Những cụ bà làm kinh doanh đáng nể
Mặc dù tuổi đã cao nhưng những sếp bà này vẫn khiến nhiều người nể phục bởi tài lãnh đạo, sự nhiệt tình với công việc.
Chủ soái tuổi gần 80
Sinh năm 1936, đã lên chức bà ngoại từ lâu nhưng nữ doanh nhân người Bình Định - Trần Thị Hường (Tư Hường) vẫn làm được những điều khó tin ở tuổi gần 80: điều hành công ty bất động sản, cố vấn HĐQT ngân hàng, sở hữu khối tài sản có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD và là chủ của khu resort Diamond Bay.
Nữ đại gia gần 80 tuổi này còn đình đám với việc đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam lần đầu tiên và mời được Lady Gaga đến biểu diễn.
Từ đầu những năm 1990, bà Tư Hường đã nổi tiếng với 2 thương vụ thu lời hàng chục triệu USD trong ngành kinh doanh đồ uống, số tiền rất lớn vào thời đó. Đó là thương vụ bà đầu tư 15 triệu USD để xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD.
Doanh nhân Trần Thị Hường (Tư Hường). |
Bà lớn lên trong hoàn cảnh gia đình thất bát, từng làm người ở, học may, bán hàng,... Sự nghiệp đến với bà từ đam mê kinh doanh bất động sản, và cũng đi lên nhờ buôn bất động sản.
Năm 1993, bà Hường thành lập công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng, tổng vốn điều lệ (tính đến năm 2010) khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà từng giữ chức Phó chủ tịch công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) và sở hữu hơn 8,3% vốn khi mã này chính thức niêm yết trên sàn TP. HCM vào đầu năm 2010. Khi đó, khoản đầu tư của bà Hường có trị giá tương đương hơn 110 tỷ đồng.
Ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bà Hường còn sở hữu lượng cổ phần lớn tại ngân hàng Nam Á. Không phải người điều hành trực tiếp mà chỉ giữ chức vụ cố vấn HĐQT của ngân hàng Nam Á nhưng bà Hường là cổ đông cá nhân lớn thứ ba tại đây với tỷ lệ nắm giữ 9,5% vốn.
Tính đến năm 2011, 5 thành viên trong gia đình bà Hường sở hữu tới 20% vốn của ngân hàng Nam Á. Trong đó, con gái và con trai cả của bà lần lượt giữ vị trí Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Lão bà 74 tuổi thâu tóm mía đường
Doanh nhân Trần Thị Thái năm nay đã 74 tuổi, cái tuổi mà phần lớn mọi người đã nghỉ ngơi vui thú điền viên từ lâu. Thế mà "lão bà" này vẫn miệt mài với công việc kinh doanh.
Bà Trần Thị Thái đang là Giám đốc công ty Kim Hà Việt. Ngoài ra, bà còn tham gia ban quản trị của một loạt doanh nghiệp mía đường khác như: Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Bến Tre, thành viên HĐQT CTCP Đường Kon Tum, thành viên HĐQT CTCP Mía đường Cần Thơ, thành viên HĐQT CTCP Mía đường Sơn La, thành viên HĐQT CTCP Mía đường Sóc Trăng (SST)
Bà Thái đã trực tiếp tham gia điều hành rất nhiều doanh nghiệp. Theo hồ sơ, từ năm 1976 - 1995, bà Thái kinh doanh lương thực thực phẩm, từ 1995-2003 là chủ doanh nghiệp tư nhân và từ 2003 đến nay là Giám đốc Công ty TNHH Kim Hà Việt.
Kim Hà Việt hiện là doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh đường lớn của Việt Nam, với doanh thu khoảng 2.300 tỷ đồng.
Nữ đại lão gia ngành dược
Trong ngành dược, ai cũng biết người chèo lái đưa "con thuyền" Dược Hậu Giang từ một xí nghiệp dược trên bờ vực phá sản trở thành một trong những công ty dược hàng đầu Việt Nam chính là bà Phạm Thị Việt Nga.
Bà Nga sinh năm 1951, tại huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Bà Nga gắn bó với Dược Hậu Giang từ những năm 1980 - khi còn là chủ nhiệm hiệu thuốc Thốt Nốt - TP. Cần Thơ. Bà Nga là Dược sĩ và Tiến sĩ Kinh tế. Từ năm 2004, được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Khoa học Công nghệ công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Ngày 1/7/2012, bà Nga đã chuyển giao việc điều hành tại Dược Hậu Giang và giữ cương vị là chủ tịch HĐQT.
Bà Phạm Thị Việt Nga. |
Doanh thu của Dược Hậu Giang khi bà Nga về tiếp quản chỉ đạt 895 triệu đồng. Kết thúc năm 2011, tổng tài sản của Dược Hậu Giang là 1.996 tỷ đồng, doanh thu thuần gần 2.491 tỷ, lợi nhuận sau thuế là 419,76 tỷ, lãi cơ bản trên một cổ phiếu là 6.382 đồng.
Đi lên từ kháng chiến nhưng bà Nga điều hành doanh nghiệp vượt cả các doanh nhân giỏi thời bình. Kỹ năng lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp của bà là nhờ liên tục học hỏi. Bà Nga cho biết: "Đã thành nề nếp, dù là công việc gì, cũng phải làm tới nơi, tới chốn theo tiêu chí 'đã muốn phải làm, đã làm phải thắng'. Bản thân tôi, mỗi buổi công tác với cộng sự tôi đều đào tạo họ. Học là một quá trình liên tục và học qua công việc là cách học hiệu quả nhất".
Đế chế vàng bạc của cụ Lương Thị Điểm
Ở vào cái tuổi gần 80, vậy mà bà Lương Thị Điểm - người đã tạo dựng nên doanh nghiệp vàng Bảo Tín hàng ngày vẫn say sưa miệt mài với công việc kinh doanh cũng như công tác xã hội. Bà vẫn là người chủ tinh thần và quyết định quan trọng nhất ở hệ thống kinh doanh vàng bạc tư nhân lớn ở Hà Thành.
Để có được thành công như ngày hôm nay, doanh nhân Lương Thị Điểm đã phải trả qua biết bao gian nan khổ cực, nhiều khi tưởng như không thể vượt qua.
Doanh nhân Lương Thị Điểm. |
Mặc dù tuổi cao, bà vẫn dành thời gian, sức lực và tâm huyết làm việc thiện, tham gia ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt, những mảnh đời cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Với những người nghèo ở địa phương gặp khó khăn, bà cho vay hàng chục triệu đồng không tính lãi.
Bà Lương Thị Điểm không chỉ thành công trong kinh doanh, trong việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, mà còn thành công trong việc tạo dựng một mái ấm gia đình, bà được bình chọn là một điển hình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đặc biệt, cả 6 người con đều kế nghiệp của bà và rất thành công với hệ thống kinh doanh vàng Bảo Tín ở Hà Nội.
Theo Vietnamnet