Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Ngày xưa của con’: Chuyện lớn lao trong những điều giản dị

Những bài thơ be bé, bình dị, đọc lên vui tươi như khúc đồng dao lại chứa đựng trong đó dạt dào tình cảm yêu thương, gửi gắm thông điệp một cách tinh tế.

Như một món quà cho độc giả nhỏ trong dịp hè, sáng 7/4, trong một không gian nhỏ tràn ngập sách tại Hà Nội, tập thơ Ngày xưa của con ra mắt. Tác giả của cuốn sách - nhà báo, nhà thơ Huỳnh Mai Liên - luôn tự nhận mình “không có gì đặc biệt, thơ của mình không có gì xuất sắc”, nhưng những ai đã đọc thơ chị, đều dành ít nhiều lời khen ngợi.

Hãy xem, mọi người nghĩ gì về cuốn thơ nhỏ xinh này?

Ngay xua cua con anh 1
Tập thơ thiếu nhi Ngày xưa của con.

Rung động tận trái tim

Nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng thơ của Huỳnh Mai Liên có những hình ảnh rung động tận trái tim, như câu: “Mẹ nâng thật khẽ/ Bàn tay trắng xinh/ Đặt trong tay mình/ Như bông hoa nhỏ”.

“Cái tài của Huỳnh Mai Liên là biết lắng nghe, biết ngạc nhiên, rung động, ghi chép và nói hộ được tình yêu của mẹ - của con. Phải chăng tình yêu đã đánh thức tài năng? Hay là vì tài năng nên mới yêu được như thế và biểu lộ được như thế?”, Tạ Bích Loan nhận xét.

Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng ở Ngày xưa của con, tác giả viết thơ cho thiếu nhi mà không bị gượng gạo. “Viết thơ cho trẻ con không dễ. Vì mình đã là người lớn. Vì cái vui của thời mình nhỏ khác cái vui của con nhỏ thời mình lớn", Phạm Xuân Nguyên nhận định.

"Do đó, đọc thơ của người lớn viết cho trẻ con tôi thích sự hồn nhiên ngây thơ một cách tự nhiên, không phải kiểu 'cưa sừng làm nghé', cho người đọc nhập vào thế giới trẻ nhỏ được thích thú, tự do. Tập thơ Ngày xưa của con của Huỳnh Mai Liên có được cảm giác đó cho tôi”, ông cho biết.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam - tin tưởng: “Tôi tin chắc rằng, với mỗi bài thơ của tác giả, trẻ em đã thực sự chạm được vào những gì thân thuộc, được mở ra trong trí tưởng tượng trong sáng, lạ lùng về một thế giới xung quanh vừa lạ vừa quen”.

Ngay xua cua con anh 2
Bên cạnh những vần thơ nhỏ xinh, sách còn có tranh minh họa dễ thương của Mai Khuê và Thu Ngân.

Lật mở từng trang sách của Ngày xưa của con, những vần thơ ba chữ, bốn chữ, năm chữ cứ tự nhiên ngân lên như cách trẻ con đọc đồng dao, vừa trong trẻo lại gần gũi.

Ngay bài thơ đầu, Như là, giống một lời reo vui, truyền tới tinh thần hứng khởi: “Như là tia nắng/ Vàng mơ đầu ngày/ Như là lúc này/ Chồi non hé mắt/ Như là mặt đất/ Gọi mầm vươn vai”.

Thiên nhiên hiện hữu trong thơ Huỳnh Mai Liên vừa tự nhiên lại vừa trong sáng như cách trẻ em cảm nhận về vạn vật xung quanh vậy. Ở đó, khi cơn mưa tới, tác giả đã đóng vai mình là một đứa trẻ, và nhân cách hóa hạt mưa trở thành những người bạn: những người bạn mưa tới chơi. Chị viết: “Hình như ngoài hiên/ Tiếng gì lách cách/ Hay nhà có khách/ Còn đợi mời vào?” (Hạt mưa ghé chơi).

Hoặc khi viết về mùa đông đến, tác giả không đưa kiến thức thời tiết vào, mà nhìn bằng con mắt tưởng tượng của trẻ thơ, cho rằng trời lạnh là do mặt trời đi vắng: “Hình như Mặt Trời/ Mải chơi đâu đó/ Nên là Chị Gió/ Ghé nhà dọa Mây/ Ở dưới đất này/ Bà Mùa Đông tới/ Mặt thì tức tối/ Tung mưa trắng mờ”.

Dạt dào tình mẫu tử

Với tâm thế của một người mẹ có hai con, những trang thơ của Huỳnh Mai Liên dạt dào tình mẫu tử. Cả tập thơ nhiều lần nhắc đi nhắc lại những từ “con yêu mẹ”, “mẹ yêu con”.

Như trong Con yêu mẹ lắm: “Mẹ ơi ngồi xuống/ Cho con thơm nào/ Không hiểu vì sao/ Con yêu mẹ lắm”; trong tí ti giây phút con mải chơi mà quên mẹ, thì tình yêu vẫn hiện hữu: “Yêu mẹ mỗi ngày/ Sao con quên nhỉ/ Nhưng chỉ một tí/ Mẹ có giận không?”; hay lúc con nghịch ngợm, khiến mẹ phiền lòng, mẹ giận thì con vẫn không thôi yêu mẹ: “Hay để con vẽ/ Một bức tranh xinh/ Và mẹ trong hình/ Luôn yêu con mãi…”

Viết về tình cảm yêu thương, gần gũi hóa tình mẫu tử thiêng liêng bằng những việc bình dị, mỗi đứa trẻ khi đọc Ngày xưa của con đều cảm nhận được tình cảm với mẹ cha theo cách tự nhiên nhất.

Ngay xua cua con anh 3
Là một người mẹ của hai con nhỏ, Huỳnh Mai Liên gửi gắm tình mẫu tử trong những vần thơ dung dị, gần gũi.

Không chỉ có tình cảm thương yêu với người thân, niềm hứng khởi với thiên nhiên và cuộc sống, thơ của Huỳnh Mai Liên còn giúp con trẻ cảm nhận về những điều lớn lao trong các câu chuyện bình dị.

Những vấn đề mang tính trừu tượng như “đất nước là gì?” hiện hữu cụ thể, được định nghĩa bằng sự cộng hưởng của những điều giản đơn: là mẹ là cha, là tiếng Việt dịu dàng, là con đường, dòng sông, mặt trời khoe nắng…

Tình yêu Tổ quốc cũng được thể hiện bằng hình ảnh hết sức giản đơn: lá cờ nhỏ phất lên trong trận đá bóng: “…Nhưng xem bóng đá/ Mới là thật vui/ Chạy tới chạy lui/ Quanh căn phòng nhỏ/ Vẫy lá cờ nhỏ/ Việt Nam trong nhà”.

Không đao to búa lớn, không nặng nề với những bài học khô cứng, những vần thơ nhỏ xinh trong Ngày xưa của con như mạch nước ngầm chảy tới niềm vui sống, tình cảm yêu thương, những câu chuyện đẹp đẽ.

Những vần thơ ấy, thật xứng với lời nhận xét của PGS. TS Vân Thanh: “Cái lớn lao và cái nhỏ nhoi. Cái cao xa và cái gần gũi. Cái lớn và cái bé. Cái bên trong và cái bên ngoài. Cái cho người lớn và cái cho con trẻ... Dường như tất cả đều được thu gọn, ấp ủ, bao bọc trong 54 bài của tập thơ mang tên Ngày xưa của con của nhà thơ trẻ Huỳnh Mai Liên. Một tập thơ ít chữ và rất kiệm lời, mà có sức chứa nhiều điều về con trẻ và cho con trẻ...”


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm