Người dân chụp lại cảnh khinh khí cầu Trung Quốc bay ngoài khơi bờ biển Surfside, Nam Carolina, hôm 4/2. Ảnh: Randall Hill/Reuters. |
Quân đội Mỹ đã dùng các máy bay chiến đấu từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia để bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên Đại Tây Dương lúc 14h39 chiều 4/2, theo Reuters.
Một nhân chứng tình cờ chứng kiến và ghi lại hình ảnh vụ bắn hạ khi đang tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần tại bãi biển Myrtle, Nam Carolina.
Đám đông reo hò
“Chúng tôi đang ăn trưa và nói đùa với nhau rằng: 'Nếu chúng ta nhìn thấy nó thì sao? Nếu nó ở ngay đây thì sao?'”, Joey Lopes, một giáo viên từ thành phố ven biển Georgetown, Nam Carolina, chia sẻ.
Lopes nói với CNN rằng anh quyết định rút điện thoại ra và bắt đầu ghi lại cảnh tượng trên bầu trời ngay trước khi một quả tên lửa bắn hạ khinh khí cầu.
“Chúng tôi thấy các máy bay chiến đấu bay vòng quanh. Có khoảng 3-4 chiếc”, Lopes nói. “Sau đó, chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ và khinh khí cầu biến mất”.
Khinh khí cầu bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Surfside hôm 4/2. Ảnh: Reuters. |
Lopes nói thêm anh lo ngại về khả năng mảnh vỡ có thể rơi xuống nếu khinh khí cầu bị bắn trên đất liền, nhưng rất vui vì quân đội đã đợi cho đến khi nó đến biển.
“Tôi đã thấy rất nhiều thứ điên rồ ở Myrtle Beach trong ba năm qua. Đây là điều điên rồ nhất”, anh cho hay.
Tờ National News cũng đưa tin đám đông người dân đứng dọc lối đi ở bãi biển Myrtle đã reo hò khi khinh khí cầu bị bắn hạ. Nhiều người kịp ghi lại khoảnh khắc này bằng camera điện thoại hoặc máy ảnh đã chia sẻ video trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong khi đó, một phóng viên ảnh của Reuters chứng kiến vụ bắn hạ cho biết một luồng khí phát ra từ máy bay phản lực và va vào khinh khí cầu, nhưng không có tiếng nổ, sau đó nó bắt đầu rơi xuống.
Phóng viên ảnh của Reuters ở khu vực Myrtle Beach có thể nhìn thấy hai máy bay quân sự của Mỹ áp sát bên cạnh khinh khí cầu bị tình nghi do thám.
Khuyến cáo từ chính quyền địa phương
Sau vụ bắn hạ, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nhặt mảnh vỡ từ khinh khí cầu để làm đồ lưu niệm, CNN đưa tin.
Theo chính quyền hạt Horry, Nam Carolina, các mảnh vỡ của khinh khí cầu có thể trôi dạt vào bờ biển khi quân đội Mỹ tiến hành hoạt động thu gom.
“(Người dân) không nên chạm vào, di chuyển hay loại bỏ các mảnh vỡ”, một bài đăng trên Facebook từ chính quyền Hạt Horry viết. “Những mảnh vỡ này sẽ phục vụ của cuộc điều tra của lực lượng liên bang và hành động làm xáo trộn có thể ảnh hưởng đến cuộc điều tra”.
CNN cũng cho biết mảnh vỡ khinh khí cầu sẽ chuyển đưa đến phòng thí nghiệm ở Quantico của FBI Virginia để các chuyên gia phân tích.
Vào ngày 4/2, một quan chức cấp cao cũng tiết lộ Bộ Quốc phòng đã triển khai nỗ lực hợp tác với FBI và các cơ quan phản gián để hỗ trợ “phân loại và đánh giá”.
Một người dân chụp lại hình ảnh khinh khí cầu tại Nam Carolina. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, cảnh sát thành phố Gastonia, bang Bắc Carolina, đã kêu gọi người dân không bắn bừa lên trời khi chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua.
“Đừng cố dùng súng bắn bừa vào khinh khí cầu để nó rơi xuống”, cảnh sát Gastonia viết trên trang Facebook chính thức của lực lượng này, Newsweek đưa tin ngày 4/2.
Nếu khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua, “đừng gọi cảnh sát để thông báo”, cảnh sát Gastonia nói. “Chúng tôi không có khả năng bay lên độ cao 60.000 foot (khoảng 18,3 km) để kiểm tra. Chúng tôi khá chắc rằng chính quyền liên bang muốn chúng ta không can thiệp”.
Giới chức Mỹ đã phát hiện một khinh khí cầu của Trung Quốc bay vào không phận Mỹ trong nhiều ngày ở bang Montana. Lầu Năm Góc ban đầu cáo buộc đây là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 3/2 nói đây chỉ là khinh khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu và đã bị lệch khỏi lộ trình ban đầu do gió, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.