Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn một (quận Hà Đông, Hà Nội) có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67.863 m2, gồm một khối nhà cao 6 tầng có hai đơn nguyên (1A và 1B). |
Trong đó, đơn nguyên 1A có diện tích 17.316 m2 gồm khoa khám bệnh (với năng lực hơn 500 lượt khám/ngày); các khu cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và cận lâm sàng; hành chính. Đơn nguyên 1B có diện tích 11.797 m2 có chức năng điều trị nội trú và dịch vụ tích hợp. |
Ở giai đoạn một, bao gồm bệnh viện sẽ có khối khám bệnh và điều trị ngoại trú; khối kỹ thuật nghiệp vụ cận lâm sàng; khối hành chính hậu cần theo quy mô công suất bệnh viện và nhu cầu sử dụng; khối điều trị nội trú (200 giường bệnh). |
Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn một được xây dựng tại khu vực chân cầu vượt Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội), kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi. Mặt ngoài của công trình có tông màu xanh chủ đạo, hiện nay các công nhân đang tích cực hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để chuẩn bị cho lễ khánh thành sắp diễn ra. |
Đây là bệnh viện nhi đầu tiên của Thành phố Hà Nội. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, bệnh viện được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Nhi Trung ương và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thủ đô và khu vực phía Bắc. Công trình dự kiến sẽ được gắn biển khánh thành vào dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). |
Dự án Cung thiếu nhi Hà Nội (nằm trên địa bàn hai quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm) là một trong những công trình trọng điểm của TP. Hà Nội. Cung được xây dựng nằm cạnh khuôn viên Công viên hồ điều hòa CV1 với tổng diện tích xây dựng lên đến 40.000 m2, trong đó diện tích xây dựng là hơn 10.000 m2. |
Với rất nhiều tiện ích như khu thi đấu thể thao trong nhà, bể bơi 4 mùa, tháp thiên văn, tổ hợp nhà hát đa năng 800 chỗ kết hợp cùng rạp chiếu phim 3D - 4D với sức chứa 200 chỗ ngồi, khi đưa vào hoạt động, cung thiếu nhi được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm văn hóa, thể thao lớn của thanh niên và thiếu nhi. Công trình được khánh thành ngày 21/9 vừa qua, chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). |
Tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km vừa được đưa vào khai thác ngày 8/8/2024 vừa qua sau gần 15 năm thi công. |
Ngày 20/9, TP. Hà Nội công nhận công trình: “Đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy” thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. |
Sau 6 năm thi công, tuyến đường được đầu tư 1.200 tỷ đồng nối từ đường Nguyễn Văn Cừ (đường 5 đi Hải Phòng) đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy, quận Long Biên chuẩn bị khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. |
Tuyến đường có chiều dài 1,5 km, mặt cắt ngang 40 m với 6 làn xe. Điểm cuối của tuyến đường là cây cầu vượt thép tại nút giao Hồng Tiến - Nguyễn Văn Cừ, thiết kế cầu vượt chiều dài và đường dẫn khoảng 400 m, hai làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp. Công trình sau khi hoàn thành sẽ tạo tuyến đường thông suốt từ cầu Đông Trù đi qua các phường Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn và nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) có chiều dài 3,4 km với tổng mức đầu tư khoảng 544 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư. |
Tuyến đường mới có thiết kế mặt cắt ngang từ 26,5-31 m. Mặt đường chính rộng 16,5-21 m, thiết kế 4-6 làn xe. Công trình được khởi công xây dựng từ đầu năm 2021. Sau nhiều lần phải lùi tiến độ, đến sáng 4/10, công trình đã được hoàn thành và chính thức thông xe. |
Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ giúp giải tỏa ùn tắc, bảo đảm giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đồng thời nâng cao năng lực phòng chống lũ của tuyến đê Hữu Hồng, bảo vệ Thủ đô. |
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.