Chính trị gia
Vào đêm bầu cử trong năm 2012, Hank, một ứng cử viên, đã gây bất ngờ lớn đối với dư luận ở bang Virginia, Mỹ khi nhận 7.000 phiếu và 16.000 USD cho nhóm người ủng hộ vật nuôi.
Hank tỏ ra là một đối thủ đáng gờm. Thậm chí một nhóm người còn thực hiện các chiến dịch bôi nhọ nhằm vào Hank, The Huffington Post đưa tin.
Một tấm áp phích với hình ảnh mèo Hank trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện tại bang Virginia vào năm 2012. Ảnh: huffingtonpost.com |
Trên thực tế, Hank là chú mèo 9 tuổi đỏm dáng, thuộc giống mèo Maine. Chủ của nó cũng chính là người quản lý chiến dịch tranh cử. Anh thắt cà vạt vào cổ Hank và quay vài video để bày tỏ mong muốn làm chính trị gia của nó.
Nhờ tranh cử bằng những cam kết về bảo vệ quyền lợi động vật, Hank gây tiếng vang lớn. Mặc dù không giành vị trí thượng nghị sĩ bang Virginia trong cuộc bầu cử thượng viện Mỹ, nhưng Hank đã chiếm vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử dù nó chỉ là một con mèo. Giới quan sát vẫn chưa thể hiểu Hank lập kỳ tích nhờ bề ngoài hấp dẫn của nó hay do công chúng mất lòng tin đối với các chính trị gia.
Trưởng nhà ga
Kishi là tên của một ga tàu nhỏ ở phía đông nam Nhật Bản. Nó là nhà ga độc nhất vô nhị của Nhật Bản bởi nhân vật quản lý: một con mèo mang tên Tama, Japan Times đưa tin.
Vào năm 2003, nhà ga rơi vào tình trạng khó khăn bởi cuộc cạnh tranh giữa công ty chủ quản với một đối thủ lớn hơn. Cuối cùng đối thủ đã thôn tính công ty bằng hình thức mua lại. Đó là tin xấu đối với người chủ của một trung tâm bảo vệ mèo gần nhà ga Kishi, bởi trung tâm sẽ phải chuyển tới chỗ khác do kế hoạch nâng cấp nhà ga của công ty chủ quản mới. Không còn cách nào khác, người phụ nữ đứng đầu trung tâm đã cầu xin chủ tịch công ty cho phép những con mèo ở trong nhà nhà ga.
Vị chủ tịch cảm động bởi lời thỉnh cầu của bà. Và khi ông thấy Tama, một ý tưởng lóe lên. Ông nghĩ rằng chú mèo sẽ là thần tài của ông và nhà ga nên quyết định bổ nhiệm Tama làm người quản lý nhà ga.
Mèo Tama mang về hơn 10 triệu USD cho nhà ga Kishi. Ảnh: blogspot.com |
Với mũ công vụ và phù hiệu trưởng nhà ga, Tama nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp đất nước. Mọi người đổ xô tới nhà ga Kishi để ngắm chú dù họ chẳng có việc gì để sử dụng dịch vụ tàu hỏa. Chẳng bao lâu nhà ga Kishi trở thành cỗ máy kiếm tiền. Ban lãnh đạo công ty ước tính rằng Tama đã mang về hơn 10 triệu USD cho họ. Điều đó đồng nghĩa với việc công ty sẽ không đóng cửa nhà ga Kishi trong tương lai gần.
Khi Tama trở nên quá già để giải quyết các công việc hàng ngày (bao gồm canh gác một buồng điện thoại công cộng, ngủ và nhìn hành khách), công ty đường sắt đã chuẩn bị một phương án để thay thế nó. Gần đây “trưởng nhà ga” Tama đã nhận một đệ tử. Đó là Nitama, một con mèo đang lớn.
Đại diện cho thư viện
Vào năm 1988, Vicki Myron, người quản lý thư viện, tìm thấy chú mèo lạc tại thư viện công cộng thành phố Spencer, bang Iowa.
Sau đó, Vicki cùng các nhân viên thư viện quyết định nuôi nấng chú mèo kháu khỉnh. Mọi người bao bọc và chăm sóc con vật rồi mở cuộc thi đặt tên cho nó. Sau đó, họ quyết định gọi chú mèo là Dewey, The Washington Post đưa tin.
Nhờ mèo Dewey mà lợi nhuận của thư viện thành phố Spencer tăng đáng kể. Ảnh: AP |
Dewey trở thành “đại sứ đọc sách” của thư viện thành phố Spencer. Hình ảnh của nó xuất hiện trên các trang bìa sách, truyện, chương trình truyền hình, và video giới thiệu về thư viện. Mọi người đổ xô đến thư viện để mượn sách vì muốn xem Dewey. Chức danh chính thức của Dewey là “người giám sát nhân viên”, một chức danh cực kỳ phù hợp đối với mèo. Từ khi Dewey trở thành hình ảnh đại diện, thư viện trở nên nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn.
Dewey chết vào năm 2006 trong vòng tay của người đứng đầu các thủ thư. Nhưng ngày nay hình ảnh của nó vẫn xuất hiện trên nhiều giá sách của thư viện. Tên của nó vẫn xuất hiện trong nhiều cuốn sách của giám đốc thư viện với tư cách là "tác giả danh dự".
Nghệ sĩ đường phố
Ngày nay chúng ta thấy vô số đoạn video về “mèo biết nói” khi tra Google. Nhưng con mèo có khả năng nói đầu tiên từng xuất hiện vào năm 1981, nghĩa là rất lâu trước khi mạng Internet ra đời. Blackie, tên của con mèo, trở nên nổi tiếng nhờ khả năng “nói” hai câu theo yêu cầu của mọi người – gồm “Tôi yêu bạn” và “Tôi muốn mẹ”.
Blackie có khả năng "nói" hai câu đơn giản. Ảnh: The Huffington Post |
Những người chủ của Blackie biến “tài năng” của nó thành tiền bằng cách thương lượng với các đài truyền hình và đài phát thanh để nó xuất hiện trong các chương trình. Khi sự hứng thú của giới truyền thông đối với Blackie giảm, nó vẫn tiếp tục kiếm tiền cho chủ bằng cách biểu diễn trên đường tại thành phố Augusta, bang Georgi, AP đưa tin.
Sự nghiệp biểu diễn trên đường phố của Blackie vấp phải trở ngại lớn khi nhà chức trách địa phương yêu cầu chú phải có giấy phép kinh doanh. Những người chủ của Blackie chi 50 USD để lấy giấy phép, nhưng sau đó họ kiện thành phố vì cho rằng hoạt động kinh doanh của họ không cần giấy phép. Ngoài ra họ còn khẳng định chính quyền vi phạm quyền tự do ngôn luận của Blackie. Dĩ nhiên, họ thua trong vụ kiện.