Thị giác giúp các loài vật xác định được phương hướng trong môi trường sống, tìm thức ăn và bạn tình, nhanh chóng phát giác tình huống nguy hiểm xảy ra xung quanh.
Trong thế giới động vật, hầu hết đều có thị giác. Trùng roi xanh vốn là sinh vật nguyên sinh đơn giản nhất cũng phát triển chức năng cảm biến ánh sáng.
Cuốn sách Tất tần tật về mắt đưa người đọc dạo chơi khắp các châu lục, khám phá những đôi mắt muôn hình vạn trạng, cửa sổ tâm hồn của muôn loài, thông qua quá trình tiến hóa và ảnh hưởng của chúng tới các loài sinh vật.
Cuốn sách Tất tần tật về mắt tiết lộ những thông tin thú vị về mắt của các loài vật. Ảnh: HH. |
Sách giới thiệu đến 30 loài vật từ những loài dưới nước như sò tai tượng, tôm tít công, cá mút đá châu Âu cho đến những loài trên cạn như kỳ giông lửa, đà điểu châu Phi, bọ cạp vàng, và cả những loài ở bay lượn trên không trung như ruồi nhà, đại bàng vàng, bướm hoàng đế tím.
Đôi mắt và khả năng quan sát của động vật rất đa dạng, tùy thuộc vào bản chất của loài đó và môi trường sống của chúng. Phần lớn loài động vật có xương sống thường có 2 mắt thì có những sinh vật nhỏ hơn lại có nhiều mắt hơn.
Bò sát Tuatara có con mắt thứ ba là mắt thái dương, vốn có ở lớp động vật từng tồn tại cách đây hàng triệu năm. Cá bốn mắt Anableps phát triển theo hình thức nhãn cầu lồi, chia làm hai giúp chúng nhân đôi tầm nhìn cả ở trên cạn và dưới nước.
Mắt bọ cạp phân bố khắp cơ thể với cặp mắt lớn ở chính giữa phần đầu, ngoài ra sẽ có thêm một số mắt phụ nằm ở đầu ngực, khoảng từ 3 đến 5 cặp.
Còn loài sứa hộp Australia có tổng cộng 24 con mắt phân bố đều trên cơ thể. Tám mắt trong số đó nằm ở ngoài cùng với đường kính rất nhỏ chỉ chừng 0,1 mm nhưng lại có cấu tạo tương tự cặp mắt hoàn chỉnh của nhóm động vật có xương sống gồm võng mạc, thủy tinh thể, con ngươi và giác mạc.
Trong muôn loài, khả năng phản ứng thị giác của ruồi được xem là nhanh nhạy nhất. Cặp mắt của chúng bao gồm 4.000 đơn vị thị giác ommatidia, cho phép có trường nhìn ngoại biên lên đến 360 độ.
Không chỉ giới thiệu đặc điểm của thị giác, cuốn sách Tất tần tật về mắt còn cung cấp thêm thông tin như kích thước các loài vật. Chúng sống ở đâu và thuộc loài nào, tập tính kiếm ăn và phòng vệ của chúng với những bí quyết riêng nhờ đặc điểm kỳ diệu của con mắt.
Bộ sách khoa học thường thức dành cho thiếu nhi. Ảnh: HH. |
Bên cạnh kiến thức chi tiết và thú vị từ tác giả Marie Kotasová Adámková, sách còn có thêm tranh minh họa sinh động của họa sĩ Matej Ilčík. Ngoài ra còn có thêm một phụ lục khổ lớn tổng hợp lại các loài sinh vật được nhắc đến trong sách và mắt của chúng, kẹp ở cuối sách.
Tất tần tật về mắt cùng với hai cuốn sách trước là Tất tần tật về lông và Tất tần tật về trứng mở ra một kho tàng kiến thức hữu ích và thú vị về thế giới tự nhiên, để mỗi độc giả nhí có thể khám phá cuộc sống xung quanh mình chỉ qua những trang sách diệu kỳ.