Động vật bốn chân đã phải mất rất lâu để có thể đi lại được trên đất liền, đến nỗi ta có ấn tượng rằng giờ đây chúng mắc chứng điên! Cứ như thể chúng tìm thấy tự do khi có thể chạy, leo trèo, khám phá những lãnh thổ mới. Cứ như thể chúng muốn đẩy đến tận cùng những giới hạn của cơ thể. Cứ như chúng tự nhủ, chẳng hạn: mình đã có bốn chân và mình đi lại được, như thế thật tuyệt, nhưng tại sao lại không thử đi lại trên hai chân thôi nhỉ? Mình có thể đi nhanh hơn nữa!
Tất nhiên, không một động vật bốn chân nào thực sự nghĩ được như thế. Trên thực tế, cũng như từ khởi đầu sự sống, cơ thể của động vật và thực vật thay đổi dần dần, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Con cái sẽ không giống như bố mẹ chúng. Có thể một ngày nào đó, để bắt một con côn trùng đang chạy trên một cây con, một động vật bốn chân trẻ tuổi nhận ra rằng nó có thể đứng thẳng trên hai chân sau, bằng cách chống hai chân trước lên thân cây.
Và rồi có thể nhờ làm như vậy, nó nhận ra rằng mình có thể vẫn giữ được tư thế đứng thẳng trên hai chân sau mà không phải bấu víu vào đâu cả. Từng chút một như một em bé tập đi. Nhưng thời bấy giờ thì điều đó cần nhiều thời gian hơn. Cần phải trải qua nhiều thế hệ để sự thay đổi thực sự được thiết lập.
Aphelosaurus là một trong những con vật đầu tiên giữ được tư thế đứng thẳng. Nó giống một con thằn lằn, với thân hình nhỏ nhắn, những cái chân và một cái đuôi mảnh và dài. Móng vuốt của nó khỏe, quắm và sắc nhọn, hẳn là giúp nó leo được lên cây. Và nếu cảm thấy nguy hiểm, thì hốp, nó bắt đầu chạy bằng hai chân!
Phác thảo những con Eudibamus và Dimetrodon. Tranh: Artstation. |
Eudibamus cũng rất giống Aphelausaurus, có những chân sau cơ bắp hơn mà nó có thể dùng để chạy nhảy. Bạn tưởng tượng được không, một vận động viên nhảy cao thằn lằn chạy trốn giữa cây cối? Bong! Bong! Bong! Ta tưởng như mình đang trong một bộ phim hoạt hình, tuy nhiên, chuyện đó có thật luôn!
Và kẻ điên rồ nhất trong họ có tên là Coelurosauravus. Nó cũng có bóng dáng của một con thằn lằn. Một gã điển trai dài bằng cánh tay của bạn. Thế hệ này kế tiếp thế hệ khác, những tổ tiên của nó đã chứng kiến các que xương mọc ra ở mỗi bên cơ thể, và trên những que này chăng lên một lớp da.
Ban đầu, có lẽ que này dùng để tản nhiệt: nó dò bắt sức nóng của Mặt Trời, thứ giúp cho cơ thể ấm lên nhanh hơn vào buổi sáng để đi săn, trước những con thằn lằn khác vẫn còn đang uể oải do cái lạnh của ban đêm. Giờ đây Coelurosauravus đã có hai cái cánh xinh xẻo mà nó có thể giang ra tuỳ ý. Nó dùng chân leo lên cây và khi đã ở trên cao tít, nó lao mình vào khoảng không. Đích thị là một kẻ liều lĩnh! Nó sà xuống bằng cách lượn khoảng vài chục mét trước khi níu lấy một nhánh cây khác, thấp hơn một chút.
Cũng có thể nói rằng con côn trùng mà nó đã nhắm được không biết nó đến nên chẳng có một cơ may trốn thoát nào! Và dù nguy hiểm thì sống trên cây cao cũng yên tĩnh hơn: nó tìm thấy ở đó đầy những thứ ngon lành để ăn, bởi vì không nhiều con vật ăn mồi có khả năng trèo dọc thân cây, còn những động vật bốn chân ăn thịt to lớn chỉ mong chuyện xấu đến với nó thì lại quá nặng nề để chơi trò thăng bằng cách mặt đất 20 m.
Hơn nữa, đang có kẻ đi qua ở dưới, bên gốc cây, một động vật bốn chân ăn thịt to lớn. Đó là con Dimetrodon. Nó dài tận hơn 3 m! Cùng một cái hàm to lớn đầy răng sắc bén hoặc nhọn hoắt… Nó cũng có một phiến da căng trên những que xương, nhưng những xương này mọc ra từ cột sống của nó, tạo thành cánh buồm dựng thẳng trên lưng. Cánh buồm này giúp những con Dimetrodon trong khu vực nhận ra nhau, bởi mỗi con lại mang một cánh buồm không hoàn toàn giống nhau với đủ mọi hình dáng và màu sắc hơi khác nhau.
Coelurosauravus với hai cánh giúp chúng bay lượn. Tranh: Gabriel. |
Cũng giống như ở con Coelurosauravus, các cánh buồm này cũng giúp cho những kẻ sở hữu chúng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể: ánh nắng sưởi ấm máu chảy trong nhiều mạch máu của chúng. Đó giống như chiếc lò sưởi trung tâm trong các ngôi nhà: nước ấm chảy trong đường ống để sưởi ấm tất cả các phòng…
Con Dimetrodon này thấy rõ những con thằn lằn bay lượn từ cây này sang cây khác, chẳng coi nó ra gì. Nhưng nó có thể làm được gì chứ, trừ khi chờ cho một con trong số chúng bị gãy cành và rớt xuống đất? Dimetrodon không kiên nhẫn lắm. Thế nên nó rời đi, tìm kiếm những động vật bốn chân khác dễ bắt hơn. Cũng như một số kẻ ăn cỏ, những con vật hiền hòa không có răng: chúng dùng cái mỏ hình lưỡi liềm cắt lá cây và nghiền thành những mẩu nhỏ.
Thực ra, vào thời này, điều đó cũng giống như hiện nay trên các đồng cỏ: động vật ăn thịt không ngừng làm phiền động vật ăn cỏ. Mà đúng rồi, ta không thể nói về động vật bốn chân ăn cỏ được, bởi vì cỏ còn chưa tồn tại! Đúng hơn phải nói chúng là động vật ăn thực vật.
Nhưng một thảm họa lớn nhất thế giới đang đến gần. Nó sẽ không trừ động vật ăn thịt, động vật ăn cỏ, không trừ động vật trên cạn, cũng chẳng trừ động vật dưới biển…