Trên bản đồ văn học quốc tế, đại diện cuốn sách tiêu biểu nhất của Việt Nam chính là Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Xuất bản lần đầu vào năm 1987, Nỗi buồn chiến tranh có thể được xem là tác phẩm văn học hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh với cái nhìn mới lạ.
Được giới thiệu ở hơn 20 nước
Cuốn sách xoay quanh hồi ức đứt đoạn của một người lính về chiến tranh và một thời tuổi trẻ sống, chiến đấu trong bom đạn. Cuộc sống của anh chìm đắm trong chiến tranh khi không thể dứt ra khỏi những cơn dằn vặt việc anh là người sống sót duy nhất của một trung đội trinh sát.
Không chỉ viết về chiến tranh, tác phẩm còn là sự chứng thực của những biến động xã hội mà người Việt Nam phải trải qua sau những năm tháng chiến đấu vì tự do.
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. |
Nỗi buồn chiến tranh đến nay đã được dịch và giới thiệu ở hơn 20 nước trên thế giới với tựa đề tiếng Anh được đặt là The Sorrow of War. Cuốn sách không chỉ nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình trong nước mà còn được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao.
Tác giả, nhiếp ảnh gia người Anh Tim Page đã so sánh Nỗi buồn chiến tranh với Phía tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque. Tác phẩm cũng được trao giải Cuốn sách nước ngoài hay nhất năm 1994 của tờ Independent và xuất hiện trong nhiều bài giới thiệu của các tờ báo uy tín như New York Times, The Guardian, Publishers Weekly,...
Ở đề tài chiến tranh, một tác phẩm khác của Việt Nam cũng được bạn đọc quốc tế đón nhận nồng nhiệt, đó là Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cuốn nhật ký đã ghi lại những suy nghĩ,cảm xúc về gia đình, xã hội và cuộc chiến của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm khi phải đối đầu trực diện với cái chết trong chiến tranh.
Hai trên ba tập nhật ký của Đặng Thùy Trâm được gìn giữ bởi một người lính Mỹ trong suốt 35 năm trước khi trao trả về cho gia đình của tác giả.
Những người lính Mỹ đã gọi Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một cuốn sách “có lửa” bởi tinh thần và lý tưởng của Đặng Thùy Trâm đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ thanh thiếu niên trong thời bình như một biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước.
Gần 4 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, cuốn nhật ký được xuất bản cả ở Việt Nam và Mỹ, tạo nên một tiếng vang lớn trong nền văn học. Độc giả nước ngoài đã gọi Đặng Thùy Trâm chính là nàng Anne Frank của Việt Nam và ca ngợi tác phẩm xứng đáng nằm trên bất kỳ giá sách nào ở bất cứ nơi đâu.
Bên cạnh bản sách tiếng Anh Last Night I Dreamed about Peace, cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm còn được dịch nhiều thứ tiếng khác như tiếng Nga, Nhật, Pháp, Đức, Lào...
Chuyến phiêu lưu của Dế Mèn tại hơn 30 quốc gia
Mảng sách thiếu nhi cũng làm rạng danh văn học Việt với nhiều tác phẩm được chuyển ngữ vươn ra thế giới. Tiêu biểu nhất phải kể đến Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần.
Phiên bản tiếng Anh của Dế Mèn phiêu lưu ký. |
Kể về cuộc phiêu lưu bước vào đời của một chú dế mèn, cuốn truyện thiếu nhi Dế Mèn phiêu lưu ký không chỉ được tái bản liên tục ở Việt Nam mà còn được dịch ra tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Bản dịch tiếng Anh Diary of a Cricket của Dế Mèn phiêu lưu ký đã được chuyển ngữ từ những năm 1960 do dịch giả Đặng Thế Bính thực hiện. Các bản dịch tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha,... hầu hết đều được phát triển từ bản dịch này.
Với giọng văn trong trẻo và thơ ngây, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã vinh dự nhận được Giải thưởng Văn học ASEAN của năm 2010. Đây cũng chính là bước đi đầu tiên của cuốn sách gia nhập nền văn học thế giới.
Tác phẩm lần lượt được dịch ra tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Anh với tựa đề Ticket to Childhood. Phần nào được so sánh với tác phẩm nổi tiếng Hoàng tử bé của Saint-Exupéry, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi không riêng gì trẻ em bởi những thông điệp truyền tải đến với người đọc.
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ thành công trong nước, mà còn được độc giả quốc tế đón nhận. |
Với mục tiêu đưa văn học Việt Nam giới thiệu bạn bè quốc tế, cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã được dịch thử nghiệm và đưa ra các hội sách và chuyền tay cho các du khách quốc tế.
Bản sách tiếng Anh mang tên Open the window, eyes closed đã nhanh chóng lấy lòng độc giả nước ngoài với những câu chuyện nhẹ nhàng giản dị đời thường dưới con mắt trẻ thơ của một cậu bé 10 tuổi.
Nhờ vậy mà tác phẩm được xuất bản tại Thụy Điển và giành được giải Peter Pan ở mảng sách văn học thiếu nhi.
Văn học Việt Nam không thiếu những tác phẩm chất lượng cả về hình thức và nội dung. Nhưng làm thế nào để thu hút được sự chú ý của các nhà xuất bản nước ngoài và đem sách Việt ra thế giới, sự nỗ lực không chỉ đến từ phía các đơn vị làm sách mà mỗi cá nhân người Việt Nam đều cần trong mình lòng tự hào quảng bá nền văn học nước nhà với bạn bè quốc tế.