Khi Tổng thống Joe Biden được thông báo về một khinh khí cầu có thể là do thám của Trung Quốc đang bay qua tầng bình lưu ở độ cao 1.830 km phía trên Montana, ý định đầu tiên của ông là bắn hạ nó, theo CNN.
Theo hai quan chức Mỹ, quả cầu khổng lồ màu trắng, mang theo một trọng tải có kích thước bằng 3 chiếc xe buýt, đã bay vào và bay ra khỏi không phận Mỹ trong 3 ngày trước khi nó gây ra lo ngại cho vị tướng hàng đầu của Mỹ, đủ để thông báo cho tổng thống.
Sự xuất hiện của nó đã không được công chúng chú ý trong suốt thời gian nó trôi nổi về phía đông qua Alaska - nơi nó được Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) phát hiện lần đầu tiên vào ngày 28/1 - tiến vào Canada.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với phóng viên tại sân bay Hagerstown, Maryland, ngày 4/2. Ảnh: Reuters. |
NORAD tiếp tục theo dõi và đánh giá đường đi và các hoạt động của khinh khí cầu, nhưng các quan chức quân sự không coi đó là xâm phạm không phận Mỹ.
Các quan chức cho biết vào thời điểm đó, khinh khí cầu không được đánh giá là rủi ro tình báo hay mối đe dọa, mãi cho đến ngày 31/1, khi khinh khí cầu ra khỏi không phận Canada và quay trở lại Mỹ, và các quan chức phát hiện những dấu hiệu cho thấy nó dường như của Trung Quốc.
Hành trình của khinh khí cầu chỉ kết thúc vào hôm 4/2, khi máy bay chiến đấu F-22 bắn tên lửa tầm nhiệt vào nó ở Đại Tây Dương.
Hành trình kéo dài một tuần trên bầu trời Mỹ của khinh khí cầu, từ quần đảo Aleutian xa xôi đến bờ biển Carolina, đã để lại vết nứt mới cho nền ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington.
Sự việc cũng đặt ra câu hỏi về lý do Mỹ không bắn hạ khinh khí cầu sớm hơn, và liệu rằng quả cầu bay khổng lồ có thu thập được bất kỳ thông tin nào quan trọng trong hành trình bay của nó.
Tính toán kỹ lưỡng
Hôm 31/1, khi ông Biden đi từ Washington đến thành phố New York để tham dự một sự kiện, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley thông báo với ông rằng có khinh khí cầu Trung Quốc đang lơ lửng bên trên Montana.
Vị trí rất đáng lo ngại. Nó bay qua phía trên một căn cứ không quân có một trong những hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của Mỹ.
Đối với một số quan chức chính quyền, thời gian dường như có điểm đáng nghi. Khinh khí cầu lơ lửng trên bầu trời Mỹ cùng tuần mà Ngoại trưởng Antony Blinken chuẩn bị khởi hành đến Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm quan trọng, được coi là bước tiến mới trong nỗ lực hàn gắn ngoại giao mà ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí vào cuối năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.
Trong cuộc họp hôm 31/1 với tổng thống, ông Milley nói với ông Biden rằng khinh khí cầu dường như đang đi trên một lộ trình rõ ràng vào lục địa Mỹ. Vào thời điểm đó, tổng thống ngay lập tức yêu cầu ông Milley và các quan chức quân sự khác bắn hạ nó, hoặc đưa ra các phương án dự phòng.
Chiến đấu cơ Mỹ bay gần khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc trên vùng trời ngoài khơi bờ biển Surfside, South Carolina, ngày 4/2. Ảnh: Reuters. |
Đồng thời, ông yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia của mình thực hiện các bước để ngăn khinh khí cầu thu thập bất kỳ thông tin tình báo nào, bằng cách tạm dừng mọi hoạt động quân sự nhạy cảm hoặc liên lạc không được mã hóa trong vùng lân cận, các quan chức cho biết.
Tối hôm đó, các quan chức Lầu Năm Góc họp để xem xét các phương án quân sự của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, khi đó đang công du ở châu Á, đã tham gia trực tuyến. NASA cũng được cử đến để phân tích và đánh giá độ rộng của khu vực mà mảnh vỡ có thể văng ra nếu bị bắn, dựa trên quỹ đạo của khinh khí cầu, thời tiết và trọng tải ước tính.
Khi các phương án được trình bày vào hôm 1/2, ông Biden chỉ đạo ban lãnh đạo quân đội của mình bắn hạ khinh khí cầu ngay khi họ tìm được thời điểm phù hợp.
“Bắn nó đi”, ông Biden khi đó nói với các cố vấn quân sự của mình. Nhưng ông Austin và ông Milley nói rằng việc bắn hạ khinh khí cầu ngay lúc đó mang lại quá nhiều nguy cơ, do các mảnh vỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tài sản trên mặt đất.
“Họ nói với tôi ‘Hãy đợi khi nó đến nơi an toàn nhất để làm điều đó’”, ông Biden hôm 4/2 kể lại với các phóng viên.
Tuy nhiên, ông Biden có một yêu cầu quan trọng khác. Ông muốn quân đội bắn hạ khinh khí cầu theo cách có thể tối đa hóa khả năng thu hồi các mảnh vỡ, cho phép cộng đồng tình báo Mỹ có thể phân tích và hiểu rõ hơn về khả năng của nó. Các quan chức cho rằng bắn hạ nó trên biển cũng có thể làm tăng cơ hội phục hồi trọng tải.
Nỗ lực ngoại giao rạn nứt
Trong khi Bắc Kinh hôm 3/2 khẳng định khinh khí cầu chỉ là một thiết bị nghiên cứu khí tượng đi chệch hướng, thì chính phủ Mỹ tin chắc rằng phương tiện này được sử dụng để thu thập thông tin tình báo.
Các quan chức lập luận rằng cả khinh khí cầu được phát hiện ở Mỹ và một khinh khí cầu khác được phát hiện đang đi qua Mỹ Latin đều mang theo thiết bị giám sát thường không liên quan đến các hoạt động khí tượng hoặc nghiên cứu dân sự tiêu chuẩn.
Khinh khí cầu rơi sau khi bị bắn hôm 4/2. Ảnh: Reuters. |
Mỹ cũng quan sát thấy các động cơ nhỏ và cánh quạt trên khinh khí cầu, khiến các quan chức tin rằng Bắc Kinh kiểm soát được đường đi của nó.
Các quan chức Mỹ tin hai phương tiện được phát hiện thuộc đội khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắt gặp trên khắp thế giới trong vài năm qua.
Khi quân đội Mỹ đang điều chỉnh các phương án giải quyết khinh khí cầu, một nỗ lực song song được tiến hành với Trung Quốc để đánh giá lại việc ông Blinken đến thăm Bắc Kinh.
Sau một thời gian gần như ngừng tất cả cuộc đàm phán sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan vào năm ngoái, Trung Quốc cuối cùng đồng ý quay trở lại bàn đàm phán. Đây được xem là một bước quan trọng để duy trì sự ổn định trong mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.
Nhưng sự việc khinh khí cầu đang đẩy nỗ lực này vào nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn.
Tối 1/2, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Washington đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao, nơi ông Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đưa ra “một thông điệp rất rõ ràng” về việc phát hiện ra khinh khí cầu do thám, các quan chức nói với CNN.
Bản thân ông Biden nói với các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của mình rằng ông không nghĩ ông Blinken nên tiếp tục kế hoạch thăm Bắc Kinh.
Chuyến đi bị hoãn vài giờ trước khi ông Blinken lên máy bay.
“Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ chương trình nghị sự mà lẽ ra chúng ta có thể giải quyết sẽ bị thu hẹp đáng kể”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết.
Vài phút sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ theo lệnh của tổng thống, một phóng viên đã hỏi ông Biden về thông điệp mà ông muốn gửi đến Trung Quốc là gì khi đưa quyết định trên. Ông im lặng trước khi bước vào chiếc SUV của mình.
Ngày quyết định
Bản thân ông Biden được cập nhật thường xuyên trong suốt cả tuần về khinh khí cầu, về các cuộc trò chuyện với đối tác Trung Quốc, cũng như về phương án giải quyết khinh khí cầu.
Người dân xem cảnh bắn hạ khinh khí cầu hôm 4/2. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức tình báo và quân đội Mỹ đã nhanh chóng xác định và ngăn chặn bất kỳ rủi ro nào có thể phát sinh từ khinh khí cầu, trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực giảm thiểu các mối đe dọa do thám từ các vệ tinh tinh vi hơn.
Một quan chức khác cũng cho biết các thiết bị và máy bay quân sự của Mỹ đã ngay lập tức được triển khai để theo dõi và thu thập bất kỳ thông tin tình báo nào từ khinh khí cầu, và sẵn sàng bắn hạ nó, có thể là sau khi nó di chuyển trên vùng nước rộng.
Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết việc chờ đợi để thực hiện chiến dịch cho phép Mỹ “nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng” khinh khí cầu và thiết bị của nó.
Các quan chức cũng gợi ý rằng việc thu thập các mảnh vỡ từ khinh khí cầu có thể dễ dàng hơn nếu nó rơi xuống nước thay vì trên cạn.
Các cơ quan chính phủ đã làm việc suốt tuần để tìm đúng địa điểm và thời điểm thích hợp để bắn hạ phương tiện. Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã được Lầu Năm Góc yêu cầu chuẩn bị các phương án đóng cửa không phận từ đầu tuần.
Kế hoạch bắn hạ một lần nữa được trình bày với ông Biden vào tối 3/2 khi ông đang ở Wilmington, và được phê duyệt thực hiện trong ngày 4/2.
“Chúng tôi sẽ giải quyết nó”, ông Biden nói sau đó tại sân bay ở Syracuse, New York, sáng 4/2.
Các quan chức chính phủ đã được thông báo vào tối 3/2 về thời điểm đóng cửa không phận và các quan chức FAA được yêu cầu “sẵn sàng hoạt động” vào sáng 4/2.
Ông Austin đã đưa ra sự chấp thuận cuối cùng cho việc bắn hạ ngay sau buổi trưa 4/2, theo một quan chức quốc phòng.
Vào khoảng 13h30 giờ địa phương, FAA đã thiết lập một trong những khu vực không phận bị hạn chế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, lớn hơn 5 lần diện tích của vùng hạn chế ở Washington, DC, và gần gấp đôi diện tích của bang Massachusetts.
FAA cho biết lệnh hạn chế chuyến bay tạm thời - được đưa ra theo yêu cầu của Lầu Năm Góc - trải rộng trên khoảng 240 km bờ biển Đại Tây Dương, làm tê liệt tạm thời 3 sân bay thương mại Wilmington, Myrtle Beach và Charleston.
Khi ông Biden vừa cất cánh từ Syracuse thì các máy bay chiến đấu cất cánh từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia bắn một tên lửa vào khinh khí cầu.
Khi mảnh vỡ của nó lao xuống Đại Tây Dương, ông Biden đang nói chuyện điện thoại với đội an ninh quốc gia của mình trên chiếc Không Lực Một.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.
G20 Indonesia
Tổ chức quy mô lớn Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với quy mô và tầm vóc lớn, gồm nhiều hoạt động nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ về năm tháng tuổi trẻ tại Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group, Romania.
Thủ tướng: Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tổng thống Indonesia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia đã kết thúc tốt đẹp; qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược VN-Indonesia đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia sớm đạt 15 tỷ USD
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn.