Theo thống kê của BBC, người ủng hộ Anh rời EU cao hơn 4% so với số người chọn việc ở lại với khối. Đây là cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và Liên minh châu Âu (EU) phải nín thở. Ảnh: Reuters |
Ngay khi có kết quả của cuộc trưng cầu có số lượng người Anh tham gia kỷ lục, 46,5 triệu cử tri, sắc thái vui mừng hay buồn bã lộ rõ trên gương mặt từng người cũng có thể đoán được họ thuộc nhóm ủng hộ hay chống Brexit (Anh rời EU). Trong ảnh, các cử tri tại Sunderland ăn mừng trước chiến thắng của phe muốn "dứt tình" với EU. Ảnh: i-Image |
Một nhóm ủng hộ Brexit ở London ăn mừng khi các điểm bỏ phiếu ở Sunderland đóng cửa. Brexit được coi là cuộc đối đầu trực tiếp giữa Thủ tướng Anh David Cameron, người ủng hộ ở lại và cảnh báo về các nguy cơ kinh tế, tài chính của việc rút khỏi EU, với cựu thị trưởng London Boris Johnson, người nói nước Anh sẽ thoát khỏi gông cùm của Brussels (trụ sở EU). Ảnh: Reuters
|
Nigel Farage, Chủ tịch Đảng Độc lập Anh (UKIP) đồng thời là chính khách dẫn đầu khuynh hướng Brexit, ăn mừng chiến thắng. Ông tuyên bố kết quả trưng cầu là "chiến thắng cho người dân bản địa". Ảnh: i-Image
|
Trong khi đó, nhóm phản đối Brexit tỏ rõ sự thất vọng. Từ khi kết quả chính thức chưa được công bố, các công ty tài chính Anh ở Hong Kong như HSBC, Standard Chartered cũng đang chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, giá trị đồng bảng đã sụt giảm 11% sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy đa số người dân muốn Anh rời EU. Ảnh: Reuters
|
Nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt một người ủng hộ Anh ở lại EU tại Bắc Ireland kiểm tra kết quả ban đầu về cuộc trưng cầu dân ý được cập nhật trên điện thoại di động. Ảnh: Getty
|
Theo những người vận động cho việc Anh ở lại EU, mối quan hệ rộng mở giữa các thành viên khối giúp việc trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Trong khi dòng chảy dân nhập cư, phần lớn là người trẻ và mong muốn làm việc, sẽ trở thành "nhiên liệu" kích thích tăng trưởng kinh tế và giúp chi trả phần nào các khoản tiền dịch vụ công cộng đắt đỏ, theo BBC. Tuy nhiên, những mong muốn của họ nhằm níu kéo Anh ở lại EU cuối cùng đã thất bại. Ảnh: Reuters |
Những người phản đối nước Anh "ra đi" thực sự đang hoang mang trước tương lai của Anh. Phần lớn chuyên gia kinh tế đều nhận định, quyết định rời khỏi EU sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của Anh sụt giảm, đồng bảng suy yếu và trung tâm tài chính London sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ngay cả những chuyên gia kinh tế ủng hộ việc Anh ra đi cũng phải thừa nhận những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn từ quyết định này. Họ nói rằng Anh sẽ phát triển hơn, nhưng phải đợi tới năm 2030. |