Suleiman lúc này đã 35 tuổi. Bất chấp thất bại ở Vienna, Đế quốc Ottoman vẫn ở thời kỳ đỉnh cao và vị vua này cũng đang ở đỉnh cao vinh quang. Vẫn chưa có sự kiện gì phủ bóng đen lên hạnh phúc của “người nắm giữ thời đại”, Vương chủ, Quốc vương với danh nghĩa Nhà tiên tri của Chúa và Lãnh tụ của các Tín hữu sùng đạo. Năm 1530, ông có hai người bạn thân: Đại tể tướng Ibrahim, người không bao giờ rời xa ông, và một trong những người vợ của ông, Hurrem Sultan, được châu Âu biết đến với cái tên Roxelane.
Chúng ta biết rất ít về các hoàng tử của Nhà Osman và thậm chí còn biết ít hơn về những người phụ nữ, hàng nghìn người trong số họ đã sống qua nhiều thế kỷ trong hậu cung của các vua Thổ Ottoman. Ngoài một vài lời nói bừa bãi của các quan chức hàng đầu mà các du khách và nhà ngoại giao phương Tây nghe được, chúng ta hầu như không biết gì về những người phụ nữ vô danh vừa mới chuyển vào hoặc lìa trần trong hậu cung lẫn những người sống ở đó, có một vị trí quan trọng và còn là thân mẫu của các hoàng tử và công chúa.
Vài người trong số họ là những người phụ nữ giỏi bày mưu tính kế khiến tên tuổi họ được nhắc đến, nhưng chúng ta cũng chỉ biết mỗi cái tên mà thôi, chẳng hạn như nàng Koşem Sultan nổi tiếng. Cả cuộc đời họ trôi qua trong những bức tường của cung điện Topkapi hay cung điện cổ kính Seraglio mà không để lại bất kỳ dấu tích nào.
![]() |
Tranh vẽ chân dung hoàng hậu Roxelane và hậu cung Ottoman. Ảnh: TheCollector. |
Roxelane được chúng ta biết đến nhiều hơn, mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ, bắt đầu từ hoàn cảnh ra đời của bà. Theo truyền thống Ba Lan, bà là con gái của một linh mục nghèo đến từ Rohatyn ở Ruthenia, trên Dniester, một vùng giáp với Hungary, Moldavia và Ba Lan. Bà có tên khai sinh là Alexandra Lisowska và bị người Tartar chuyên đột kích vào Ba Lan mang đi bán cho Ibrahim và tặng cho Suleiman làm quà. Tuy nhiên, không có nguồn nào xác minh câu chuyện này.
Biệt danh Roxelane của bà có nghĩa là “người phụ nữ Nga” chứ không phải “Người có mái tóc đỏ” như người ta tưởng. Theo Bragadino, đại sứ Venice, dáng vẻ thấp - không đẹp nhưng đầy đặn - tính tình ham vui của bà đã khiến bà có biệt danh là Hurrem (người phụ nữ vui vẻ). Vừa thông minh vừa khéo léo, bà đã dùng “sự quyến rũ và tài năng của mình” để truyền cảm hứng cho niềm đam mê độc quyền của quốc vương.
Người ta nói rằng bà có thể hát và đánh ghi-ta những bài hát Slav hoài cổ, nhưng ảnh hưởng của bà đối với Suleiman chắc hẳn là do bà sinh cho ông bốn đứa con trai chứ không phải là nhờ năng khiếu âm nhạc của mình. Bà sớm chiếm trọn trái tim của Quốc vương. Theo lời Bragadino kể, khi có người dâng tặng Suleiman những cô gái trẻ đẹp, bà đã dàn dựng tình huống để buộc ông phải đuổi họ đi: “Nếu những cô gái đó hoặc bất kỳ ai khác ở lại Seraglio, bà ấy sẽ chết vì đau buồn.” Theo Busbecq, đại sứ của Ferdinand, Roxelane đã chiếm được tình cảm của Suleiman “bằng bùa yêu và ma thuật”.
Khi Roxelane đến cung điện, sủng nương hàng đầu (kadin) tên là Gulbahar, có lẽ là người gốc Tartar, người đã sinh cho Suleiman một đứa con trai tên là Mustafa. Roxelane đã loại bỏ đối thủ của mình trong một cảnh tượng mà theo đại sứ Venice mô tả là một trận chiến thực sự. Tóc bà bị xé toạc và mặt bị cào xước, bà nói rằng mình không thể xuất hiện trước Suleiman trong tình trạng như vậy. Kể từ ngày đó, Suleiman không còn ngó ngàng gì đến Gulbahar nữa. (Bà rời hậu cung cùng Mustafa khi anh được bổ nhiệm làm Thống đốc tỉnh ở Manisa.)
Khi một trận hỏa hoạn gây thiệt hại lớn cho cung điện cổ kính Seraglio, Roxelane đã nắm bắt cơ hội để xin được sống trong cung điện mới - mà chúng ta gọi là Topkapi - trung tâm của đời sống chính trị và tòa án của Quốc vương, nơi ông cũng có một gian phòng. Bà mang theo một nhóm hoạn quan, cả da đen và da trắng, cùng người hầu; và bà ở lại đó luôn. Hậu cung và chính quyền giờ không còn tách biệt nữa; và điều này dẫn đến một kết cục rất tồi tệ.
Một thời gian sau, bà đánh dấu chiến thắng của mình bằng cách kết hôn với Suleiman, mặc dù triều đình không chấp thuận và thậm chí không một nhà biên niên sử Ottoman nào đề cập đến điều đó. Nhưng theo Busbecq, của hồi môn mà Suleiman ban tặng cho bà, và theo luật pháp Ottoman, đã hợp pháp hóa cuộc hôn nhân.
Cuộc hôn nhân cũng được Nhật báo Ngân hàng Genoese của Thánh George đưa tin: “Một sự kiện đặc biệt nhất đã diễn ra trong tuần này tại thị trấn, hoàn toàn chưa từng có trong lịch sử của các quốc vương Ottoman. Chúa tể Suleiman vĩ đại đã chọn một người phụ nữ gốc Nga tên là Roxelane làm hoàng hậu trong sự vui mừng khôn xiết. Buổi lễ diễn ra ở Seraglio vô cùng hoành tráng, trước giờ đến mức chúng tôi chưa từng chứng kiến sự kiện nào giống như vậy.
Có một đám rước công cộng, trao đổi quà tặng, mọi con phố chính đều lên đèn rực rỡ vào ban đêm, tiếng nhạc và tiếng ca tụng rầm rộ. Những ngôi nhà được trang trí bằng vòng hoa. Một sân khấu được dựng lên ở Hippodrome để Roxelane và triều đình xem một giải đấu của các kị sĩ và một lễ rước thú rừng với một hàng dài gồm những con hươu có cổ cao ngất trời... Mọi người đang nói về cuộc hôn nhân, nhưng không ai chắc chắn nó có ý nghĩa gì...”
Hurrem Sultan đã bắt đầu tác động đến chồng mình trước khi bà kết hôn và tận cho đến khi bà qua đời. Ảnh hưởng của bà đối với ông thực sự có thể đã bị phóng đại, vì Suleiman không hề yếu đuối hay dễ bị lung lay và biết tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình, dù tốt hay xấu, trong suốt 46 năm trị vì.
Tuy nhiên, bà ghen tị vì Suleiman thân mật với người ông yêu mến và tranh luận về cuộc chiến với Venice vào năm 1537, mặc dù Ibrahim phản đối điều đó. Các đại sứ nước ngoài không bao giờ quên mang quà đến cho bà, và nhiều chức sắc hàng đầu cũng đã được bà bổ nhiệm. Bà đã thúc đẩy sự nghiệp của Rustem, chồng của con gái bà là Mihrimah, và không ngừng bảo vệ anh ta. Như chúng ta sẽ thấy, bà chắc chắn cũng có liên quan đến vụ sát hại Mustafa.
Roxelane có lẽ không phải là nữ anh tài xấu xa của Suleiman, mặc dù một số người rất lấy làm vui khi miêu tả bà như vậy. Lời chỉ trích thực sự duy nhất mà người ta có thể đưa ra là bà đã góp tay xây dựng hệ thống cai trị cho những người được sủng ái và cận thần, và hệ thống này đã sớm khiến đế chế suy yếu một cách thảm hại.
Bình luận