So sánh
Trong 6 tháng đầu năm, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7 là 2 mẫu xe 7 chỗ cỡ nhỏ bán chạy nhất tại Việt Nam. Doanh số tích lũy khi kết sổ quý II của Xpander và XL7 lần lượt là hơn 8.300 xe và 2.400 xe.
Có thể thấy, XL7 đang học theo công thức thành công trước đây của Xpander là thu hút khách hàng mua xe gia đình ở tầm giá 600 triệu đồng bằng ngoại hình ấn tượng, nội thất đủ tiện dụng và chi phí sử dụng hợp lý.
Sau khi doanh số Xpander giảm mạnh vào tháng 6, Mitsubishi đang cố lấy lại phong độ khi tung ra ưu đãi 50% lệ phí trước bạ trong tháng 7. Mức giảm đưa giá bán của Mitsubishi Xpander AT (630 triệu đồng) tương đồng với Suzuki XL7 (590-600 triệu đồng). Trong khi đó, Suzuki XL7 được ưu đãi “nhẹ” và duy trì chút lợi thế khoảng 10-20 triệu đồng so với đối thủ đồng hương.
Vậy giữa XL7 và bản AT của Xpander có gì hơn kém nhau ở nhu cầu chọn xe 7 chỗ tầm 600 triệu đồng?
Ngoại thất của Suzuki XL7 ấn tượng hơn
Nhìn chung, Suzuki XL7 và Mitsubishi Xpander số tự động tỏ ra “ngang tài ngang sức” khi đặt lên bàn cân về trang bị ở ngoại thất.
Điểm chung đầu tiên là đèn chiếu sáng, đèn định vị và đèn hậu cùng là dạng LED. Trong đó, XL7 có đèn trước bố trí cao và đèn định vị nối liền vào lưới tản nhiệt. Còn Xpander vốn đặc trưng bởi cụm đèn nằm lưng chừng đầu xe. Riêng đèn hậu của 2 mẫu xe đều có kiểu cách điệu chữ L.
Những trang bị tương đồng khác có thể kể đến mâm xe hợp kim kích thước 16 inch, gương chiếu hậu chỉnh/gập điện, tay nắm cửa mạ chrome…
Dù vậy, XL7 nhỉnh hơn về thiết kế nhờ phong cách SUV. Cản trước, cản sau, ốp hốc bánh xe và baga mui giúp mẫu xe Suzuki trông nổi bật và trẻ trung hơn khi đặt cạnh Xpander.
Đây có thể xem là điểm cộng quan trọng để XL7 cạnh tranh trước Xpander, khi mà kiểu thiết kế của Xpander đã khá quen thuộc với khách hàng Việt Nam trong vài năm qua, còn Suzuki ít nhiều tạo được điểm nhấn mới nổi bật trong phân khúc.
Ngược lại, Xpander lại có lợi thế khi so sánh về mặt kích thước. Mẫu MPV của Mitsubishi chỉ kém hơn đôi chút ở chiều rộng, còn lại chiều dài tổng thể hay chiều dài cơ sở đều nhỉnh hơn XL7. Trong khi đó, khả năng xoay xở của bộ đôi này là tương đương với bán kính quay vòng cùng ở mức 5,2 m.
Độ tiện dụng và tiện nghi tương đương
Điểm nhanh qua thiết kế, XL7 tiếp tục ghi điểm trước Xpander nhờ phong cách thể thao của vô-lăng dạng D-cut đáy phẳng. Các đường nét bảng tablo của Suzuki XL7 cũng cho cảm giác thanh thoát hơn kiểu gãy gọn, cứng cáp trên mẫu xe Mitsubishi.
Xét về khả năng đáp ứng nhu cầu di chuyển của gia đình, XL7 và Xpander không quá chênh lệch về không gian nội thất.
Hàng ghế thứ 3 có đủ chỗ cho người lớn ngồi khi cần thiết và dư dả nếu được sử dụng bởi trẻ em. Hàng ghế giữa trên XL7 và Xpander đều có thể trượt tiến/lùi và gập theo tỷ lệ 60:40 để chia sẻ không gian với hành khách ở hàng ghế cuối.
Khoang hành lý cũng tương đồng với khoảng không gian vừa đủ cho 1-2 chiếc vali cỡ nhỏ và balo khi dựng hàng ghế cuối. Còn nếu muốn mang được nhiều đồ đạc và hành lý khi đi xa dài ngày, cả XL7 và Xpander đều cần “hy sinh” 2 chỗ ngồi cuối và gập hàng ghế thứ 3.
Về phần trang bị tiện ích, 2 mẫu xe có sự bù trừ cho nhau ở hệ thống giải trí và tính năng hỗ trợ lái.
Ở XL7, màn hình cảm ứng có kích thước lên tới 10 inch, tích hợp Apple CarPlay/Android Auto và có thể sử dụng trợ lý ảo tiếng việt Kiki. Trên Xpander, màn hình thông tin giải trí có cùng chức năng nhưng chỉ cỡ 7 inch, cho trải nghiệm sử dụng không tiện nghi bằng.
Đổi lại, nếu thường xuyên đi xe đường dài trên cao tốc hay quốc lộ thì người lái sẽ thích Xpander AT hơn khi xe được trang bị kiểm soát hành trình, tính năng còn thiếu trên XL7. Nếu muốn sử dụng ga tự động, người dùng XL7 phải chi thêm 5-7 triệu đồng để nâng cấp chức năng này.
Còn lại, danh sách option của Suzuki XL7 và Mitsubishi Xpander AT tỏ ra tương đồng với chìa khóa thông minh, nút bấm khởi động, 6 loa âm thanh, nút bấm điều chỉnh âm thanh/trả lời cuộc gọi trên vô-lăng, ghế bọc da...
Suzuki XL7 tiết kiệm, động cơ Mitsubishi Xpander khỏe hơn
Có thể nói rằng XL7 theo sát đối thủ đồng hương ở từng hạng mục, bao gồm cả cấu hình động cơ và hộp số. Cả 2 cùng trang bị động cơ xăng 1.5L, hộp số tự động 4 cấp cùng kiểu dẫn động cầu trước. Tuy nhiên, ưu thế về mặt thông số vẫn nghiêng về đại diện của Mitsubishi. Xpander có công suất và mô-men xoắn cao hơn XL7.
Theo nhà sản xuất công bố, mức tiêu thụ nhiên liệu ở điều kiện kết hợp của XL7 là tốt hơn, đạt 6,39 lít/100 km. Trong khi đó, con số tương ứng của Xpander số tự động là 6,9 lít/100 km. Điều này có thể được lý giải nhờ vào khối lượng bản thân của XL7 (1.175 kg) thấp hơn so với Xpander AT (1.250 kg).
Về trang bị an toàn, XL7 và Xpander cùng có 2 túi khí, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hệ thống chống trộm, camera lùi… Tuy nhiên, XL7 có thêm 2 cảm biến phía sau để hỗ trợ thao tác đỗ xe, trong khi Xpander AT không có cảm biến va chạm.
Kết luận
Nhìn chung, Suzuki XL7 có ưu thế ở giá bán thấp hơn trong khi trang bị tiện ích không quá thua kém so với đối thủ. Đi cùng với đó là thiết kế nội/ngoại thất bắt mắt, phù hợp với nhóm khách hàng trẻ và thích phong cách xe gầm cao.
Trong khi đó, Mitsubishi Xpander đến nay đã chứng minh được ưu điểm về tính thực dụng và chi phí sử dụng hợp lý. So với XL7, Xpander vẫn đang duy trì được lợi thế về kích thước cũng như thông số động cơ.