Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. |
Lệnh báo động lũ này được đưa ra căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Long Biên hồi 11h10 ngày 10/9 là 9,5m (mực nước báo động 1 là 9,5m). |
Trong đêm 9/9 và rạng sáng ngày 10/9, tại khu vực Hà Nội xuất hiện mưa lớn khiến mực nước sông Hồng dâng cao và liên tục tăng nhanh. Nước dâng cao khiến nhà dân nằm dọc phố Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm) ngập sâu. |
Tại khu vực phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) ngoài đê sông Hồng, nhiều khu vực đã bị ngập tới cổ. Người dân đang cố gắng vớt vát, vận chuyển tài sản lên chỗ cao hơn. |
Ông Văn Tuấn (người dân sinh sống tại khu vực phường Chương Dương) cố gắng ngụp lặn trong dòng nước để cứu lấy chiếc xe xích lô của mình. "Do khu vực này nhiều gạch đá lổn nhổn cộng thêm xe rất nặng nên tôi phải nhờ sự trợ giúp của vài anh em mới kéo được chiếc xe lên bờ an toàn". |
Nhiều gia đình ven sông Hồng không kịp trở tay, phải vội vã di dời đồ đạc cùng vật nuôi đến nơi an toàn khi nước dâng cao sáng 10/9. |
Đến kiểm tra công tác di dời dân tại khu vực nguy hiểm ông Nguyễn Văn Phong (Phó Bí thư thành ủy Hà Nội) động viên người dân di dời khẩn cấp đến nơi an toàn để tránh nước lũ dâng cao. "Các lực lượng cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, công an, an ninh cơ sở tập trung đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn đảm bảo tối đa tài sản của bà con", ông Phong nói. |
Ông Phong cho biết thêm, học sinh ở các trường thuộc địa bàn úng ngập sẽ được bố trí tạm chuyển đến các trường học ở địa bàn lân cận, an toàn nhằm hạn chế việc gián đoạn học tập. |
Khu vực sân chơi ngoài trời tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) bị ngập hoàn toàn. Người dân tại đây cho biết, từ vài chục năm nay mới ghi nhận nước lũ dâng cao như vậy. |
Khoảng 11h sáng cùng ngày, các cán bộ chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Thủ đô có mặt tại khu vực phường Chương Dương, triển khai xuống máy sẵn sàng ứng cứu, di dời người và tài sản của nhân dân. |
Lực lượng công an phường giúp người dân di dời tài sản tại khu nhà tạm của dân lao động (phía sau lưng chợ Long Biên, Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) trong sáng 10/9. |
Nhân viên điện lực cắt điện tạm thời của một số hộ dân thuộc diện di dời để đảm bảo an toàn. |
Tại khu vực cầu Long Biên, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về, chảy xiết cuốn theo rất nhiều rác, cây gỗ, bụi chuối. |
Cũng trong sáng 10/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ra thông báo sẽ không chạy tàu qua Cầu Long Biên do nước sông Hồng dâng cao và chảy siết để đảm bảo cho hành khách và kết cấu hạ tầng giao thông. |
Mực nước sông Hồng chỉ còn cách gầm cầu Long Biên chưa đầy 3m. Hiện nay chỉ có ít tàu thuyền nhỏ có hướng dẫn mới được đi qua gầm cầu. |
Ghi nhận trong chiều 10/9, mực nước sông Hồng dâng rất cao song tại vùng trồng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ), phần lớn các vườn đào chưa xuất hiện tình trạng ngập úng. Tuy nhiên một số vườn đào gần ven sông Hồng đã bị ngập sâu, nước dâng cao tới ngọn cây đào đang nuôi trồng. |
Ông Nguyễn Thanh Hải (quận Tây Hồ) lội quanh vườn để cứu lại chút hoa màu ít ỏi. "Sáng nay lúc 9h tôi xuống vườn vẫn còn chưa thấy có dấu hiệu gì, vậy mà bây giờ nước tràn vào quá đầu gối, chúng tôi không kịp trở tay. Thế là thiệt hại hàng tỷ bạc nữa rồi", ông Hải nói. |
Tại các vườn trồng cây ăn quả, hoa màu gần ven sông Hồng trong ngõ 264 Âu Cơ (quận Tây Hồ), mực nước dâng cao khiến cho các cung đường dẫn vào vườn cây ngập sâu trong nước, người dân phải đặt một chiếc thuyền nhỏ đầu đường để di chuyển vào. |
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.