đặt nền kinh tế, đặt tương lai của con cái lên trên hết” bằng việc ở lại EU. Ông Johnson thì tuyên bố đây là “cơ hội cuối cùng để giành lại quyền kiểm soát” cho nước Anh.
Các cuộc thăm dò trước cuộc trưng cầu nói lợi thế nghiêng chút ít với phe “ở lại” nhưng khi kiểm phiếu diễn ra, phe “ra đi” đã nhanh chóng vươn lên giành lợi thế.
Kết quả cuộc trưng cầu được cả thế giới quan tâm khi cả Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế đều cảnh báo Brexit (việc Anh rời EU) sẽ dẫn tới mất việc làm, đồng bảng Anh giảm giá và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Anh.
Đồng Bảng Anh trong ngày 24/6 đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Điều này cũng sẽ tác động mạnh tới thị trường thế giới và trùm tài phiệt George Soros cảnh báo tình cảnh sẽ còn tệ hại hơn ngày thứ Tư đen tối mà nước Anh từng trải qua hồi đầu những năm 1990.
46,5 triệu người Anh, một kỷ lục, đã đăng ký đi bỏ phiếu trưng cầu.
Việc Anh rời khỏi EU sẽ là cú giáng mạnh với liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người, chấm dứt mối liên hệ giữa Anh với cựu lục địa suốt 40 năm qua.
Ngoài ra, việc Anh rời khỏi EU cũng sẽ đặt lại câu hỏi về sự tồn tại của Liên hiệp Anh vì Scotland có thể trưng cầu dân ý lại một lần nữa về việc độc lập khỏi Anh (sau lần thất bại sít sao hồi 2014) vì Scotland buộc phải rời khỏi EU ngoài ý muốn của họ.
Những người ủng hộ thì cho rằng việc ở lại trong EU sẽ giúp nước Anh “mạnh, an toàn và tốt hơn.”
Nhóm muốn Anh rời EU thì cho rằng Anh sẽ dành lại quyền kiểm soát về người nhập cư, có thể tự định ra luật và bớt được phần tiền đóng góp cho khối này hàng năm.
“Cuối cùng đó là cuộc chiến giữa việc làm (ở lại EU) với người nhập cư (rời EU),” giáo sư chính trị Justin Fisher của ĐH Brunel ở London nói.
Quyết định rời EU chắc chắn làm rúng động cả cựu lục địa cũng như trật tự thế giới của phương Tây.
Ác mộng của nước Anh
Mặc dù các thăm dò trước trưng cầu nói phe “Ở lại” có lợi thế, kết quả sáng sớm 24/6 đã làm chấn động cả nước Anh, châu Âu cũng như là liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Anh với Mỹ.
Thủ tướng Anh David Cameron ngay lập tức đối mặt với các kêu gọi ông phải từ chức. Tờ Independent thì gọi diễn biến mới là “Ác mộng” của nước Anh.
Bàn kiểm phiếu với những lá phiếu lựa chọn ra đi. Ảnh: Reuters |
Với EU, sau những chỉ trích về giải cứu tài chính ở Hy Lạp về việc giữ đồng tiền chung cho tới chính sách với người nhập cư, việc Anh rời khối giáng thêm một đòn mạnh với liên minh lớn nhất cựu lục địa này.
Thị trường tài chính, ban đầu dự đoán nước Anh sẽ ở lại, đang gồng mình cho đợt bán tháo lớn và thậm chí là hỗn loạn sau quyết định này của nước Anh.
Các nhà kinh tế dự đoán việc rời EU sẽ gây tổn thất nặng tới kinh tế nước này.
Với EU, việc Anh rời đi đặt dấu hỏi lớn về đường hướng, sự toàn vẹn và tương lai của khối – vốn được xây dựng trên nền tảng chia sẻ chủ quyền giữa 28 quốc gia (cùng chung chính sách đối ngoại, tự do đi lại).
Anh là nền kinh tế lớn thứ 2 trong EU (sau Đức) và là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ.
Việc mất Anh là tổn thất vô cùng lớn với uy tín của EU, đang chịu một loạt các áp lực về tăng trưởng chậm, tỉ lệ thất nghiệp cao, khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng nợ Hy Lạp và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Ảnh hưởng lớn nhất sẽ là rối loạn lớn hệ thống EU trong hai năm tới,” Thierry de Montbrial, chủ tịch Viện quan hệ Quốc tế Pháp, nói với New York Times. “Sẽ có tổn thất chuyển giao lớn về chính trị, làm thế nào để giải quyết việc Anh rời đi, cũng như là hậu quả domino hoặc rút tiền từ các nước khác cũng nghĩ tới việc rời đi.”
Karl Kaiser, giáo sư của Harvard và là cựu giám đốc Hội đồng Đối ngoại Đức, nói với tờ Times rằng châu Âu sẽ phải “tái cấu trúc hệ thống với mức độ gắn kết khác đi.”