Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dòng họ Trần phản ứng với chi tiết cha Trần Thủ Độ trong sách sử

Cho rằng chi tiết thân phụ Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị trong bộ sách "Lịch sử Việt Nam phổ thông" là sai, đại diện họ Trần Việt Nam kiến nghị thu hồi sửa chữa sách.

Bộ sách Lịch sử Việt Nam Phổ thông do Viện Sử học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam biên soạn, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản. Bộ sách gồm 9 tập, phát hành đầu năm 2018.

Gần đây, đại diện Ban liên lạc họ Trần Việt Nam đã có kiến nghị thu hồi bộ sách. Kiến nghị này xuất phát từ thông tin về cha đẻ của Trần Thủ Độ trong tập 3 của bộ sách. Tập 3 có nội dung trình bày những vấn đề, những sự kiện cơ bản nhất trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1593, do Nguyễn Minh Tường chủ biên, cùng các tác giả là Nguyễn Danh Phiệt, Phạm Văn Kính.

Sach co chi tiet cha Tran Thu Do bi phan ung anh 1
Cuốn sách có chi tiết về cha Trần Thủ Độ bị nhiều người trong dòng họ Trần phản ứng. 

Trong sách viết: “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1.194) ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tổ tiên của ông làm nghề chài lưới ở vùng Đông Triều, Quảng Ninh, sau chuyển tới Tức Mặc (Nam Định), rồi định cư tại vùng Bát Xá - Tam Nông bên dòng sông Luộc.

Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và Nguyên tổ của nhà Trần là Trần Lý thì họ Trần trở nên giàu có”.

Theo Đại tá Trần Nguyên Trung, đại diện Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam, đoạn thông tin viết về thân phụ của Trần Thủ Độ là không chính xác. “Trong các cuốn chính sử của Việt Nam viết về thời Trần lâu nay đều không có nhắc tới nhân vật Trần Hoằng Nghị. Lịch sử trước nay chúng ta vẫn học, vẫn đọc, vẫn hình dung không có”, Đại tá Trần Nguyên Trung nói.

Các tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, An Nam chí lược... lâu nay thường chỉ nêu Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé, ở với  bác ruột là Trần Lý.

Đại tá Trần Nguyên Trung cho biết thêm, trong một hội thảo vào năm 2007, GS Vũ Khiêu cũng luận có nhiều ý kiến trái chiều về nhân vật Trần Hoằng Nghị, cần tiếp tục nghiên cứu.

“Với một nhân vật chưa được khẳng định như vậy, không biết đưa nhân vật từ nguồn nào như vậy vào sách sử là rất nguy hiểm” - Đại tá Trần Nguyên Trung nói.

Theo Đại tá Trung, Ban liên lạc dòng họ Trần Việt Nam đã đưa vấn đề này tới Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Viện Lịch sử, cùng đại diện Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Thư kiến nghị thu hồi cuốn sách để chỉnh sửa nội dung cho thật phù hợp mới đưa ra phát hành.

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Viện Sử học đề nghị phối hợp với PGS-TS Nguyễn Minh Tường (chủ biên sách) báo cáo giải trình liên quan đến việc xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông. Kết quả làm việc phải được báo cáo bằng văn bản gửi về Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Ông Trần Quốc Dân - Phó Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật cho biết trong hợp đồng xuất bản cuốn sách có nêu rõ Viện Sử học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) là cơ quan chịu toàn bộ trách nhiệm về nội dung bộ sách. NXB để tác giả làm việc thêm với ban liên lạc họ Trần, và chờ phản hồi của phía Viện Sử học và các tác giả của sách.


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm